Tập trung vốn cho các dự án trọng điểm
Trong chương trình hội nghị lần thứ 11, sáng 4/7, BCH Đảng bộ tỉnh tổ chức thảo luận tổ đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN, công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm và các giải pháp, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; cho ý kiến một số nội dung quan trọng khác.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự thảo luận tại Tổ số 2. Ảnh: CẨM NHUNG |
Phát biểu thảo luận tại 4 tổ, các đại biểu tập trung làm rõ những hạn chế trong phát triển KT-XH, QP-AN, công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất giải pháp khắc phục, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tập trung nguồn lực triển khai các dự án có tính khả thi cao
Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công phân bổ cho các dự án tỉnh quyết định đầu tư là 7.345,914 tỷ đồng. Trong đó: Dự án trọng điểm 582,7 tỷ đồng; dự án hạ tầng giao thông kết nối quan trọng là 665,0 tỷ đồng; các dự án hạ tầng KT-XH là 6.036,901 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/6/2022, giá trị giải ngân vốn trên địa bàn tỉnh là 2.621,238 tỷ đồng, đạt 20,85%; trong đó, vốn ngân sách tỉnh là 1.696,258 tỷ đồng, đạt 22,18% kế hoạch vốn 2022.
Phát biểu thảo luận, ông Lê Văn Minh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, ông Lê Văn Minh cho rằng, nhiều công trình sửa chữa, nâng cấp, mở rộng đường thi công rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn và còn gây nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Vì vậy, đề nghị cần tăng cường công tác giám sát chất lượng và tiến độ thi công các công trình đầu tư công, đặc biệt là các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Huỳnh Văn Danh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, hiện nay tỉnh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, có tính khả thi cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Để huy động, tập trung được nhiều nguồn lực cho các dự án này, cần rà soát để cắt giảm việc đầu tư các công trình, dự án không hiệu quả, dự án kéo dài gây lãng phí, thất thoát nguồn lực.
Mặt khác, ông Huỳnh Văn Danh cho rằng với các dự án đầu tư công trình dân sinh, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân cần có cơ chế để người dân, cộng đồng cùng tham gia giám sát việc triển khai các dự án này. Mọi thông tin về dự án cần được công khai, minh bạch để người dân được biết và tham gia giám sát.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư công dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh cho rằng, đây là lợi thế rất lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Do đó, tỉnh cần đẩy mạnh các bước chuẩn bị cho việc thi công tuyến đường này; chẳng hạn như tính toán các yêu cầu cần thiết về giải phóng mặt bằng, nhân sự, giao thông kết nối cho các trục đường…
Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công
Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần có những giải pháp để nâng cao Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) để nâng cao về mức độ hài lòng của người dân về sự điều hành, quản lý nhà nước và để phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn.
|
Đề án Nông nghiệp công nghệ cao ít chuyển động
Cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo sơ kết và Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 28/7/2017 của Tỉnh ủy về “phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đền năm 2025”, ông Bùi Chí Thành, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, mục tiêu của đề án là xây dựng, đưa vào hoạt động 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trên diện tích hơn 5.000 ha tại các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức và TX. Phú Mỹ.
Tuy nhiên đến nay, UBND tỉnh mới chỉ ban hành quyết định công nhận 1 vùng NNCNC. 6 vùng còn lại đang gặp khó khăn do vướng các tiêu chí theo quy định số 66/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
“Các vùng NNCNC chưa được đầu tư hạ tầng đầy đủ thì khó kêu gọi đầu tư công nghệ cao. Chính vì vậy, cần rà soát lại cơ chế, chính sách về đầu tư công nghệ cao, trong đó khuyến khích các DN, các cá nhân đầu tư cho chương trình NNCNC; phát triển NNCNC cần gắn với chính sách tam nông của Đảng và phát triển chuỗi du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, đầu ra sản phẩm NNCNC phải có sự tham gia chính quyền nhằm cam kết nguồn sản phẩm tiêu thụ vững chắc cho DN cũng như bảo đảm đầu ra cho nông dân”, ông Bùi Chí Thành kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư Huyện ủy Châu Đức cho rằng, sau 4 năm triển khai Đề án số 04, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Tỉnh chưa hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như đề án đề ra. Ông Việt dẫn chứng, Châu Đức là địa phương có thế mạnh phát triển nông nghiệp, từng là xứ sở của cây hồ tiêu nhưng nhiều năm trở lại đây giá hồ tiêu thấp nên người dân không còn đầu tư trồng tiêu mà chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác.
Hơn nữa, người dân trên địa bàn huyện Châu Đức tự thành lập 2 hợp tác xã còn manh mún nên không bảo đảm tính bền vững. Vì thế, để nâng cao hiệu quả của của Đề án số 04 thì tỉnh cần đẩy mạnh kêu gọi các nhà có năng lực đầu tư vào tỉnh để sớm hình thành mô hình và chuỗi liên kết phát triển NNCNC từ khâu đầu tư đến tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Bổ sung đề xuất giải pháp thực hiện đề án kể trên, ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng cần thu hút được DN có kinh nghiệm để tham gia hình thành các hợp tác xã NNCNC để định hướng, hỗ trợ các thành viên trong hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, giúp cung cấp được sản phẩm, hàng hóa ra thị trường, bảo đảm chất lượng và triển khai có hiệu quả việc sử dụng vốn do nhà nước hỗ trợ cho mục tiêu phát triển hợp tác xã, tăng thu nhập cho hội viên và các nhiệm vụ khác có liên quan.
Song song đó, phải có giải pháp bảo đảm việc triển khai các chương trình, đề án ứng dụng khoa học và công nghệ do nhà nước tài trợ cho các hợp tác xã được triển khai thực hiện hiệu quả, đạt được mục tiêu của Đề án 04. Mặt khác, Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chương trình, chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã NNCNC mà trực tiếp là các hộ nông dân, các DN trong hợp tác xã phù hợp với mục tiêu của đề án (như hỗ trợ 1 phần lãi vay từ ngân hàng thương mại…).
Nâng cao nhân thức về phòng chống đuối nước cho trẻ em
Quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, bà Võ Ngọc Thanh Trúc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, tình trạng đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề báo động. Trong 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 113 trẻ tử vong do đuối nước, riêng tỉnh BR-VT có ngày ghi nhận 6 trường hợp tử vong ở huyện Châu Đức và Xuyên Mộc.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do một số ao hồ chưa lắt đặt các biển cảnh báo nguy hiểm. Mặt khác, phụ huynh còn chủ quan, chưa quản lý chặt chẽ con em mình nên dẫn tới nhiều vụ đuối nước thương tâm. Vì thế, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhân thức về phòng, chống đuối nước cho trẻ em; lắp các biển cảnh báo nguy hiểm đối với những ao hồ, song suối của có biển báo.
“Hầu hết các trường hợp tử vong do đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn. Vì thế, cần đẩy mạnh công tác phổ cập bơi cho trẻ em ở những nơi này. Các đơn vị, địa phương cần trang bị các hồ bơi di động trong trường học để HS có thêm điều kiện tiếp cận và học bơi”, bà Võ Ngọc Thanh Trúc đề xuất.
Ngoài các phát biểu thảo luận trên, các đại biểu đề nghị hỗ trợ các DN vừa và nhỏ phục hồi kinh tế; chú trọng đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân; xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh quảng bá du lịch để thu hút khách; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, quy hoạch đất đai; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu của cấp ủy trong phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh…
Đồng thời, cho ý kiến về Tờ trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Tờ trình về điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2022. Đây là những chủ trương lớn, rất quan trọng, khi ban hành và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả sẽ có tác động tích cực.
Các ý kiến thảo luận tại tổ được tổng hợp, báo cáo trong phiên làm việc tại hội trường của hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, dự kiến diễn ra vào ngày 7/7.
Nhóm phóng viên THỜI SỰ