Trong suốt 150 ngày đêm chốt chặn, từ ngày 5/4 đển ngày 28/8/1972, Tàu Ô - Xóm Ruộng đã trở thành cái bẫy thu hút nhiều đơn vị chủ lực thiện chiến của Mỹ - ngụy, thực sự là cơn ác mộng đối với những tên chỉ huy sư đoàn, quân đoàn và cả bộ tổng tham mưu ngụy. Tàu Ô - Xóm Ruộng đã trở thành bức tường thép, khiến Mỹ - ngụy khiếp sợ.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 cùng các cựu chiến binh huyện Hớn Quản thăm Di tích địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô ở thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước |
Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô có ý nghĩa quan trọng cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, góp phần quan trọng vào thành tích chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 kể lại: "Lựa chọn Tàu Ô để lập chốt chặn, vì nơi đây có suối Tàu Ô, có cống to, xe tăng của địch không thể vượt qua được. Do vậy, Bộ tư lệnh Miền đưa Sư đoàn 7 mà chủ lực là Trung đoàn 209 và lực lượng vũ trang Bình Phước vào chốt ngay cống Tàu Ô, với quyết tâm giữ đường 13. Tuyến đường này có ý nghĩa chiến lược quan trọng, do áp sát Sài Gòn. Hơn nữa, có giữ được đường 13 thì chúng ta mới giữ được địa bàn Lộc Ninh, đảm bảo và đưa Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam về căn cứ cách mạng, vì vậy ở chốt chặn này ta với địch giành nhau từng tấc đất. Phương châm chỉ đạo toàn bộ hoạt động của chiến dịch là “chốt cứng, chặn đứng”, với quyết tâm “mỗi người là một mũi thép tiến công”.
Tượng đài Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước |
Do vị trí đặc biệt quan trọng nên Tàu Ô - Xóm Ruộng trở thành chiến lũy án ngữ đoạn đường 13, đây là bàn đạp quan trọng để ta phát triển xuống vùng trung tuyến hoặc địch tiến ra vùng giải phóng. Vì vậy, Tàu Ô - Xóm Ruộng trở thành khu vực trọng điểm giành giật giữa ta và địch trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972”.
Xe bọc thép của địch bị phá hủy khi tiến công đánh phá chốt chặn Tàu Ô trên Đường 13. Ảnh tư liệu |
“Trên trời có máy bay oanh tạc, hệ thống B52 rải thảm, dưới đất có các loại pháo, xe thiết giáp… nhưng vẫn không chọc thủng được bức tường thép Chốt chặn Tàu Ô. Cứ đến đó là địch phải dừng lại vì suối Tàu Ô thấp, muốn qua suối phải qua sình lầy, đi chỗ khác xe tăng không đi được nên Chốt chặn Tàu Ô như một “bức tường thép” ngăn cản các đợt tấn công của địch, góp phần bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Lộc Ninh” - bác sĩ Bùi Xuân Thúy, nguyên cán bộ chiến sĩ C21, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 kể về “bức tường thép” Chốt chặn Tàu Ô - Xóm Ruộng.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cho biết: “Có được chiến thắng Tàu Ô là nhờ đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng ta, của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Miền. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở từng giai đoạn cách mạng đã được vận dụng đúng đắn và sáng tạo vào từng điều kiện cụ thể ở địa phương, từ đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, khơi dậy truyền thống cách mạng, huy động được sức lực và trí tuệ để làm nên chiến thắng”.
Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô trên đường 13 đã làm cho đế quốc Mỹ, ngụy Sài Gòn thiệt hại nặng nề. Làm lung lay học thuyết Ních-xơn và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đánh bại từng phần, từng bước ngăn chặn quân địch lấn chiếm hòng bình định và tràn ngập lãnh thổ; củng cố và mở rộng vùng căn cứ cách mạng, tạo tiền đề vững chắc cho quân chủ lực Miền đứng vững trên địa bàn chiến lược Đông Nam Bộ, đảm bảo an toàn cho Sở Chỉ huy Miền và cơ quan đầu não của Đảng đóng trên địa bàn.
NGUYỄN THI (tổng hợp)
Nguồn Báo Bình Phước online