413.000 tỷ đồng đầu tư cho giao thông Đông Nam Bộ (*)

Thứ Hai, 28/11/2022, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

 TIN BÀI LIÊN QUAN:

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng

Trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GT-VT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ dự kiến khoảng 413.000 tỷ đồng và kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2026, tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng có tính chất liên vùng và kết nối với sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải như: đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh (92km), các tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (52km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai), Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (54km), Bến Lức - Long Thành (58km), mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Nâng tổng số km đường bộ cao tốc trong vùng Đông Nam Bộ lên khoảng 348km. 

Bên cạnh đó, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để kêu gọi, thu hút đầu tư và khởi công một số tuyến cao tốc như: mở rộng tuyến TP. Hồ Chí Minh- Trung Lương, xây dựng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa, Dầu Giây - Tân Phú...

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để triển khai các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn này khoảng 167.746 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước dự kiến bố trí 93.215 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 74.531 tỷ đồng.

Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, vành đai trong vùng theo quy hoạch được duyệt, cụ thể: đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh; các tuyến cao tốc: TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài (50km), TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành (60km), Chơn Thành - Gia Nghĩa (qua địa phận Bình Phước khoảng 102km), Chơn Thành - Đức Hòa (84km), Dầu Giây - Tân Phú (60km) thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Gò Dầu - Xa Mát (65km). Nâng tổng số km đường bộ cao tốc trong vùng Đông Nam Bộ lên khoảng 772km. Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 250.165 tỷ đồng.

Mô hình cầu Phước An - cây cầu kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với khu vực Cái Mép - Thị Vải, giúp vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhanh chóng, thuận tiện. Ảnh: TRÀ NGÂN
Mô hình cầu Phước An - cây cầu kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với khu vực Cái Mép - Thị Vải, giúp vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhanh chóng, thuận tiện. Ảnh: TRÀ NGÂN

Triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW và nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam Bộ nhanh, bền vững, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế vùng, đẩy mạnh kết nối Đông Nam Bộ với các vùng lân cận, cảng biển, sân bay thì nhiệm vụ đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc là hết sức cấp bách, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các tỉnh/thành phố trong vùng trong công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) vùng. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển KCHTGT để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh.

Hai là, thực hiện phân cấp phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho các địa phương trong công tác đầu tư xây dựng các công trình KCHTGT do Trung ương quản lý trên địa bàn để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển KCHTGT.

Ba là, đề xuất cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá trong huy động vốn tư nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng KCHTGT, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình KCHTGT trọng điểm, có vai trò động lực, lan tỏa, liên kết vùng; bố trí kịp thời, đầy đủ vốn đầu tư công trung hạn, đồng thời kết hợp hiệu quả nguồn vốn Trung ương và địa phương.

Bốn là, kiện toàn bộ máy đủ năng lực để làm cơ quan chủ quản và chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông; khai thác có hiệu quả quỹ đất gắn với các dự án đầu tư.

Năm là, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đường bộ cao tốc đang triển khai trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu, công bố giá kịp thời, sát thực tế để phục vụ triển khai các dự án đầu tư xây dựng; đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng, kịp thời đưa vào sử dụng các loại nguyên, vật liệu thay thế.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng

(*) Bài tham luận tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tựa đề do Tòa soạn đặt.

 
;
.