Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn
Sáng 6/6, phát biểu thảo luận tổ của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV về 5 dư án xây dựng đường bộ cao tốc, trong đó có dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh: 5 dự án đều mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho nền kinh tế đất nước, tăng cường kết nối giao thông; tạo động lực liên kết vùng, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho nhân dân và doanh nghiệp, giải quyết, cải thiện tình trạng ùn ứ, giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ sang 6/6. Ảnh: CHÂU VŨ. |
Rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, các tờ trình, báo cáo của Chính phủ về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra chặt chẽ và toàn diện và có nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá sát với tình hình thực tiễn khi triển khai các dự án trên.
Việc đầu tư xây dựng 5 dự án nói trên phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành.
“Tôi nhận thấy 5 dự án đầu tư xây dựng nói trên đều có các đặc điểm chung là mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho nền kinh tế đất nước, tăng cường kết nối giao thông; tạo động lực liên kết vùng, rút ngắn thời gian, chi phí cho nhân dân và doanh nghiệp, giải quyết, cải thiện tình trạng ùn ứ, giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.
Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi với lãnh đạo tỉnh về bản đồ hướng tuyến, tại nút giao nhau giữa đường liên kết cảng và tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ngày 17/5. |
Thúc đẩy sự phát triển Cảng cái Mép-Thị Vải
Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm chấp thuận trình Kỳ họp 3, Quốc hội khóa XV, chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Việc triển khai dự án sẽ giúp Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn thiện và phát huy lợi thế giao thông kết nối vùng.
Bởi vì, tuyến Quốc lộ 51, từ TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dài hơn 80km, là tuyến đường bộ gần như độc đạo nối các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong những năm qua, Quốc lộ 51 đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hiện nay. Tuyến đường này đã quá tải nghiêm trọng, thường xuyên ùn tắc, dẫn đến xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai nói riêng và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. |
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 53,7 km; đoạn tuyến đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km và địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5 km. Về tổng thể chung, dự án này được khởi động, xúc tiến thực hiện cách đây gần 15 năm.
Ngay từ năm 2009, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được Bộ GT-VT giao BVEC (là nhà đầu tư BOT Quốc lộ 51) nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhưng sau 10 năm (tức năm 2019), dự án vẫn không thể triển khai.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể thuyết trình với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng về đường liên cảng tại buổi thị sát các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh ngày 30/5/2020. |
Trước tình hình đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai đã thống nhất báo cáo Bộ GT-VT, trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Quyết định số 1454 ngày 01/9/2021 về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chỉ đầu tư xây dựng từ đoạn TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (dài 53,7 km). Các đoạn tuyến còn lại gồm: đoạn tuyến 8,8 km nối từ cao tốc tại nút giao Phú Mỹ đến cảng Cái Mép - Thị Vải và đoạn cuối tuyến cao tốc từ TP. Bà Rịa đến TP. Vũng Tàu dài 15,6 km được đề xuất tách ra khỏi Dự án cao tốc, giao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động nguồn vốn, đầu tư bằng ngân sách địa phương khoảng 10.000 tỷ đồng.
Để phát huy tối đa hiệu quả khai thác tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến đưa vào sử dụng năm 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối vùng với tuyến cao tốc như: cầu Phước An, đường Liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường Phước Hòa - Cái Mép, các tuyến đường ven biển, tuyến giao cắt Quốc lộ 56 với cao tốc. Hiện nay, tỉnh đang triển khai đầu tư đồng bộ các tuyến kết nối, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tách ra khỏi cao tốc nói trên.
Thứ nhất, Giải quyết tình trạng quá tải, mãn tải của lưu lượng xe và ùn ứ cục bộ tại các điểm giao thông kết nối, giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 51; rút ngắn thời gian đi lại từ TP. Biên Hòa đến TP. Vũng Tàu từ 2 giờ xuống còn 1 giờ. Thứ hai, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu trở thành tuyến đường huyết mạch trong kết nối giao thông đa phương thức kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển, cụ thể là: Kết nối và khai thác đồng bộ với Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (vì có 12,6 km đi trùng tuyến này); Kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn 1 năm 2025; Kết nối và phát huy tối đa tiềm năng của Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, là cảng biển nước sâu đặc biệt của cả nước, là một trong 20 cảng biển lớn nhất thế giới, có độ nước sâu âm 14,5m, đón được tàu siêu trọng 214.121 tấn. Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ giai đoạn đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, lượng hàng thông qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến vào năm 2025 khoảng từ 127,88 đến 141,28 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng sản lượng hàng qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt 113,65 triệu tấn gần bằng mức quy hoạch đến năm 2025. Theo đà tăng trưởng này, dự báo đến năm 2025 sản lượng hàng qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ vượt mức quy hoạch cũ. Thứ ba, Tạo động lực liên kết, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung; tăng thu thuế xuất, nhập khẩu, đóng góp cho ngân sách Trung ương; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nguồn lực và không gian phát triển mới, khơi dậy các tiềm năng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Thứ tư, Góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và hệ thống phòng thủ khu vực phía Nam. |
Thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng
Trong phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến đã báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề Ủy ban Kinh tế đặt ra qua việc thẩm tra.
Về sự phù hợp của Dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, trong quá trình triển khai lập quy hoạch tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu đã cập nhật việc kết nối thuận lợi cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics…; lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, cụ thể đã làm các tuyến đường, kết nối với tuyến cao tốc như đã báo cáo trên.
Về hình thức đầu tư, Ủy ban Kinh tế đã nhận định rất chính xác với tình hình thực tiễn và đã chỉ ra ưu điểm của việc lựa chọn đầu tư công đối với dự án. Bởi vì theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP, thì sớm nhất phải đến tháng 3/2024 mới có thể khởi công Dự án, như vậy sẽ không đảm bảo tiến độ hoàn thành, kết nối với với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025. Huy động vốn tín dụng và nhà đầu tư nước ngoài khó khả thi, do có những yêu cầu vượt quá quy định pháp luật.
Về sơ bộ phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp kiểm đếm sơ bộ để chuẩn bị phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
“Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết tâm chỉ đạo, điều hành đảm bảo thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án, hài hòa quyền và lợi ích chính đáng của người dân trong khu vực bị tác động. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chịu trách nhiệm bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng, trong trường hợp tăng tổng mức đầu tư, bao gồm cả chi phí xây dựng”, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết thêm.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 17.837 tỷ đồng, giai đoạn 1: khoảng14.270 tỷ đồng và giai đoạn 2 (2026-2030) khoảng 3.567 tỷ đồng, bố trí 5 nguồn vốn: Nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Trung ương; nguồn vốn của Bộ GT-VT qua tiết kiệm, cắt giảm; nguồn vốn từ tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022 của trung ương; nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của trung ương; 50% vốn của địa phương để tham gia giải phóng mặt bằng. Khi triển khai dự án, sẽ chiếm dụng khoảng 519,64 ha, trong đó: Đất dân cư 30,45 ha; đất trồng lúa 34,29 ha; đất trồng cây lâu năm 205,31 ha; đất trồng cây hàng năm 52,63 ha; đất nuôi trồng thủy sản 2,55 ha; đất khác 194,41 ha. Sơ bộ số hộ bị ảnh hưởng dự kiến khoảng 3.130 hộ, số hộ tái định cư dự kiến khoảng 2.589 hộ. 2 địa phương đã có Nghị quyết của HĐND tỉnh cam kết bố trí: 50% vốn ngân sách địa phương (năm 2022) chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.270 tỷ đồng (tỉnh Đồng Nai đã cam kết chi 2.600 tỷ; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chi 670 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Đồng thời đã dự kiến quỹ đất để bố trí tái định cư. |
PHÚC LƯU - CHÂU VŨ