.
11 TỔ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH THẢO LUẬN TRƯỚC KỲ HỌP THỨ TÁM

Du lịch tăng trưởng cao nhưng chưa xứng tầm

Cập nhật: 22:37, 08/07/2022 (GMT+7)

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 8/7, 11 Tổ đại biểu HĐND tỉnh chia làm 5 nhóm thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Đồng thời, cho ý kiến về các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

6 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước gần 7 triệu lượt khách.  Trong ảnh: Du khách tham quan làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ). Ảnh: ĐĂNG KHOA
6 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước gần 7 triệu lượt khách. Trong ảnh: Du khách tham quan làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ). Ảnh: ĐĂNG KHOA

Làm mới sản phẩm du lịch 

6 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước gần 7 triệu lượt khách, đạt 219% kế hoạch năm, tăng 176% so với cùng kỳ. Trong đó, lượt khách lưu trú tại các cơ sở ước hơn 1,8 triệu lượt, đạt 147% kế hoạch năm, tăng 106% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 2.184 tỷ đồng, tăng 48,4% so cùng kỳ. Đến nay, toàn tỉnh có 131 dự án du lịch (tổng diện tích khoảng 2.952 ha, tổng vốn đầu tư là 2.516 tỷ đồng và 8.927 triệu USD), gồm: 115 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án nước ngoài. Trong đó, số dự án đã đi vào hoạt động là 50 dự án, đang triển khai xây dựng là 35 dự án, đang lập thủ tục hồ sơ pháp lý là 46 dự án.

Đại biểu Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, du lịch tăng trưởng cao nhưng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tỉnh vẫn chưa có những sản phẩm du lịch chất lượng cao. Các dự án như KDL Núi Dinh, Dự án Vườn thú hoang dã Safari mấy năm nay vẫn chậm tiến độ. Do đó, tỉnh cần thúc đẩy sớm đưa các dự án du lịch chất lượng cao vào hoạt động, thu hút du khách. Trong khi chờ có sản phẩm mới, tỉnh nên làm mới sản phẩm du lịch gắn với văn hóa đã có như: Làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, di tích lịch sử...

Đại biểu Phạm Ngọc Hải cũng đề nghị Sở Du lịch phối hợp với Sở VH-TT xác định các điểm, tuyến du lịch có kết cấu giá trị văn hóa; phối hợp các sở, ngành, địa phương quản lý, khai thác có hiệu quả, tạo sự chuyên nghiệp trong đón, hướng dẫn khách tham quan các điểm, tuyến du lịch.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Ngọc Hải cho biết, do dịch COVID-19 nên nhân lực du lịch có sự chuyển dịch. Hiện du lịch đang phục hồi nhanh nhưng tỉnh lại thiếu nguồn nhân lực này. Dự kiến, khoảng năm 2025-2026 khi dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đưa vào sử dụng, du lịch tỉnh sẽ “bùng nổ”. Do đó, đề nghị Sở Du lịch có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan thu hút nhân lực du lịch chất lượng cao; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại chỗ.

Tại 5 nhóm thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh tập trung bàn về: Báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và ước thực hiện 6 tháng cuối năm 2022; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách tỉnh và đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của tỉnh; Báo cáo kết quả phòng, chống dịch và tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Người dân không tham gia BHYT vì thiếu thuốc

Liên quan đến vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT), đại biểu Nguyễn Văn Việt, Bí thư Huyện ủy Châu Đức cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, việc vận động người dân tham gia BHYT chưa đạt yêu cầu đề ra. Theo phản ánh của nguời dân, sở dĩ có tình trạng trên do cơ sở y tế, thuốc bảo hiểm… chưa đáp ứng được yêu cầu; có trường hợp phải ra mua thuốc ở ngoài. Do đó, đề nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp khắc phục vì nếu để tình trạng này kéo dài, sẽ rất khó vận động người dân tham gia BHYT.

Đại biểu Nguyễn Văn Việt cũng đề nghị tỉnh cần có chính sách giữ chân đội ngũ y, bác sĩ đang công tác trong các cơ sở công lập. Bởi, hiện nay do áp lực công việc, thu nhập, nhiều người đã xin nghỉ việc hoặc ra làm cho các cơ sở y tế tư nhân. Đây cũng là đề nghị của nhiều đại biểu trong thảo luận tại các nhóm.

Quan tâm đến nợ đọng BHXH, đại biểu Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Vũng Tàu cho biết, các DN chậm đóng, nợ BHXH xảy ra phổ biến trên địa bàn thành phố. Việc nợ đọng BHXH đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cũng như cơ quan BHXH.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, thành phố có hơn 1.000 DN nợ BHXH với số tiền hơn 45 tỷ đồng. Nguyên nhân là do DN còn gặp khó khăn sau dịch COVID-19, bị thu hẹp sản xuất-kinh doanh hoặc tạm dừng; có DN biểu hiện trốn đóng BHXH.

Để giải quyết tình trạng này, đại biểu Lê Thị Thanh Bình đề nghị đưa ra các giải pháp: Cấp ủy, chính quyền cùng với cơ quan BHXH, các ngành rà soát và phân loại tất cả các DN nợ đọng BHXH; thông tin lên các phương tiện truyền thông những DN cố tình nợ đọng BHXH; thành lập tổ liên ngành kiểm tra, thanh tra các DN nợ đọng BHXH; Đảng ủy Doanh nghiệp ngoài Nhà nước kiểm tra, giám sát các chi bộ trực thuộc về thực hiện chế độ BHXH, đóng BHXH…

Quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Đại biểu Võ Ngọc Thanh Trúc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, tình trạng trẻ em đuối nước trên địa bàn tỉnh hiện đang ở mức báo động. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 153 vụ trẻ đuối nước. Trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng xảy ra nhiều vụ việc đau lòng. Do đó, chính quyền địa phương cần sớm có phương án rà soát, đặt bảng cảnh báo cũng như phổ cập bơi cho trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đề nghị cần có giải pháp tuyên truyền, hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ đuối nước và trẻ bị xâm hại tình dục. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Xinh đề nghị các địa phương cần quan tâm hơn nữa hoạt động các trung tâm văn hóa học tập cộng đồng ở các xã.

Về khu vui chơi cho trẻ em, đại biểu Hồ Thị Ánh Tuyết, Bí thư Tỉnh Đoàn phản ánh, nhiều công trình vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh hư hỏng, xuống cấp chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động. Do đó, đề nghị các ngành, các cấp cần tăng cường giám sát chất lượng trong quá trình xây dựng các công trình để trẻ được vui chơi, học tập, rèn luyện trong môi trường an toàn. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư các khu vui chơi  phục vụ HS trong các trường học, đặc biệt là ở các trường vùng xa.

Ngoài những ý kiến trên, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đề nghị tỉnh có giải pháp cơ bản để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, cũng như hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực do giá xăng dầu tăng cao. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai; ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà máy tại KCN để xử lý việc xả nước thải, xả khói gây ô nhiễm môi trường…

Các phát biểu thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh được tổng hợp, báo cáo tại Kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, dự kiến diễn ra từ ngày 13-15/7 tại Hội trường Trung tâm Hành chính-Chính trị tỉnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

 
.
.
.