.

Cần quy định rõ việc phối hợp xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra

Cập nhật: 11:00, 25/10/2022 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về các dự án luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp sáng 25/10. Ảnh: CHÂU VŨ
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp sáng 25/10. Ảnh: CHÂU VŨ

Trong phiên họp, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nêu rõ, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 Chương 118 Điều trình tại Kỳ họp này đã được chuẩn bị khá công phu, tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều khoản cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc, xem xét một cách kỹ lưỡng để Luật lần này giải quyết được nhiều bất cập của Luật Thanh tra hiện hành.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị cần đề cao, nêu rõ tính chất độc lập của hoạt động thanh tra. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị cần đề cao, nêu rõ tính chất độc lập của hoạt động thanh tra. Ảnh: CHÂU VŨ

Cụ thể tại Điều 4 về nguyên tắc hoạt động thanh tra, đại biểu Huỳnh Thị Phúc chỉ ra rằng Dự Luật có quy định, hoạt động thanh tra tuân theo pháp luật; dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác. Đại biểu đề nghị cần đề cao, nêu rõ tính chất độc lập của hoạt động thanh tra. Theo đó, cần sửa đổi điều này thành: Hoạt động thanh tra tuân theo pháp luật; độc lập, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cũng đề nghị nghiên cứu thêm đối với trường hợp cơ quan thanh tra không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan trong việc xem xét, kiến nghị khởi tố vụ án. Đồng thời, cần xem xét, bổ sung, sửa đổi khoản 2 Điều 7 thành: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý kiến nghị đó. Trong trường hợp không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan thẩm tra, cơ quan thanh tra gửi văn bản đề nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét lại vụ việc.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cần quy định rõ việc phối hợp xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng.

“Hy vọng dự án Luật lần này sẽ phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, nhưng không làm lãng phí nguồn lực, chồng chéo công việc, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nói.

Về kết luận thanh tra, để đảm bảo tính chặt chẽ của dự án Luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ sung, sửa đổi kết luận thanh tra, nhằm tránh tiêu cực, hạn chế việc sửa đi, sửa lại kết luận thanh tra.

CHÂU VŨ – PHÚC LƯU

 

 

 

.
.
.