Giữa sóng gió ngàn khơi, cuộc sống dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song lính Trường Sa vẫn luôn yêu đời, cất cao lời ca tiếng hát sau những giờ huấn luyện vất vả.
Ngoài giờ huấn luyện chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ, lính Trường Sa quây quần bên nhau đàn, hát cho vơi bớt nỗi nhớ nhà. |
Mang tiếng hát đến đảo xa
Sau hơn 30 giờ “vật lộn” với cái nắng cháy da cháy thịt giữa đại dương bao la, Đoàn công tác chúng tôi đến với đảo Sinh Tồn, hòn đảo nhỏ nằm trong “vùng xoáy ngược” và được coi là nơi có khí hậu khắc nghiệt trong quần đảo Trường Sa.
Vừa đặt chân lên đảo, các ca sĩ, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã hối hả chuẩn bị giàn nhạc, đạo cụ, trang điểm xinh tươi, sẵn sàng gửi đến những lời ca, tiếng hát đến với những người lính đảo. Khoảng sân giữa 2 dãy nhà làm việc được chọn làm nơi diễn ra buổi giao lưu văn nghệ. Sân khấu trang trí khá đơn giản ngay bên cột mốc chủ quyền của đảo, dưới tán cây bàng vuông, mù u rợp bóng mát, càng làm cho không khí buổi giao lưu thêm gần gũi, ấm áp.
Sau tiết mục mở màn “Hát vang lý tưởng tuổi trẻ Việt Nam” với giai điệu tự hào, sôi nổi, buổi giao lưu lần lượt tiếp diễn với những lời ca tha thiết về biển, đảo như: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam. Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng”; hay: “Và sao không là gió là mây để thấy trời bao la. Và sao không là phù sa dâng mỡ màu cho hoa”. Ca từ vang lên lúc trầm, lúc bổng trên mặt sóng… được cất lên với giọng ca mộc mạc nhưng tha thiết tình cảm gửi trao khiến mọi người trào dâng cảm xúc. Không khí buổi văn nghệ “cây nhà lá vườn” thật vui, xúc động bởi khán giả cũng đấy mà diễn viên cũng đấy, hát xong xuống làm khán giả, hết làm khán giả lại thành diễn viên, ai cũng nhiệt tình hết cỡ, hát múa hết mình.
“Được hát dưới chân những cột mốc chủ quyền Trường Sa không phải ai cũng có được. Cho nên tôi luôn tranh thủ “cháy” hết mình để đem lại niềm vui cho những người lính đảo”, ca sĩ Thanh Thanh, Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình chia sẻ.
Đáp lại tình cảm của các nghệ sĩ, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn cũng mạnh dạn tham gia bằng những tiết mục “cây nhà lá vườn”. Ấn tượng nhất là 3 chiến sĩ trẻ ôm ghi ta hát “Khúc quân ca Trường Sa” khiến các ca sĩ chuyên nghiệp và đoàn công tác vỗ tay không ngớt. Nhiều chiến sĩ trẻ lúc đầu còn ngại ngùng, e dè nhưng trước sự cởi mở, nhiệt tình của các nghệ sĩ, ca sĩ đã nhanh chóng hòa nhập, tự tin biểu diễn các tài lẻ của mình như hát, nhảy, đọc rap... để giao lưu với mọi người.
Cũng như ở đảo Sinh Tồn, trong chuyến thăm, động viên quân dân Trường Sa, ngoài những món quà về vật chất, đoàn công tác từ đất liền còn mang đến những lời ca, tiếng hát như những “món quà tinh thần” đến cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo đoàn dừng chân. Nó như “sợi dây liên kết” giữa đất liền với Trường Sa thêm gần gũi, đồng thời là động lực giúp cán bộ, chiến sĩ vững tay súng giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
“Mỗi khi được nghe các bài hát về tình yêu quê hương đất nước, biển, đảo, về lực lượng Hải quân, tôi luôn cảm thấy tự hào vì đã đóng góp nhỏ bé cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương”, Binh nhất Nguyễn Quang Anh, đảo Đá Thị chia sẻ.
Ở đảo Trường Sa Lớn, điểm dừng chân lâu nhất của đoàn công tác, từ 13 giờ 30 đến 21 giờ, đêm văn nghệ được đầu tư bài bản hơn với đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng ngay dưới chân cột mốc chủ quyền. Ngoài các ca sĩ chuyên nghiệp, cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn có cả những gia đình đang sinh sống trên đảo. Những tiết mục của bộ đội, văn công, học sinh xen lẫn, nối tiếp nhau ngân vang giữa biển trời mênh mông sóng nước, bầu trời đêm lấp lánh ánh sao và ánh sáng chập chờn của những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân phía khơi xa.
Tiếng ca của lính đảo
Hôm vừa đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi bị thu hút bởi âm thanh trong trẻo của tiếng đàn ghi ta hòa cùng giọng hát hát ngân nga lúc trầm lúc bổng của các chiến sĩ trẻ. Những lời ca: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm. Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta! Trường Sa”... được các chiến sĩ thể hiện một cách vui nhộn, mộc mạc nhưng vẫn thu hút nhiều người vây quanh cùng nghe, hát theo, vỗ tay say sưa.
Binh nhất Hồ Nguyễn Trọng Nhân chia sẻ, ngoài những giờ làm nhiệm vụ hay tập luyện ở thao trường, anh em chúng tôi thường ngồi với nhau để bầu bạn, ca hát… Bài hát mà chúng tôi yêu thích và thường hay hát nhất là “Gửi đồng đội nơi đảo xa” của nhạc sĩ Nguyễn Khánh Trình. Mỗi lần cất tiếng hát, tôi lại cảm thấy tinh thần phấn khởi, tươi vui, như được nạp thêm “năng lượng” để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Theo Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Hải quân, bên cạnh bảo đảm tốt các chế độ, chính sách theo quy định, các đảo, điểm đảo luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Chính điều đó đã giúp họ phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, thấy gắn bó, yêu thương đồng chí, đồng đội, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của quê hương.
Bài, ảnh: MINH NHÂN