.

Cần đặc biệt quan tâm chống tham nhũng về đất đai

Cập nhật: 19:55, 08/11/2022 (GMT+7)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, ngày 8/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị, cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị, cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Xử lý 19 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình có chuyển biến tích cực. Các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 14.425 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch. Từ đó đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm.

“Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2022 có 19 người bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng”, ông Đoàn Hồng Phong thông tin.

Về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, các cơ quan điều tra đã thụ lý 687 vụ án, 1.439 bị can (tăng 105 vụ, 177 bị can so năm 2021); kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ với 765 bị can.

Viện KSND các cấp đã thụ lý giải quyết 506 vụ/1.332 bị can; giải quyết 426 vụ với 1.084 bị can. TAND các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ với 1.399 bị cáo; giải quyết 533 vụ với 1.272 bị cáo; trong đó đã xét xử 410 vụ với 945 bị cáo.

Tổng số phải thi hành án là 3.973 việc, ứng với hơn 89 ngàn tỷ đồng; trong đó số có điều kiện thi hành là 2.739 việc, ứng với hơn 43 ngàn tỷ đồng; thi hành xong 1.895 việc, ứng với 15,9 ngàn tỷ đồng (tăng 290% so với năm 2021).

Kết quả phòng, chống tham nhũng đã được quốc tế đánh giá cao. Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021, trong đó Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 3 điểm, 17 bậc so với năm 2020).

Khắc phục tình trạng “đi đêm” trong đấu thầu

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đánh giá cao báo cáo của các cơ quan tư pháp, báo cáo phòng, chống tham nhũng và báo cáo thẩm tra đã thể hiện khá rõ về tình hình, kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, vẫn còn những tồn tại cần phải nhìn thẳng vào sự thật để mỗi tổ chức, cá nhân trách nhiệm hơn với nhân dân trong xã hội thượng tôn pháp luật, đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng ở một số lĩnh vực.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp. Đại biểu cho rằng, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó.

“Nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại. Nếu thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật trong thời gian tới sẽ giảm”, đại biểu Lê Thanh Hoàn nói.

Theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, có 5 chiêu trò phổ biến để lách luật trong hoạt động đấu thầu. Đó là chia nhỏ gói thầu; cài cắm các điều khoản để “chèn” thầu quen; thiết lập liên minh “quân xanh”, “quân đỏ” để thông thầu; móc ngoặc với thẩm định giá để nâng “khống” gói thầu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu.

Khẳng định đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng, trục lợi, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị: Các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời, công khai sẽ được xem là giải pháp của mọi giải pháp và nó sẽ rất hữu hiệu để khắc phục tình trạng “đi đêm” ở trong đấu thầu vừa qua.

“Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), do đó, tôi kiến nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện bảo đảm thực hiện chặt chẽ 6 công khai trong đấu thầu. Cụ thể là công khai về điều kiện dự thầu; danh sách và năng lực nhà thầu; điều kiện được trúng thầu; quá trình chấm thầu, kết quả trúng thầu và kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhà thầu”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

NGỌC NGUYỄN

.
.
.