.

Xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bằng đầu tư công là cấp thiết

Cập nhật: 09:10, 07/06/2022 (GMT+7)

Sáng 6/6, sau khi nghe Chính phủ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1) và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ sang 6/6. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ sang 6/6. Ảnh: CHÂU VŨ.

Thúc đẩy sự phát triển Cảng Cái Mép-Thị Vải

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các tờ trình, báo cáo của Chính phủ về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra chặt chẽ và toàn diện và có nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá sát với tình hình thực tiễn khi triển khai các dự án trên. Việc đầu tư xây dựng 5 dự án nói trên phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu rõ, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giúp Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn thiện và phát huy lợi thế giao thông kết nối vùng.

Bởi vì, tuyến Quốc lộ 51, từ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dài hơn 80Km, là tuyến đường bộ gần như độc đạo nối các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong những năm qua, mặc dù Quốc lộ 51 đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hiện nay. Tuyến đường này đã quá tải nghiêm trọng, thường xuyên ùn tắc, dẫn đến xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai nói riêng và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 53,7 km; đoạn tuyến đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km và địa phận tỉnh BR-VT khoảng 19,5km. Về tổng thể, dự án này được khởi động, xúc tiến thực hiện cách đây gần 15 năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu rõ,  cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu trở thành tuyến đường huyết mạch trong kết nối giao thông đa phương thức kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển, cụ thể là: Kết nối và khai thác đồng bộ với Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (vì có 12,6 km đi trùng tuyến này); Kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2025; Kết nối và phát huy tối đa tiềm năng của Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, là cảng biển nước sâu đặc biệt của cả nước, là một trong 20 cảng biển lớn nhất thế giới, có độ nước sâu âm 14,5m, đón được tàu siêu trọng 214.121 tấn.

Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ giai đoạn đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, lượng hàng thông qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến vào năm 2025 khoảng từ 127,88 đến 141,28 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng sản lượng hàng qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt 113,65 triệu tấn, gần bằng mức quy hoạch đến năm 2025. Theo đà tăng trưởng này, dự báo đến năm 2025 sản lượng hàng qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ vượt mức quy hoạch cũ).

Khi hoàn thành, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tạo động lực liên kết, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung; tăng thu thuế xuất, nhập khẩu, đóng góp cho ngân sách Trung ương; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nguồn lực và không gian phát triển mới, khơi dậy các tiềm năng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đảm bảo thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng

Về sơ bộ phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp kiểm đếm sơ bộ để chuẩn bị phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Khi triển khai, dự án sẽ chiếm dụng khoảng 519,64 ha, trong đó: Đất dân cư 30,45 ha; đất trồng lúa 34,29 ha; đất trồng cây lâu năm 205,31 ha; đất trồng cây hàng năm 52,63 ha; đất nuôi trồng thủy sản 2,55 ha; đất khác 194,41 ha. Sơ bộ số hộ bị ảnh hưởng dự kiến khoảng 3.130 hộ, số hộ tái định cư dự kiến khoảng 2.589 hộ.

“Tỉnh BR-VT quyết tâm chỉ đạo, điều hành đảm bảo thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án, hài hòa quyền và lợi ích chính đáng của người dân trong khu vực bị tác động”-đại biểu Nguyễn Thị Yến khẳng định.

Để giải phóng mặt bằng, 2 địa phương đã có Nghị quyết của HĐND tỉnh cam kết bố trí: 50% vốn ngân sách địa phương (năm 2022) chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.270 tỷ đồng (tỉnh Đồng Nai: đã cam kết chi 2.600 tỷ đồng; tỉnh BR-VT chi 670 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Đồng thời đã dự kiến quỹ đất để bố trí tái định cư.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, tỉnh BR-VT sẽ bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng, trong trường hợp tăng tổng mức đầu tư (bao gồm cả chi phí xây dựng).

Phải thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tái định cư

Tán thành với việc triển khai 5 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng việc triển khai là rất cần thiết và cấp nhiết nhằm phát triển kết nối hạ tầng giao thông đường bộ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, giải quyết nhu cầu vận tải tang cao, giải quyết điểm nghẽn giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh. Đặc biệt đối với Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ phát huy tiềm năng của hệ thống Cảng Cái Mép – Thị Vải, giải tỏa điểm nghẽn giao thông của Quốc lộ 51.

Theo thiết kết, giai đoạn 1, dự án cao tốc Biên hòa – Vũng Tàu có 4-6 làn xe, Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên đề nghị để phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng của khu vực Đông Nam bộ thì cần thiết kế 6-8 làn xe cho cả 2 giai đoạn.

Ủng hộ chủ trương xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) bằng đầu tư công, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị để dự án thực hiện đúng tiến độ và khả thi, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân về 3 dự án trên để người dân tin tưởng, đồng thuận cao và cùng với nhà nước triển khai thực hiện. Bên cạnh đó thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tái định cư, chuyển đổi cơ cấu việc làm, ổn định giao thông cho nhân dân có tuyến đường cao tốc đi qua. Đồng thời khảo sát chặt chẽ, cân nhắc kỹ lưỡng, giảm tối đa diện tích đất rừng, đất nông nghiệp bị thu hồi; nâng cao năng lực thiết kế và khả năng cung ứng nguyên vật liệu…

NGỌC NGUYỄN

Để phát huy tối đa hiệu quả khai thác tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến đưa vào sử dụng năm 2025, tỉnh BR-VT đã tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối vùng với tuyến cao tốc như: cầu Phước An, đường Liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường Phước Hòa - Cái Mép, các tuyến đường ven biển, tuyến giao cắt Quốc lộ 56 với cao tốc. Hiện nay, tỉnh đang triển khai đầu tư đồng bộ các tuyến kết nối, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tách ra khỏi cao tốc nói trên.

 

 

.
.
.