Tổng thanh tra để 'quét' sim rác

Thứ Sáu, 04/11/2022, 19:05 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến bất cập trong quản lý thuê bao di động, quảng cáo trên các trang mạng, trang thông tin điện tử…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: CHÂU VŨ
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: CHÂU VŨ

Đã gỡ 2.000 quảng cáo sai sự thật, phản cảm

Tham gia chất vấn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, qua theo dõi trực tiếp phiên chất vấn, cử tri đề nghị Bộ trưởng nên trả lời thẳng vào việc các quảng cáo về thực phẩm chức năng trên các nền tảng số. Bên cạnh đó là những nội dung có hình ảnh không phù hợp lứa tuổi, thuần phong mỹ tục, xuất hiện thường xuyên trên các trang mạng, báo điện tử, các đài phát thanh, truyền hình. 

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có chịu trách nhiệm trong quản lý lĩnh vực này cũng như giải pháp như thế nào?”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc chất vấn.

Trả lời chất vất của đại biểu Huỳnh Thị Phúc về quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, các quảng cáo phản cảm xảy ra trên nền tảng số, chủ yếu là trên Youtube, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là thuật toán hướng đối tượng của các nền tảng xuyên biên giới, cũng là một mô hình kinh doanh của họ. Cơ quan quản lý nhà nước chưa có công cụ để phát hiện các quảng cáo cần xử lý. Cách tối ưu là người dân có thể chụp ảnh màn hình gửi đến Bộ TT-TT, Bộ dùng ảnh này yêu cầu gỡ trên các nền tảng.

Hiện nay, trên 2.000 quảng cáo sai sự thật, quảng cáo về thực phẩm chức năng phản cảm đã được gỡ xuống, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thể chế để xử lý vấn đề về này…

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chất vấn  trách nhiệm quản lý của Bộ TT-TT về quảng cáo trên nền tảng số. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chất vấn trách nhiệm quản lý của Bộ TT-TT về quảng cáo trên nền tảng số. Ảnh: CHÂU VŨ

Ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An về làm rõ giải pháp xử lý tội phạm công nghệ cao, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, vấn đề Bộ quan tâm là làm sao xử lý một cách căn bản tình trạng này. Trong đó, Bộ đã công khai đầu số điện thoại 156 và các trang web nhằm tiếp nhận phản ánh của người dân về các vi phạm; phát triển công cụ, công nghệ trong quản lý không gian mạng.

“Năm 2020, Bộ đã rà quét, ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo, nếu không ngăn chặn, sẽ có khoảng 3,1 triệu người truy cập vào các trang web và xác suất bị lừa đảo là rất lớn”, Bộ trưởng nói.

Bộ TT-TT cũng tập trung xử lý sim rác, đây là phương tiện thực thi các hoạt động lừa đảo. Bộ thực hiện 3 công đoạn lớn để xử lý sim rác, trong đó thuê bao không có thông tin đầy đủ sẽ bị xóa khỏi hệ thống. Năm 2018, còn 22 triệu số không có thông tin đầy đủ, đến nay không còn.

Cùng với đó, Bộ tiến hành đối soát thông tin các thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay đã thực hiện được 1/4 số lượng thuê bao, cơ bản trong năm nay hoặc đầu năm 2023 phải thực hiện xong. Cuối cùng là xử lý sim “không chính chủ” sẽ ngăn chặn được việc dùng số điện thoại để lừa đảo, cuộc gọi rác.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh một số quan điểm quản lý của ngành. Đó là ngành nào quản lý cái gì trong thế giới thực thì lên không gian mạng quản lý cái đó. Dữ liệu cá nhân là tài sản của cá nhân, mỗi người phải biết tự bảo vệ. Nền tảng số Việt Nam là lời giải căn bản cho chuyển đổi số Việt Nam. Để phát triển không gian mạng lành mạnh, an toàn, vừa hoàn thiện thể chế, vừa xây dựng văn hóa số. Năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề dữ liệu số, nâng cao nhận thức…

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nếu nói là xử lý triệt để sim rác với nghĩa là bằng 0 thì trong cuộc sống khó có thể làm được, mà vẫn còn đó những tồn tại nhưng phải hạn chế, đưa về mức có thể chấp nhận được. Bộ trưởng nêu rõ mục tiêu xử lý, từ nay đến cuối năm sẽ tổng thanh tra các nhà mạng về tình trạng một cá nhân đăng ký nhiều sim. Ngoài ra, việc xử lý sim rác được gắn với đăng ký thông tin chính chủ, kết nối, đối chiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có căn cứ xác định thông tin đăng ký là chính xác.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu rõ theo báo cáo của Bộ TT-TT, hiện mới rà soát, đối chiếu được hơn 24% tổng số hồ sơ thuê bao di động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong khi mục tiêu là hoàn thành 100% việc đối soát này trong tháng 11/2022.

“Như vậy, còn chưa đầy một tháng nữa phải rà soát, đối chiếu xong 58 triệu thuê bao di động còn lại. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tính khả thi cũng như giải pháp để đạt được mục tiêu trên nhằm góp phần loại bỏ sim rác”, đại biểu nêu câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc rà soát, đối chiếu thuê bao di động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ là câu chuyện về điện tử, gần 90% thông tin nhà mạng thu thập là đúng, còn khoảng 10% thì các nhà mạng phải xác minh lại.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt câu hỏi chất vấn 
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt câu hỏi chất vấn 
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết, phần trả lời của Bộ trưởng về chính sách đối với đội ngũ không chuyên trách cấp xã đã rõ ràng và có giải pháp cụ thể. Tuy nhiên vẫn thiếu nội dung liên quan đến các chính sách liên quan đến thực trạng cán bộ nữ hoạt động không chuyên trách cấp xã không được hưởng chế độ thai sản do vướng quy định tại Điều 30 của Luật Bảo hiểm xã hội.
 
Trong khi đó, người hoạt động không chuyên trách cấp xã là đối tượng phải thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 01/01/2016 và thực hiện chế độ bảo hiểm y tế từ ngày 01/01/2015.
 
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm giải quyết vấn đề này thuộc về bộ, ngành nào? Tại sao vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội khóa XIV và nhiều cử tri kiến nghị nhiều lần cho đến nay vẫn chưa được giải quyết? Đồng thời cho biết giải pháp để đội ngũ cán bộ nữ hoạt động không chuyên trách cấp xã được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng trong thụ hưởng chính sách?
 
Trả lời tranh luận của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ tiếp thu và trao đổi với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để làm rõ thêm các vướng mắc liên quan đến việc các cán bộ không chuyên trách làm công tác không chuyên trách ở cấp cơ sở chưa được hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc và những chính sách có liên quan. 

CHÂU VŨ, PHÚC LƯU

 
;
.