Ký ức hào hùng của những cựu tù Côn Đảo
Dù nhiều năm trôi qua nhưng ký ức về năm tháng bị giam cầm khổ cực với các trận đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù cũng như tinh thần đấu tranh bền bỉ, quật cường của những người chiến sĩ kiên trung vẫn in đậm trong tâm trí các cựu tù chính trị khi trở về thăm Côn Đảo.
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, cựu tù chính trị Côn Đảo thắp hương tri ân trước mộ Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. |
Những năm tháng không quên
Bồi hồi xúc động cùng các bạn tù chính trị trở lại thăm Chuồng Cọp, bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết, bà từng phải chịu cảnh tù đày 11 năm, trong đó gần 4 năm bị giam tại Côn Đảo. Lần đầu tiên bà bị đày ra Côn Đảo là năm 1969. “Hầu như năm nào tôi cũng trở về thăm Côn Đảo và lần nào cũng đong đầy cảm xúc, nhất là đến Chuồng Cọp-nơi chúng tôi đã sống, chiến đấu anh dũng”, nguyên Phó Chủ tịch nước chia sẻ.
Đứng ở căn phòng giam 27 tại Chuồng Cọp, bà Trương Mỹ Hoa nhớ lại, đây là nơi ở của má Sáu Mù (quê Quảng Nam), dù mù 2 mắt nhưng tinh thần, ý chí luôn quật cường. Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng nhớ như in 1 năm trời bị giam cầm tại đây. “Nhờ ý chí của các dì, các chị đã hun đúc cho chúng tôi tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, chống lại sự đàn áp tàn khốc của kẻ thù”.
Trong đoàn đến Côn Đảo lần này còn có Trung tướng, Anh hùng LLVTND Châu Văn Mẫn. Sau khi dâng hương cùng đoàn lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông lặng lẽ tìm đến thăm hương trên phần mộ Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu. Cầm nén hương trên tay, ông Mẫn xúc động kể: “Ngày 3/7/1955, ông Lưu Chí Hiếu bị bắt khi đang chỉ đạo cuộc biểu tình của Nghiệp đoàn Thợ giày. Ông bị giam ở nhiều nơi trước khi đày ra Côn Đảo, giam ở phòng số 6, trại I.
Trong tù, nhà cách mạng kiên trung Lưu Chí Hiếu cũng như nhiều đồng chí, đồng đội khác phải trải qua đủ mọi loại cực hình trần gian, bị địch biệt giam vô cùng khắc nghiệt. Ở trong Chuồng Cọp, địch cứ liên tục xối nước vào người ông Hiếu cùng với đủ loại tra tấn dã man. Đến lúc sức cùng lực tận, ông Hiếu nói với ra phòng bên là: “Chắc tôi đi anh em ơi” và sau đó ông qua đời. Sau này, Đảng bộ trại 6 khu B đã đặt tên là Đảng bộ Lưu Chí Hiếu”.
Tinh thần bất khuất của Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu cũng chính là động lực to lớn để Trung tướng Châu Văn Mẫn vượt qua giai đoạn tù đày khắc nghiệt tại Côn Đảo, trui rèn ý chí cách mạng đến ngày thắng lợi, thống nhất đất nước.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Châu Văn Mẫn thành kính tri ân trước mộ Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu tại Nghĩa trang Hàng Dương. |
Kiên cường đấu tranh
Ở Côn Đảo hiện còn có 3 cựu tù đang sinh sống. Đầu tiên là bà Nguyễn Thị Ni, 83 tuổi. Tuổi cao lại bị di chứng do chiến tranh nhưng bà vẫn minh mẫn. Đi cùng các cựu tù chính trị, bà Ni không giấu nổi xúc động khi ghé thăm Nhà tù Phú Hải (huyện Côn Đảo), nơi trước đây bà bị giam cầm.
Bước qua cổng nhà tù, bà chỉ ngay về dãy nhà bên trái và nói: “Phòng số 6 ở phía cuối là nơi mà tôi và các chị em khác bị địch giam giữ. Phòng giam lúc đó không có chăn, chiếu, còn cơm thì mặn đắng, nước uống lúc nào cũng phải chắt chiu”.
Người cựu tù thứ hai cũng đang ở Côn Đảo là ông Nguyễn Xuân Viên. Tuy năm nay 78 tuổi, người gầy gò, sức khoẻ yếu nhưng ông vẫn nhớ mãi những năm tháng ở trong nhà tù Côn Đảo. Đi du kích năm 1965, ông sau đó bị địch bắt rồi đày ra Côn Đảo vào Chuồng Cọp. Do không thực hiện theo yêu cầu của địch, ông và nhiều đồng đội khác liên tục bị hành hạ, nhịn đói. “Bọn nó thường xuyên đánh đập hoặc tạo cớ tra tấn chúng tôi. Ở trong Chuồng Cọp miết, tôi không còn biết mặt trăng, mặt trời hay ngày tháng gì nữa”, ông Viên kể.
Người cựu tù cuối cùng đang ở Côn Đảo là ông Nguyễn Văn Ước, 83 tuổi. Gặp lại các đồng đội, ông Ước bồi hồi nhớ lại: “Ở trong tù, bọn quản ngục hành hạ đủ kiểu, dùng đủ loại cực hình. Gian khổ, nỗi đau thể xác do bọn chúng gây ra là chuyện thường ngày. Nhưng chúng tôi vẫn không bao giờ lung lay ý chí, kiên định đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc”.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG