Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Công tác tuyên giáo giữ vị trí quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, góp phần xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ”. Thấm nhuần tư tưởng đó, ngành Tuyên giáo tỉnh BR-VT đã đổi mới, lựa chọn những cách làm hay nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra đối với lĩnh vực công tác tư tưởng.
Tổ nắm bắt dư luận xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa thông tin đến hộ ông Nguyễn Văn Bôn (thứ 2 từ trái qua) về chính sách bồi thường và tiến độ thực hiện dự án tuyến nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. |
Thông tin cụ thể, giải thích cặn kẽ
Một ngày cuối tháng 7, PV Báo BR-VT đi cùng các thành viên Tổ nắm bắt dư luận xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa đến nhà các hộ dân dự kiến bị thu hồi đất nằm trong Dự án tuyến nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Bôn (tổ 10, ấp 4, xã Tân Hưng). Sau khi được tuyên truyền, vận động, ông Nguyễn Văn Bôn cho biết: “Gia đình có 3 ha đất thì được cơ quan chức năng thông tin dự kiến có khoảng 1 ha đất thu hồi để làm dự án. Được thông tin cặn kẽ về quy mô, ý nghĩa quan trọng của Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, chúng tôi hoàn toàn đồng thuận bàn giao đất cho nhà nước thực hiện đúng tiến độ. Khi dự án hoàn thành cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho người dân”.
Ông Bôn là một trong 875 hộ dân có đất bị thu hồi thuộc hai xã Tân Hưng và Hòa Long (TP. Bà Rịa) liên quan đến Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và Dự án tuyến nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đều cơ bản đồng thuận bàn giao mặt bằng. Có được kết quả này là nhờ Tổ nắm bắt dư luận xã hội của TP. Bà Rịa đã triển khai cho hội viên, đoàn viên, cốt cán kịp thời tuyên truyền và tiếp nhận các thông tin phản ảnh, vận động quần chúng nhân dân ủng hộ chủ trương thực hiện dự án của nhà nước. Đồng thời thông tin kịp thời các chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến độ, lộ trình triển khai dự án một cách công khai, cùng giám sát và ủng hộ việc thực hiện công trình.
Theo đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Bà Rịa, công tác nắm bắt tư tưởng, định hướng dư luận xã hội là nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng; là kênh thông tin hai chiều góp phần giúp cấp ủy; chính quyền TP. Bà Rịa kịp thời có những biện pháp cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tại huyện Long Điền, Tổ khoa giáo do Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy làm Tổ trưởng và 7 Tổ khoa giáo cấp xã đã tích cực tham mưu cấp ủy, thực hiện tuyên truyền các lĩnh vực như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, môi trường, an sinh xã hội, văn hóa… đi vào chiều sâu, tác động tích cực đến sự tiến bộ xã hội. Các Tổ Khoa giáo góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về lĩnh vực khoa giáo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về khoa giáo gắn với phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra. Việc tuyên truyền có chiều sâu, tác động đến các chỉ tiêu văn hóa - xã hội như: Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi được đến trường đạt 100%; 43/46 trường học được công nhận trường chuẩn quốc gia; tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng giảm còn 4,67%; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,37%; xử lý dứt điểm 4 điểm đen gây ô nhiễm môi trường, thu gom và xử lý 100% chất thải rắn, rác thải y tế và rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện… Qua đó giúp người dân có cái nhìn toàn diện về sự phát triển của huyện.
Bà Lê Thị Ngọc Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Long Điền cho biết, Tổ Khoa giáo đang tiếp tục tham mưu để thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động của huyện nhằm hoàn thành các Nghị quyết về thực hiện giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính; giảm nghèo bền vững… góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện.
ÔNG NGUYỄN VĂN XINH, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY
Thường xuyên năm bắt, xử lý thành công nhiều vấn đề, vụ việc nảy sinh
Trên mặt trận đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngành Tuyên giáo đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh, huyện và phát huy hiệu quả hoạt động Tổ 35 cấp xã; đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Cùng với đó, đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập fanpage từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; phối hợp các lực lượng thường xuyên năm bắt, xử lý thành công nhiều vấn đề, vụ việc nảy sinh trên địa bàn tỉnh; tích cực biên tập, đăng, chia sẻ, bình luận, phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
|
Chủ động thích ứng trong tình hình mới
Ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ, với phương châm: “Đi trước đón đầu, định hướng chiều sâu, tuyên truyền thuyết phục” được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, ngành Tuyên giáo tỉnh đã tập trung tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống thông qua các sự kiện quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và thông tin đối ngoại… với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Điểm mới là, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) trên Cổng thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh với 10.696 người tham gia. Công tác dư luận xã hội đã bám sát thực tiễn, nắm bắt, nghiên cứu, tổng hợp, phản ánh nhanh chóng tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội trước những vấn đề, sự kiện, hiện tượng mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động báo cáo, cung cấp cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đề xuất giải pháp nhằm kịp thời định hướng thông tin, dư luận trước những vấn đề có thể nảy sinh từ bức xúc, lo lắng của Nhân dân.
Bên cạnh đó, ngành Tuyên giáo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt, học tập, tuyên truyền nghị quyết của Đảng; tập trung công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức; chú trọng nâng cao chất lượng công tác lý luận chính trị, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng và công tác lịch sử Đảng; đẩy mạnh công tác khoa giáo, văn hóa văn nghệ gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế văn hóa, xã hội.
“Ngành tuyên giáo tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền. Đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong công tác thông tin tuyên truyền để tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong xã hội”, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Xinh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG
----------------------
Sứ mệnh đi trước, mở đường của công tác tuyên giáo
Ngay trong quá trình hoạt động, để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đường lối cách mạng vào trong nước, vào các tầng lớp Nhân dân, nhất là các hạt nhân ưu tú. Và chính những hoạt động đó của Người đã đặt nền móng đầu tiên cho công tác tuyên truyền, tuyên giáo của Đảng; định hình sứ mệnh đi trước, mở đường của công tác tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, công tác tuyên truyền, giáo dục được tổ chức chặt chẽ; coi đây là mặt trận quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng tháng 2/1930, Ban Chấp hành Trung ương đã lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - Cơ quan tham mưu chỉ đạo và tổ chức công tác tuyên truyền, cổ động của Đảng, với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin tưởng và đi theo Đảng.
Ngày 1/8/1930, nhân kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã xuất bản tài liệu“Ngày quốc tế đỏ, mồng một tháng Tám”. Sau khi được phát hành, Tài liệu “Ngày quốc tế đỏ, mồng một tháng Tám” đã tạo được tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ quần chúng Nhân dân yêu nước đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc; chỉ trong một thời gian rất ngắn (từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1930), đã có hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình cách mạng của Nhân dân ta nổ ra với khí thế và tính chất mới. Vị trí, vai trò và sức mạnh của công tác tuyên truyền - một hình thái công tác tư tưởng của Đảng đã được khẳng định và đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam.
Từ đó ngày 1/8/1930 đánh dấu hoạt động chính thức của cơ quan Cổ động và Tuyên truyền của Đảng - tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay. Với ý nghĩa đặc biệt của sự kiện lịch sử này, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác Tư tưởng - Văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.