Luật Phòng, chống rửa tiền cần bao quát cả tiền ảo
TIN LIÊN QUAN:
Trong chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 24/10, Quốc hội thảo luận Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)...
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ phó Tổ thảo luận số 8 phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ |
Khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền
Tại Tổ 8, các Đoàn ĐBQH tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Cao Bằng và Lâm Đồng thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi);
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tổ phó chủ trì thảo luận tổ.
Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 Chương, 65 Điều (trong đó bổ sung mới 19 Điều, sửa đổi 44 Điều và hủy bỏ 7 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành).
Thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các quy định về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền được thực hiện dưới phương thức này.
Cụ thể, cần đưa hoạt động “cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo” vào Điều 4 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định về hoạt động mà các tổ chức tài chính có thể thực hiện.
Mục đích của việc bổ sung này là để đưa các đối tượng cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc cung ứng hạ tầng thanh toán cho các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền kỹ thuật số, thanh toán qua mạng phải báo cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng của Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề xuất.
Mặt khác, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị cần bổ sung hành vi rửa tiền thông qua công nghệ, sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh, chứ không phải một tình tiết tăng nặng như theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
“Điều này là cần thiết bởi lẽ nếu chỉ dừng lại ở việc được xem là một tình tiết tăng nặng như theo quy định hiện nay thì chưa đủ sức để ngăn chặn, răn đe các hành vi phạm tội. Vì vậy, việc quy định rõ hành vi rửa tiền thông qua công nghệ, sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự là điều quan trọng. Điều này sẽ tạo được hành làng pháp lý vững chắc để xác định và xử lý nghiêm các hành vi phạm tội của các chủ thể. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu, bổ sung điều khoản quy định về việc tịch thu dân sự, bao gồm cả việc tịch thu các tài sản ảo, tiền ảo theo chuẩn mực quốc tế để tạo thêm tính răn đe, ngăn ngừa và xử lý thích đáng các hành vi rửa tiền bất hợp pháp”, đại biểu Nguyễn Thị Yến phân tích…
Chế độ đãi ngộ nhân lực ngành y tế chưa đủ sức thu hút
Trước đó, sáng 24/10, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường.
Tham gia góp ý về dự thảo Luật kể trên, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng dự thảo luật với 12 chương và 121 điều đã được chỉnh lý, chuẩn bị kỹ lưỡng và tiếp thu nhiều ý kiến có chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung lớn của Dự thảo Luật chưa được sự thống nhất cao. Đại biểu Dương Tấn Quân góp ý một số vấn đề:
Về cơ chế tài chính, tự chủ tài chính của bệnh viện công lập và xã hội hóa trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, vướng mắc trong cơ chế tài chính hiện nay tập trung vào 3 vấn đề: giá khám chữa bệnh; cơ chế tự chủ của bệnh viện công lập và đấu thầu.
Theo Đại biểu Dương Tấn Quân, việc giao dự toán khám chữa bệnh BHYT các cơ sở y tế còn chưa phù hợp, chưa đảm bảo giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ chi phí. Các bệnh viện đang loay hoay không biết mua sắm như thế nào cho đúng.
Các bệnh viện không chỉ thiếu thuốc, mà có thể sẽ thiếu một số trang thiết bị y tế do hư hỏng. Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo xem xét thấu đáo việc thực hiện rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ sống pháp luật về cơ chế tự chủ đối với y tế công lập, cơ chế liên doanh, liên kết đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, phù hợp với tình hình mới.
Về vấn đề là chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài, chính sách tiền lương đối với y, bác sĩ, viên chức y tế, đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo nhân lực ngành y tế. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung chính sách thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, bác sĩ và nhân viên y tế vào luật...
CHÂU VŨ - AN NHIÊN