Nghị trường nóng về đầu tư công, dự án chậm tiến độ
Hôm qua, 14/7, Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa VII bước vào ngày làm việc thứ hai, với phiên thảo luận sôi nổi tại hội trường về những vấn đề nóng liên quan tới đến lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đầu tư - xây dựng...
Đại biểu Phạm Quang Giáp đề nghị cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm, theo dõi để kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho từng dự án. Ảnh: QUANG VINH |
Rà soát các dự án chậm để xử lý phù hợp
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Trường phản ánh, công tác thu hồi đất tại một số dự án thực hiện rất chậm. Có những quyết định thu hồi đất ban hành gần 20 năm vẫn chưa thực hiện, làm ảnh hưởng lớn đến quyền sử dụng đất của người dân. Điển hình như việc thu hồi 850ha đất ở xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu để thực hiện dự án KCN dầu khí Long Sơn. Do đó, cử tri đề nghị UBND tỉnh rà soát tính pháp lý, khả năng thực hiện để có phương án xử lý phù hợp, dứt điểm (tiếp tục triển khai, điều chỉnh, thu hồi, hủy bỏ, chấm dứt dự án….).
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Anh Tú, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, quy định hiện hành không quy định trường hợp các Quyết định thu hồi đất không thực hiện sẽ thu hồi, hủy bỏ mà căn cứ vào dự án đầu tư. Do đó, cần phải xem xét lại các dự án, quyết định đầu tư về hiệu lực, tiến độ, vi phạm của các chủ đầu tư. Chỉ có khi thu hồi, chấm dứt dự án thì Sở TN-MT mới có căn cứ thu hồi, hủy bỏ các thủ tục về thu hồi đất…
Sở TN-MT đề nghị UBND tỉnh giao các cơ quan tham mưu về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các dự án. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp rà soát tất cả các dự án chưa thực hiện đúng tiến độ để xem xét khả năng triển khai và sớm có phương án xử lý đất ở khu vực dự án.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Ngọc Thuận nhấn mạnh, các ngành chức năng trong quá trình tham mưu thực hiện các dự án, quy hoạch, cần quan tâm tối đa đến lợi ích của người dân, đặc biệt là quyền sử dụng đất. Ông Mai Ngọc Thuận đề nghị UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri, của các sở, ngành để nhanh chóng có lộ trình xử lý hiệu quả. Thực hiện đúng các quy định về luật đầu tư, quản lý đất đai để đảm bảo quyền lợi người dân không bị xâm hại.
Mang đến nghị trường một thực tế đang diễn ra tại địa phương, đại biểu Trần Thị Bạch Huệ phản ánh: Tại huyện Đất Đỏ, một số cử tri cho biết, theo quy hoạch trước đây, đất của dân thuộc quy hoạch “đất ở nông thôn”. Nay lại thuộc quy hoạch “đất trồng cây hàng năm”. Điều đó làm ảnh hưởng đến các quyền sử dụng đất và giá trị đất. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo địa phương xem xét về quy hoạch, quản lý đất; đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, có cơ chế hỗ trợ khi chuyển đổi quy hoạch đảm bảo sự công bằng.
Về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Phó Giám đốc Sở TN-MT Lê Anh Tú cho biết, theo quy định tại Điều 13, Luật Đất đai năm 2013, việc quy hoạch sử dụng đất là do Nhà nước quyết định. Đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện do UBND huyện lập, thông qua HĐND cùng cấp trước khi trình cho UBND tỉnh phê duyệt.
Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất khiến người dân không đồng thuận có thể do định hướng phát triển của địa phương từng giai đoạn khác nhau. Do đó, công tác khảo sát thực tế trước khi lập quy hoạch, hoặc điều chỉnh quy hoạch các khu vực này cần phải tiến hành kỹ lưỡng, nhất là việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch…
Hiện nay, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đang được UBND tỉnh lập và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022. Do đó, sau khi Quy hoạch được phê duyệt, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, khảo sát các khu vực có sự kiến nghị, phản ánh của cử tri để xem xét, điều chỉnh.
Giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu
Về giải ngân vốn đầu tư công, nhiều đại biểu HĐND tỉnh lo lắng khi tỷ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội. Trong 6 tháng đầu năm giải ngân chỉ đạt 23,75%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 và Nghị quyết đề ra.
Đại biểu Phạm Quang Giáp đề nghị cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm, theo dõi từng dự án để kiểm tra đôn đốc. Đưa kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ để đánh giá, phân loại cán bộ 2022; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và cá nhân liên quan.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát lại chính sách, quy định giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi; quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư … cho phù hợp với thực tế. Tỉnh cũng cần thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022; khen thưởng biểu dương những tổ chức- cá nhân làm tốt.
Tương tự, đại biểu Trần Mạnh Đức rất đồng tình với giải pháp UBND tỉnh đưa ra là căn cứ tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công để làm cơ sở đánh giá xếp lại CB CCVC hàng năm. Đại biểu Đức đề nghị ngoài những giải pháp chế tài, cần bổ sung thêm cơ chế biểu dương, khen thưởng.
Về trình tự thực hiện dự án đầu tư công, đại biểu Trần Mạnh Đức cho rằng, do các giai đoạn thực hiện dự án đầu tư công được quy định tại nhiều Luật dẫn đến việc thực hiện còn lúng túng. Do đó, cần thiết phải xây dựng hướng dẫn chung về quy trình, thủ tục để giúp đơn vị thực hiện dễ dàng nắm được trình tự, thủ tục khi thực hiện dự án đầu tư.
Lắng nghe các ý kiến của đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho biết, các ý kiến tại phiên thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế như: giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; công tác quản lý đất đai, môi trường tại một số địa bàn chưa chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng phân lô, bán nền…; tiến độ triển khai Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân có một số nội dung còn chậm; công tác cải cách hành chính tuy có nhiều nỗ lực nhưng có một số mặt chưa đạt so với yêu cầu, chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX năm 2021 giảm 7 bậc so với năm 2020.
Với trách nhiệm là người đứng đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ nghiêm túc tiếp thu và cho biết sẽ tăng cường chỉ đạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Chốt lại phiên thảo luận sôi nổi, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Viết Thanh nhấn mạnh: Qua thảo luận, đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp; đề ra nhiều giải pháp hay, thiết thực. UBND tỉnh đã tiếp thu, giải trình và làm rõ những vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, UBND các huyện thị, TP cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc nhìn nhận những lý do khách quan, chủ quan để tiếp tục đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, không để lãng phí nguồn lực.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho biết, qua các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, còn 39 ý kiến được tổng hợp gửi đến UBND tỉnh để giải trình cụ thể bằng văn bản. Ngay khi nhận được các ý kiến, kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp gửi đến, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương xem xét xử lý, trên tinh thần nội dung nào rõ, đảm bảo cơ sở thì giải quyết ngay; nội dung nào theo pháp luật phải thực hiện quy trình yêu cầu thì tiến hành các bước theo quy định. Đối với những nội dung có khó khăn, do vướng mắc tồn tại qua nhiều năm, luật pháp thay đổi…, UBND tỉnh chỉ đạo có cam kết về lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể. Qua ý kiến trả lời, giải quyết của UBND tỉnh, một số cử tri chưa đồng tình vấn đề nào, UBND tỉnh sẽ phân công cụ thể trong Thường trực UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra thực tế, gặp gỡ trao đổi cụ thể với cử tri.
|
PHAN HÀ - KIM HỒNG