Chỉ những người định danh trên môi trường số mới được livestream

Thứ Sáu, 04/11/2022, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh quy định mới để hạn chế tình trạng livestream đưa tin không kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân như vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng vừa qua.

Không có chuyện người có tiền sai phạm thì xử lý chậm

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng ngày 4/11, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đánh giá rất cao Bộ đã tập trung cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số… nhưng chưa quan tâm công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội nên để xảy ra tình trạng "báo hoá" mạng xã hội, "mạng xã hội hoá báo", chậm xử lý những vi phạm như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng khi thường xuyên đưa tin không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này?

ĐBQH Lê Hoàng Anh
ĐBQH Lê Hoàng Anh

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT lúc nào cũng coi thể chế là đầu tiên, là số 1. Vừa qua, cũng có một số vấn đề thể chế đi sau, như xử lý vụ livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, lúc đấy chúng ta chưa có quy định pháp luật về chuyện quản lý hành vi livestream như thế nào. Sau vụ việc đấy, tất nhiên chúng ta đã dùng những thể chế cũ, đã xử phạt hành chính 2 lần, sau đó chuyển cho cơ quan Công an và hiện nay đang xử lý.

"Chúng tôi đã sửa đổi Nghị định 72, đang trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ ký trong năm nay, trong đấy bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng, chỉ những người định danh trên môi trường số mới được livestream. Thứ hai, đã livestream thì phải công bố thông tin thời gian. Thứ ba, nếu livestream để bán hàng thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế...", Bộ trưởng nêu giải pháp.

Chưa thoả mãn với phần trả lời, ĐBQH Lê Hoàng Anh giơ biển tranh luận: "Lật lại một số vụ việc đã xử lý, tôi thấy các cơ quan xử lý rất nhanh chứ không phải chỉ có thiếu hành lang pháp lý khi vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng xảy ra. Phải chăng, những người vi phạm mà ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì sẽ chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau?"

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi bà Nguyễn Phương Hằng livestream là một công nghệ hoàn toàn mới, tất cả các thể chế của chúng ta chưa có quy định về việc này, chúng ta phải dùng những hình thức khác để xử lý, phạt hành chính, sau đó chuyển cơ quan điều tra. Bây giờ chúng ta đưa vào nghị định thì chắc chắn sẽ xử lý gọn gàng vì quy định rất rõ.

"Còn chuyện không có tiền thì làm, có tiền thì không làm, tôi có thể khẳng định rằng các cơ quan của Bộ TT&TT không có việc này. Tôi nghĩ, không có việc này trong chế độ chúng ta", Bộ trưởng giải đáp.

Dùng công nghệ ngăn chặn "khủng bố" điện thoại

ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đề cập tác động nguy hại của không gian mạng, tưởng chừng như vô hại nhưng đang âm thầm len lỏi vào trong nhà trường, tạo nên những hành vi tiêu cực, định hướng giá trị lệch lạc với lối sống ảo, thực dụng, ích kỷ. Bộ trưởng có quan tâm đến vấn đề này? Dẫn tình trạng "khủng bố" qua điện thoại liên quan đến đòi nợ thuê hay quảng cáo khá phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng có giải pháp như thế nào chấm dứt tình trạng trên?

ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga.
ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga.

 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, mỗi tháng người dân gửi khoảng 30.000 phản ánh đến Bộ TT&TT hoặc qua các công ty viễn thông, trong đó 88% phản ánh liên quan bị khủng bố điện thoại. Hiện tình trạng này chùng xuống do chúng ta sử dụng công nghệ chặn 50 triệu tin nhắn mỗi tháng...

"Ở Mỹ, số lượng người dân nhận các cuộc gọi không liên quan gấp 3 Việt Nam, ở Brazil cũng vậy", Bộ trưởng nói và cho biết, gần đây, Bộ TT&TT đã công bố số điện thoại để nhận phản ánh việc này, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin. Đồng thời, trên môi trường số giải pháp quan trọng nhất là công nghê, Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng phát triển công nghệ xử lý để chủ động ngăn chặn và số xử lý những tháng gần đây tốt hơn, khoảng 30% so với năm ngoái.

Về tác hại của không gian mạng liên quan đến giáo dục, Bộ trưởng đánh giá đây là một câu chuyện nhức nhối, trong đó rất nhiều người nghĩ rằng không gian mạng là vô danh, là ảo, "mình lên đấy thì không ai biết mình là ai cả", cho nên phát ngôn và làm các thứ cũng thiếu trách nhiệm. Nghị định 72 đã sửa theo hướng mọi người phải định danh, các nhà mạng, chủ mạng xã hội khi người dân đăng ký thì phải xác thực để khi Cơ quan điều tra yêu cầu là phải cung cấp được danh tính của người đó. "Tôi nghĩ đây là một trong những giải pháp rất mạnh mẽ để cho mọi người có trách nhiệm hơn", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Vấn đề xây dựng văn hóa trên không gian mạng, Bộ TT&TT đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số, ban bố một bộ quy tắc mẫu để hy vọng các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức căn cứ vào quy tắc mẫu để ban hành quy chế ứng xử trên môi trường mạng cho mình. "Để căn cơ thì nên đi 2 chân, một bên là dùng luật pháp, mình gọi là pháp trị, một bên là đức trị liên quan đến văn hóa, giáo dục", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lý giải.

QUỲNH VINH

Nguồn: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chi-nhung-nguoi-dinh-danh-tren-moi-truong-so-moi-duoc-livestream-i673192/

;
.