Sáng mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ
Trong suốt 2 cuộc chiến tranh, có biết bao nhiêu người con trên quê hương BR-VT đã từng vào sinh ra tử, đóng góp trí tuệ, xương máu, cống hiến một thời tuổi trẻ xông pha nơi chiến trường để giành lại nền độc lập cho quê nhà. Trở về cuộc sống đời thường, các thương binh, bệnh binh… lại tiếp tục nỗ lực vượt lên bệnh tật, khó khăn, xây dựng cuộc sống và cống hiến xây dựng quê hương.
Thương, bệnh binh Lê Văn Thường cùng vợ ôn lại kỷ niệm những năm tháng chiến đấu gian khổ. |
Một thời tuổi trẻ xông pha
Khi tình nguyện tham gia hoạt động bí mật tại xã Long Phước, cậu thanh niên 17 tuổi Lê Văn Thường- mọi người vẫn gọi thân mật là “Hai Thường” (năm nay đã 73 tuổi, ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) chỉ nghĩ: “Là thanh niên phải xung phong nơi chiến trường để bảo vệ quê hương”.
Ông Hai Thường kể: “Thế hệ tôi lớn lên trong chiến tranh. Gia đình tôi đều đi theo cách mạng. Cha đi tập kết, mẹ mất sớm. Lớn lên, tôi đi theo lời kêu gọi toàn dân tham gia chống Đế quốc Mỹ: “Đảng, quân đội, nhân dân cùng đánh giặc, không phân biệt đàn ông hay đàn bà”.
Nhiệm vụ của ông Hai Thường khi ấy là hoạt động bí mật đưa thư, đưa tin về hoạt động của địch cho cách mạng. Ông Thường sôi nổi kể: “Hồi đó, Long Phước là vùng căn cứ địa cách mạng, chiến tranh rất ác liệt. Địch biết đây là vùng tập trung căn cứ cách mạng nên cho đám tay sai giám sát mọi hoạt động trong vùng rất gắt gao”. Sau khi tham gia hoạt động bí mật được 1 năm, ông Thường bị bọn tay sai theo dõi, phát hiện. Biết bị lộ, ông thoát ly rồi vào công tác tại đơn vị C41 huyện Châu Đức. Cuối năm 1969, ông được biệt phái về công tác tại xã đội Long Phước làm Xã đội Phó chỉ huy lực lượng du kích chiến đấu.
Thương binh Dương Đức Nghĩa cùng vợ trong lần tham gia hội thi tiếng hát cựu chiến binh. |
Năm 1970 trong trận đánh tại địa đạo xã Long Phước, ông bị thương nặng. “Lần đó, anh em đang ngồi ăn cơm thì bọn địch xông vào, 2 đồng chí hi sinh. Tôi và nữ y tá bị bắt nhưng trong lúc giằng co với địch, tôi thoát khỏi vòng vây của chúng”, ông Hai Thường kể lại.
Nhiều lần nằm trong vòng vây của địch, cận kề cái chết trong các trận giao tranh ác liệt, nhưng ông Hai Thường vẫn kiên cường, dũng cảm cùng đồng đội chiến đấu tới cùng. Sau này, ông giữ chức Xã đội Trưởng Long Phước rồi Đại đội Phó C20 huyện Châu Đức, phụ trách huấn luyện quân sự. Năm 1979 ông phục viên về nghỉ tại xã Long Phước.
Đó chỉ là 3 trong số 7 tấm gương người có công tiêu biểu của BR-VT vinh dự được tham dự hội nghị gặp mặt đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ. Sáng 22/7, Đoàn người có công tiêu biểu tỉnh BR-VT lên đường ra Hà Nội dự hội nghị biểu dương.
|
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với bệnh binh 1/3 Dương Đức Nghĩa (66 tuổi, KP.Phước Hòa, TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) thì những tháng ngày cùng đồng đội kiên cường bám trụ mở đường Trường Sơn và những năm tháng chiến đấu gian khổ mãi không thể nào quên.
Ông Nghĩa kể: “Năm 1972 khi đang học cấp 3, tôi xung phong đi bộ đội. Hồi ấy phong trào thanh niên ra mặt trận hừng hực khí thế. Trong lớp tôi, các bạn trai đều xung phong đi bộ đội hết. Tôi khi ấy chưa đủ tuổi, cân nặng không đủ nhưng vẫn quyết tâm xin được ra trận”.
Rời ghế nhà trường, ông Nghĩa vào đơn vị bộ đội Trường Sơn, Đoàn 559 - đơn vị công binh mở đường Trường Sơn phục vụ chiến đấu. “Sau 3 tháng huấn luyện, đơn vị tôi hành quân vượt cổng trời sang tỉnh Khăm Muộn (Lào) và đóng quân ở Tây Trường Sơn”. Vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù và muôn vàn hiểm nguy rình rập, ông cùng đồng đội ngày đêm vững tay cuốc, tay xẻng bám trụ mở đường.
Ông Nghĩa nhớ lại: “Chiến trường Trường Sơn khi ấy vô cùng ác liệt. Các căn cứ trọng điểm bị các loại máy bay Mỹ đánh phá liên tục, chất độc hóa học rải xuống rất nhiều. Đối mặt với bao gian khó, hiểm nguy, cái chết luôn cận kề nhưng anh em vẫn kiên cường để hoàn thành nhiệm vụ”.
Những năm 1972, máy bay Mỹ dội bom liên tục. Anh em tôi trú ẩn dưới hầm. Khi tham gia cách mạng, chúng tôi ai cũng xác định chấp nhận hi sinh
|
Ký ức đẹp của thương binh 2/4 Trần Thiện Thanh (54 tuổi, KP. Phú Thạnh, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) là những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội trên chiến trường Campuchia. Ông Thanh cho biết, năm 1986 ông vào quân ngũ, làm nhiệm vụ lính trinh sát đặc công chiến đấu tại chiến trường Camphuchia. Ông Thanh nhớ lại: “Cũng là thời kỳ cả nước dốc sức đánh thắng kẻ thù. Bạn bè tôi khi ấy, cả nam lẫn nữ, tuổi mới mười tám, đôi mươi đều háo hức ra trận. Trong đó, có nhiều bạn nữ đảm nhận nhiệm vụ nặng nề và không kém phần nguy hiểm, nhưng các chị em đều rất gan dạ, dũng cảm, tất cả đều đồng lòng, dốc sức vì quê hương thân yêu”. Trong một lần tác chiến, ông Thanh không may dẫm phải mìn và mất đi một bên chân trái.
Gương sáng giữa đời thường
Dù đã ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng thương binh, bệnh binh Lê Văn Thường vẫn sống và làm theo tấm gương Bác Hồ từ những việc làm nhỏ nhất. “Vì độc lập tự do của dân tộc, biết bao đồng đội, đồng chí của chúng tôi đã hi sinh xương máu, ngã xuống trong chiến tranh. Hòa bình, đất nước ngày càng đổi mới trong tôi lúc nào cũng cảm thấy biết ơn họ. Tôi tâm nguyện rằng, dù tuổi cao nhưng còn khỏe, minh mẫn là phải làm những việc gì thật có ích. Vì vậy, tôi tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục cống hiến hết mình với công tác xã hội, làm gương để lớp trẻ có động lực làm theo”, ông Thường chia sẻ.
Khi các con trưởng thành, có cuộc sống ổn định, ông dành toàn tâm toàn lực cho công tác xã hội. Là người tâm huyết, luôn vì cộng đồng, ông Thường tham gia hội cựu chiến binh (CCB), tích cực cùng với Hội CCB xã đi vận động bà con phát cây đưa điện về xã; vận động xây dựng nhà đồng đội, quà, tiền tặng hội viên CCB khó khăn. Ông còn tham gia Hội đồng xét duyệt hồ sơ chính sách giúp 265 người có công hưởng chế độ chính sách của nhà nước. Năm 2017, ông thường công tác tại Ban quản lý bảo vệ chợ Long Phước cho đến nay.
Tuổi cao, sức vóc không còn nhanh nhẹn như trước nhưng ông Dương Đức Nghĩa vẫn tích cực lao động, phát triển kinh tế và hết mình vì cộng đồng. Ông Nghĩa cho biết, hòa bình, trở về cuộc sống đời thường dù sức khỏe yếu, mang trên mình thương tật, nhưng ông Nghĩa và vợ-cũng là thương binh luôn cố gắng vươn lên xây dựng cuộc sống và cống hiến xây dựng quê hương. “Lúc về thì gặp muôn vàn khó khăn, các con còn nhỏ, sức khỏe yếu, lại không nghề nghiệp. Không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, hai vợ chồng luôn động viên nhau ráng vươn lên, xoay xở đủ cách nuôi con. Không an phận, vợ chồng tôi tìm mọi cách để phát triển kinh tế”, ông Nghĩa chia sẻ.
Đến nay, các con của ông Nghĩa đã trưởng thành, có công việc và cuộc sống ổn định. Ông đã kinh qua nhiều vị trí công tác. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục làm Bí thư Chi bộ khu phố 2 nhiệm kỳ, được tặng Kỷ niệm chương “Bí thư Chi bộ xuất sắc”. Ông còn hăng hái tham gia các phong trào của Hội CCB khu phố, thị trấn và được mọi người tin yêu, mến phục. Cá nhân ông được các cấp tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác ở địa phương.
Còn với ông Trần Thiện Thanh, sau khi xuất ngũ, với đôi chân không còn lành lặn, nhưng ông luôn lạc quan, vươn lên trong cuộc sống. Ruộng vườn không có, nghề nghiệp cũng không nên để lo kinh tế nuôi 2 người con ăn học đều đặn mỗi ngày ông vẫn tự chạy xe gắn máy đi buôn bán, bỏ mối hải sản. Cuộc sống vất vả là vậy nhưng ông Thanh luôn vui vẻ, bằng lòng với hiện tại. Qua nhiều năm tích lũy, năm 2019, ông cùng vợ mạnh dạn mở tiệm thuốc đông y Hồng Tâm để tạo kinh tế ổn định cho gia đình. Ông Thanh chia sẻ: “Tôi có được cuộc sống như hôm nay cũng một phần nhờ sự quan tâm, động viên, hỗ trợ từ địa phương. Tôi nghĩ, dù ở hoàn cảnh nào thì mình cũng phải cố gắng vươn lên để sống có ích cho người, cho đời”.
Khi biết mình không thể giữ lại đôi chân lành lặn, tôi vẫn tự trấn an mình may mắn. Chiến tranh ác liệt, chúng tôi còn sống trở về đã là may mắn lớn rồi
|
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN