Phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Năm, 03/11/2022, 15:07 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Tư, ngày 3/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Tổ phó Tổ thảo luận số 8 Nguyễn Thị Yến chủ trì buổi thảo luận.

BẢO ĐẢM HÀI HÒA LỢI ÍCH 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Tại tờ trình Quốc hội, Chính phủ đã nêu ra 11 điểm mới của dự thảo luật. Trong đó, Chính phủ xin ý kiến QH về ba nội dung: Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền SDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên 15 lần so với hạn mức được giao; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền SDĐ trồng lúa; quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ phó Tổ thảo luận số 8 phát biểu thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ phó Tổ thảo luận số 8 phát biểu thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ.

Phát biểu thảo luận về dự thảo án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, luật hóa sau khi tiếp thu ý kiến của Quốc hội, đồng thời thể chế hóa tại dự thảo Nghị định và Thông tư liên quan để xin ý kiến Nhân dân cùng với dự thảo Luật, trong đó quan tâm đến các nội dung liên quan đến tiêu chí, điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất, các thủ tục hành chính về đất đai tại Chương 14… bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Về chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, Dự thảo Luật quy định về "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm" được chuyển nhượng, thế chấp là phù hợp tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW về thương mại hóa quyền sử dụng đất. “Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá tác động, rà soát chặt chẽ các điều kiện thực hiện để vừa tạo hành lang pháp lý cho các giao dịch trên thị trường (Luật các Tổ chức Tín dụng, Bộ Luật Dân sự…), nhằm tránh bị lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, trong chính sách đất đai, thu hồi đất là chế định đặt ra yêu cầu cao nhất và khó khăn nhất về bảo đảm “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội”. Bởi thu hồi đất là việc Nhà nước dùng mệnh lệnh hành chính nhằm thu hồi quyền sử dụng đất của chủ thể này để giao cho một chủ thể khác - công việc luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột, bất bình đẳng xã hội, tiêu cực, lợi ích nhóm và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, Nghị quyết 18 của Đảng đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai để “bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư”. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận thấy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc rà soát kỹ việc xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại khoản 4 của Điều 86 để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG – AN NINH 

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CHÂU VŨ.

Liên quan đến quốc phòng, an ninh được quy định tại Điều 52, Điều 53, Điều 87 và Điều 134 Dự thảo Luật kể trên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về các điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời khắc phục một số vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn khi nhà đầu tư nước ngoài đã xây dựng công trình và sử dụng đất ở những khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh như khu vực ven biển, biên giới, địa bàn trọng yếu. Do đó, việc có quy định về điều kiện cụ thể đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam còn góp phần minh bạch về thủ tục hành chính; tạo cơ sở phát lý để các cơ quan chức năng tham gia ý kiến trong quá trình thẩm định dự án của Nhà đầu tư nước người.

Về các trường hợp “giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất tại Điều 134, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề xuất bổ sung tại điểm d khoản 1 điều 134 một số nội dung do đây là vấn đề có liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến chế độ chung cho cán bộ, nhân viên và người lao động đang công tác trong Bộ Quốc phòng nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung. “Trong Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đều quy định trách nhiệm bảo đảm nhà ở các đối tượng này. Trong khi đó, hiện pháp luật đất đai hiện hành quy định phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất khi thực hiện các dự án nhà ở thương mại. Do đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không có cơ sở để bảo đảm quỹ đất khi làm các dự án nhà ở cho cán bộ của lực lượng vũ trang”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nói.

Từ đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung vào dự thảo luật một khoản quy định: “Giao đất để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang” để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Nhà ở, cần được thể chế vào dự thảo Luật này làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ và gắn bó lâu dài trong lực lượng vũ trang…

Đại biểu Đỗ Văn Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đại biểu Đỗ Văn Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ.

Đại biểu Đỗ Văn Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tại Điều 76 quy định về lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quy định dự thảo, chỉ cần quy định lấy ý kiến đóng góp nhân dân về quy hoạch sử dụng đất, còn riêng về lấy ý kiến của nhân dân về kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở cấp huyện thì cấp huyện hàng năm đã thực hiện trên cơ sở quy hoạch vào sử dụng đất có thẩm quyền phê duyệt. 

Mặt khác, Ban Soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định tại Điểm a, khoản 3 và Điểm 66 với lý do thứ nhất là Luật Đất đai sửa đổi, thể chế hóa Nghị quyết 18 của Trung ương, đó là các dự án thương mại nhà nước thì không thu hồi, không phải thu hồi đất nên giữ theo điều, khoản của dự thảo luật này…

CHÂU VŨ – AN NHIÊN 

 

;
.