“I like English the most, because I want to become an English teacher” (Tạm dịch: Em thích nhất là môn tiếng Anh, bởi em muốn sau này trở thành một giáo viên tiếng Anh), cô học trò nhỏ đứng dậy, mạnh dạn trả lời khi thầy giáo hỏi về môn học yêu thích. Phần hội thoại nhỏ này diễn ra trong giờ học tiếng Anh của lớp tình thương, do Trung úy Trần Quang Huy đứng lớp.
Thầy Huy làm trọng tài để học trò hỏi-đáp, ôn lại kiến thức bài học bằng trò chơi. |
Những giờ học vui vẻ, sôi nổi
18 giờ 30 phút, lớp học tình thương miếu Bà Thắng Nhì (64 Nguyễn Bảo, TP.Vũng Tàu) bắt đầu, nhưng thầy Huy có mặt sớm 15 phút, cẩn thận ghi lại nội dung bài cũ lên bảng và phần ôn tập. Cẩn thận chia đôi tấm bảng, một bên ghi lại cách nhận biết số trong tiếng Anh, từ hàng chục đến hàng trăm, hàng triệu; bên còn lại là phần ôn tập những nội dung anh dạy các em học sinh suốt gần 3 tháng qua.
Các em HS tới lớp, tíu tít trò chuyện với thầy, có lúc quay sang nói chuyện riêng, nhưng thầy Huy vẫn rất kiên nhẫn để ổn định lớp. “Chúng ta học bài ôn tập nhé, bằng hình thức vừa học vừa chơi, thầy muốn kiểm tra các em nắm được kiến thức tới đâu rồi”, thầy nhắc cả lớp.
Lớp học hôm nay có 35 HS, các em đủ mọi lứa tuổi, trình độ. Thầy Huy chỉ định các em lên bảng, thi đấu bằng cách hỏi, đáp. Tên bạn là gì? Bạn đánh vần tên mình thế nào? Bạn bao nhiêu tuổi? Sở thích của bạn là gì? Màu sắc yêu thích của bạn? Việt Nam có bao nhiêu ngày lễ lớn trong năm? Số 1.520 đọc tiếng Anh thế nào?...
Ban đầu, các em khá rụt rè, nhưng dần dần các em đã cởi mở hơn, chia sẻ về những suy nghĩ của bản thân bằng vốn từ vựng của mình, như: “Em thích ngày Tết, vì Tết chúng em có quần áo mới, chúng em được lì xì”; Em thích Trung thu vì có múa lân... Có lúc, học trò trong vai người hỏi và thầy trở thành người đáp: “Thầy cũng thích học tiếng Anh. Thầy học tiếng Anh mỗi ngày. Tiếng Anh giỏi sẽ dạy được các em”... Cứ vậy, buổi học 1,5 giờ trôi qua rất nhanh, trong không khí vui vẻ, sôi nổi.
Lớp tình thương miếu Bà Thắng Nhì duy trì hơn 40 năm qua, nhằm mang đến kiến thức cho các em khó khăn. Lớp sĩ số dao động từ 30-39 em. Phần lớn các em có hoàn cảnh khó khăn, là trẻ mồ côi. Các em không được đi học, hoặc không có điều kiện học thêm, đều tìm đến lớp để các thầy, cô dạy chữ, làm phép tính hoặc ôn luyện kiến thức trên lớp.
|
Thỉnh thoảng, khi các em phát âm sai, hoặc sử dụng ngữ pháp chưa chuẩn, thầy Huy lại sửa và yêu cầu các em nhắc lại, để chắc chắn các em đã nhớ bài. Khi có học trò thực hiện tốt các yêu cầu, như đọc đúng những con số do thầy và bạn đưa ra, hay trả lời đầy đủ câu hỏi, cả lớp học lại vang lên tiếng vỗ tay khích lệ.
Các em học sinh hào hứng trong suốt giờ học tiếng Anh do thầy Huy dạy. |
Em thích lớp của thầy Huy
20 giờ lớp tan, nhưng một số em HS vẫn nán lại trò chuyện với thầy bằng tiếng Anh, một số em đưa bài tập các môn ra và đều được thầy hướng dẫn cách làm.
Trần Thị Mỹ Quyên (HS lớp 9, Trường THCS Võ Văn Kiệt). Ba mẹ đã ly hôn, em sống với ngoại và gia đình cậu. Hoàn cảnh khó khăn, em không được đi học thêm như các bạn. “Em học tiếng Anh không tốt, nên khi có lớp tiếng Anh của thầy Huy, em đã tới học. Sau vài tháng, em hiểu bài hơn, có thể giao tiếp tốt hơn. Bài tập trên lớp, nếu chưa hiểu em sẽ mang về nhờ thầy Huy hướng dẫn. Từ một HS kém môn tiếng Anh, giờ em tự tin đạt điểm 6, điểm 7 trong các bài kiểm tra môn tiếng Anh trên lớp”, Quyên nói.
Cũng có hoàn cảnh khó khăn, ba mất sớm, mẹ đi làm ăn xa, em Hà Gia Quân (HS lớp 5, Trường TH Thắng Nhì) hiện đang ở với ông bà nội. Quân cùng em gái tìm đến lớp tiếng Anh của thầy Huy để bổ sung kiến thức cho mình. “Thầy dạy dễ hiểu, giờ học lại vui nên em thích. Thầy đã giúp em thêm vốn từ vựng, biết đặt câu và nói tiếng Anh nhiều hơn. Giờ em có thể nói tất cả các màu sắc, con vật, đọc các số dễ dàng, Em mong rằng sau này bản thân giỏi tiếng Anh để có công việc tốt”, Quân nói.
Trung úy Trần Quang Huy hướng dẫn các em phát âm. |
Hình ảnh đẹp về bộ đội Cụ Hồ
Ba tháng trước, Ban CHQS TP.Vũng Tàu đã quyết định cử cán bộ đến dạy thêm cho các em môn tiếng Anh, và Trung úy Trần Quang Huy xung phong nhận nhiệm vụ. Trung úy Huy chia sẻ, sau khi tiếp xúc với các em, thấy thương các em vô cùng: "Tôi muốn truyền tải kiến thức cho các em, chủ yếu là tiếng Anh giao tiếp, để sau này các em có cơ hội tìm kiếm công việc tốt hơn".
Buổi dạy tiếng Anh được cố định vào thứ Ba hằng tuần, nhưng thứ Hai, thầy Huy vẫn đến lớp, giải đáp những thắc mắc của các em, hướng dẫn các em làm bài tập những môn học khác. Hình ảnh thầy giáo trẻ với bộ quân phục đã trở nên quen thuộc với các em HS và phụ huynh bởi sự gần gũi, những bài học sinh động theo phương pháp vừa học, vừa chơi, giúp các em tăng vốn từ vựng và khả năng nghe-nói.
Theo Trung tá Ngô Khánh, Chính trị viên Ban CHQS TP.Vũng Tàu: “Việc cử sĩ quan có trình độ ngoại ngữ tốt tham gia giảng dạy cho HS nghèo không chỉ giúp các em tiến bộ mà còn xây dựng hình ảnh đẹp về bộ đội Cụ Hồ luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Ngoài dạy tiếng Anh, thầy Huy còn định hướng công việc, giáo dục tư tưởng cho các em, hướng các em đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sau một thời gian, chúng tôi sẽ đánh giá lại hiệu quả của lớp tiếng Anh và xem xét, tiếp tục cử cán bộ tham gia giảng dạy tiếng Anh ở các lớp tình thương khác trên địa bàn, giúp thêm trẻ em nghèo được tiếp cận và học ngoại ngữ”.
Thầy Huy trẻ, vui tính, gần gũi học trò và giảng bài dễ hiểu nên các em rất quý và thích học. Giờ tiếng Anh của thầy luôn đông học trò. Chúng tôi rất cảm ơn người thầy, anh bộ đội Cụ Hồ đã đồng hành với lớp, truyền tải kiến thức cho các em hoàn cảnh khó khăn, bà Phạm Xuân Hà, phụ trách lớp tình thương miếu Bà Thắng Nhì. |
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH