Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 26/11, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu tham luận. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung bài tham luận này.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu tham luận tại hội nghị. |
Với quan điểm phát triển cùng với các nhiệm vụ, giải pháp hết sức bao trùm và toàn diện, trong đó lấy tiếp cận phát triển Vùng làm quan điểm chủ đạo, nền kinh tế các địa phương là một bộ phận hợp thành hữu cơ và cùng hướng đến mục tiêu chung dựa trên việc khai thác các lợi thế so sánh riêng có, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, giải phóng và tái phân bổ lại nguồn lực thông qua các cơ chế, chính sách, giải pháp để vùng Đông Nam Bộ phát triển năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, đóng góp lớn vào sự phát triển đất nước. Trong số các chủ trương, giải pháp phát triển vùng đó, có chủ trương về “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế”.
Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ là yêu cầu tất yếu
Sáng kiến hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ không phải là một cơ chế ưu đãi dành riêng cho Bà Rịa – Vũng Tàu mà là cơ chế đặc thù cho cả Vùng Đông Nam Bộ. Sự ra đời của khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ tạo ra một công cụ kinh tế hữu hiệu để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khu vực trong thu hút đầu tư và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới, là động lực để Vùng Đông Nam Bộ có thể đóng góp lớn hơn vào sự phát triển và thịnh vượng chung của cả nước.
Qua các tài liệu nghiên cứu cho thấy, sự hình thành khu thương mại tự do là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Từ cuối thế kỷ trước, mô hình khu thương mại tự do đã được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Và hiện nay, khu thương mại tự do vẫn là một trong những gợi ý chính sách hàng đầu để các nước nghiên cứu áp dụng nhằm đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, rút ngắn thời gian và chi phí xâm nhập vào thị trường thế giới; đóng góp vào làn sóng hình thành các khu kinh tế/thương mại tự do là sự phát triển nhanh chóng của các chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều câu chuyện thành công về kinh tế, hay thậm chí là sự thần kỳ kinh tế ở một số nước đang phát triển bắt đầu từ những mô hình khu kinh tế/thương mại tự do như vậy, chẳng hạn như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE…
Ở Việt Nam, theo thống kê hiện có 47 khu kinh tế, trong đó gồm 19 khu kinh tế ven biển và 28 khu kinh tế cửa khẩu. Tuy chưa phát triển như ở nhiều nước trên thế giới, nhưng những mô hình này đã có những đóng góp rất quan trọng đối với chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu phải tái cơ cấu các mô hình khu kinh tế kiểu cũ, đồng thời là khởi nguồn cho các ý tưởng mới về những mô hình khu kinh tế/thương mại tự do thế hệ mới dựa trên nền tảng số và hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh. Điều này phù hợp với định hướng của Nghị quyết 24, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm. Do đó, định hướng hình thành một khu thương mại tự do theo Nghị quyết 24 là rất đúng đắn và kịp thời.
Việc lựa chọn vị trí hình thành khu thương mại tự do ở khu vực Cái Mép Hạ theo Nghị quyết 24 dựa trên những luận cứ mang tính khoa học và thực tiễn trong nước và quốc tế, dựa trên các đánh giá khách quan về các lợi thế tự nhiên. Cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải (CM-TV) là một trong 20 cảng lớn trên thế giới, có thể tiếp cận các siêu tàu container lớn nhất thế giới hiện nay. Đây cũng là cụm cảng duy nhất ở miền Nam Việt Nam có những chuyến tàu đi thẳng đến Châu Mỹ, Châu Âu. Cảng CM-TV được xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới năm 2021 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Cái Mép Hạ hội đủ các điều kiện để có thể hiện thực hóa sáng kiến hình thành khu thương mại tự do thế hệ mới của Vùng được kiến tạo trên nền một hệ sinh thái đa dạng, gồm nhiều lớp nền tảng hỗ trợ.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, trong thời gian vừa qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ động triển khai một số công việc cần thiết như: Cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức lập quy hoạch Trung tâm logistic Cái Mép Hạ với diện tích 1.686,73ha, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Triển khai đầu tư các công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng; phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối Vùng Đông Nam Bộ; đặc biệt là kết nối hệ thống cảng Thị Vải – Cái Mép với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh, các trung tâm công nghiệp, đô thị trong vùng. Xúc tiến lập Đề án nghiên cứu khả thi thành lập khu thương mại tự do Cái Mép Hạ.
Để sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, trong thời gian tới, tỉnh sẽ khẩn trương thực hiện các công việc cụ thể sau đây: Xác định vị trí, quy mô khu thương mại tự do, xác định cụ thể diện tích, địa điểm xây dựng khu thương mại tự do với toạ độ địa lý, ranh giới cụ thể, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh và nhu cầu sử dụng đất và mặt nước tại khu vực. Tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và các địa phương trong vùng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, kết nối khu thương mại tự do Cái Mép Hạ với hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp, khu kinh tế, các đô thị phát triển trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước, trong hành lang kinh tế xuyên Á. Hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Khu thương mại tự do. Trong đó, cần chú trọng nghiên cứu kinh nghiệm hình thành, phát triển, vận hành các mô hình khu thương mại tự do trên thế giới; trên cơ sở đó đề xuất lựa chọn mô hình phát triển khu thương mại tự do phù hợp với đặc thù vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đất đai… của khu vực Cái Mép Hạ. Xây dựng chiến lược thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý đến khu thương mại tự do, tập trung vào các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh như: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistic, du lịch – thương mại, các lĩnh vực công nghệ - tài chính, kinh tế số… Ngay trong quá trình lập Đề án nghiên cứu khả thi, quy hoạch các khu chức năng của khu thương mại tự do, sẽ mời các nhà thầu có uy tín trên thế giới để thiết lập các lộ trình và định hướng phát triển đầu tư, sinh lợi rõ ràng để các nhà đầu tư lớn thế giới tin tưởng, lựa chọn khu thương mại tự do Cái Mép Hạ là địa điểm ưu tiên cho các dự án đầu tư của họ. Xây dựng hệ thống chính sách phát triển khu thương mại tự do đồng bộ, cạnh tranh và hiệu quả, đặt trong mối quan hệ tổng thể, tạo công ăn việc làm, thu hút vốn FDI, thu hút ngoại tệ và tạo ra giá trị gia tăng cao, bao gồm 5 nhóm chính sách chính gồm: Chính sách phát triển kinh tế, thuế quan cạnh tranh, tạo được ưu thế đặc thù, riêng biệt, nổi bật so với khu vực Đông Nam Á và thế giới; phải hình thành hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế linh hoạt của khu thương mại tự do. Chính sách ưu đãi về tài chính phải hướng đến khuyến khích đầu tư dài hạn, ngăn chặn các kẽ hở, có nguy cơ dẫn đến lợi dụng “đầu tư lướt sóng”, trục lợi ngắn hạn. Chính sách về đất đai, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước phải phòng ngừa tình trạng đầu cơ, lợi ích nhóm, trục lợi; đồng thời phải chú trọng bảo đảm an ninh - ổn định chính trị - kinh tế, trật tự an toàn xã hội;... Chính sách về khoa học công nghệ phải chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời khuyến khích chuyển giao công nghệ phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính sách xuất khẩu, nhập khẩu phải phù hợp về tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu đối với hàng hoá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và về vấn đề nội địa hoá các sản phẩm của doanh nghiệp. Xây dựng mô hình tổ chức bộ máy quản lý khu thương mại tự do bảo đảm yêu cầu tinh gọn, hiệu quả; học tập kinh nghiệm từ các mô hình quản lý khu thương mại tự do thế hệ mới. Chú trọng các giải pháp quản lý, kiểm soát bằng hạ tầng số - công nghệ số. Tối ưu hóa các quy trình thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập cảnh, lưu chuyển hàng hóa – dịch vụ, thanh toán – lưu thông tiền tệ trên cơ sở các mô hình quản lý hiện đại. Chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng đất đai, cơ sở hạ tầng cấp điện, cấp nước, giao thông,…bảo đảm thực hiện các cam kết về tiến độ hình thành khu thương mại tự do, tạo được niềm tin ngay từ đầu cho các nhà đầu tư. Phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong khu thương mại tự do, bảo đảm lộ trình, tiến độ cam kết. Kết hợp đa dạng các nguồn vốn Trung ương và địa phương, hợp tác công tư,… xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời có cơ chế, lộ trình tối ưu hóa tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
6 nhóm giải pháp phát triển trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế
Nghị quyết 24 cũng đặt ra nhiệm vụ phát triển TP.Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Đây không chỉ là định hướng riêng cho TP. Vũng Tàu mà cũng chính là mục tiêu của cả tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bà Rịa – Vũng Tàu, ngoài việc được biết đến là trung tâm dầu khí của quốc gia, trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo và cảng biển của Vùng, còn là một điểm đến du lịch hàng đầu vốn đã định hình thương hiệu từ rất lâu. Sau nhiều năm phát triển theo hướng đại trà, Bà Rịa – Vũng Tàu đang dần chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị du lịch, với sự hình thành các cụm ngành du lịch chất lượng cao, các trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.
Tuy nhiên, tỷ phần đóng góp và sức lan tỏa của ngành du lịch đối với sự phát triển của tỉnh nói riêng, đối với Vùng và cả nước nói chung vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu cũng như so với tiềm năng và lợi thế. Nghị quyết 24 đã chỉ ra nhiều nhóm giải pháp mang tính chiến lược, kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá cho ngành du lịch của TP. Vũng Tàu và của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ tới, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục xác định du lịch là một trong 05 trụ cột kinh tế quan trọng với việc định hướng phát triển trục động lực kinh tế du lịch tại khu vực ven biển phía Đông Nam với chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu và khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
Để phát triển trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu sau: Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng phát triển du lịch của tỉnh, đồng thời phối hợp với các bộ ngành và các địa phương trong vùng khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng: cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo, xây dựng Cảng tàu khách quốc tế và hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu, các tuyến đường sắt đô thị,… nhằm tăng cường sự liên kết các hoạt động du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung với các địa phương trong khu vực.
Phát triển các đô thị, nhất là đô thị du lịch ven biển theo mô hình đô thị xanh, bền vững, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tạo môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội, đáng sống, hấp dẫn du khách. Phát triển các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp. Tập trung phát triển loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trở thành sản phẩm mang tính đặc trưng, phát triển các khu du lịch phức hợp, đẳng cấp quốc tế;… để Bà Rịa - Vũng Tàu đủ điều kiện trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế. Xây dựng kiến tạo hệ thống giá trị văn hóa du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm các nội dung chủ yếu: bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn; xây dựng văn hoá du lịch theo các chuẩn mực văn minh, tiến bộ; giáo dục lòng tự hào, tình yêu quê hương; giáo dục lối sống, phong cách sống, văn hóa ứng xử với cộng đồng, giáo dục tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường bền vững. Nâng cao nhận thức về du lịch, về tầm quan trọng của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; tổ chức hoạt động du lịch thông suốt, hệ thống. Chú trọng liên kết thu hút đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị 6 nội dung
Để có thể sớm hiện thực hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 24 đã đề ra, tỉnh xin được đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ một số vấn đề chủ yếu sau: Thứ nhất, ưu tiên nguồn lực để đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch và định hướng đề ra tại Nghị quyết 24, trong đó yêu cầu tập trung nguồn lực để đầu tư và sớm hoàn thành các dự án giao thông có tính liên kết vùng, đặc biệt là tuyến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, tuyến kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống đường ven biển qua Bà Rịa-Vũng Tàu, Cảng hàng không Côn Đảo, nâng cấp cảng hàng không Biên Hoà - Vũng Tàu thành lưỡng dụng cấp 4E,…
Thứ hai, sớm hoàn thiện công tác lập quy hoạch và triển khai quy hoạch tổng thể Vùng Đông Nam Bộ theo hướng tích hợp, hiệu quả, trong đó lồng ghép tối đa, cụ thể hóa từng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 24, bảo đảm hướng đến tầm nhìn chung vì lợi ích tổng thể Vùng và cả nước; quy hoạch phải xác định rõ lợi thế cạnh tranh nổi bật và “phân vai” cho từng địa phương, tránh xung đột lợi ích làm suy yếu lợi thế cạnh tranh cả Vùng.
Thứ ba, xây dựng các nhóm giải pháp đột phá nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí và du lịch biển như Nghị quyết 24 đã nêu; điều này còn góp phần hiện thực hóa những mục tiêu và định hướng về chiến lược phát triển kinh tế biển mà Nghị quyết 36 (Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII) đã đề ra.
Thứ tư, có cách tiếp cận mới trong hợp tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Vùng, bao gồm chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế, người có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực ưu tiên như quản trị chiến lược, tài chính, công nghệ kỹ thuật số, kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch chất lượng cao.
Thứ năm, cần thể chế hoá mô hình điều phối, liên kết nội vùng, liên vùng (với Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Trung Bộ) mà Nghị quyết 24 đã nhấn mạnh nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện các hoạt động phối hợp giữa các địa phương trong đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, phân bổ nguồn lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh nội vùng, gây lãng phí nguồn lực.
Liên quan đến mô hình khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương trong Vùng vì sự phát triển chung. Định hướng đây sẽ là mô hình khu thương mại tự do thế hệ mới dựa trên các nền tảng số hướng đến tăng trưởng xanh. Như cách tiếp cận xây dựng mô hình Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu xin được đóng vai trò đầu mối thực hiện nghiên cứu khả thi và đề xuất lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, nghiên cứu thí điểm áp dụng các chuẩn mực về đầu tư, thương mại, quản trị hàng đầu quốc tế hướng đến cạnh tranh với các nước trong khu vực.
* Tựa đề do Tòa soạn đặt