Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 1/6, đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về kinh tế-xã hội, sáng 1/6. Ảnh: CHÂU VŨ |
Nhiều bất cập trong phục hồi, phát triển kinh tế
Thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT đã chỉ ra những ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi phát triển KT-XH. Đó là, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, các yếu tố bên ngoài tác động do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, nên bị chi phối nhiều bởi các yếu tố bên ngoài, khi giá cả thế giới tăng, chúng ta bị ảnh hưởng ngay.
Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo; đến nay, không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt, mà đã lan sang vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm… tác động thành chuỗi, dây chuyền khiến các chi phí, dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,1%, riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021 - gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018 đến 2021, tạo “sức ép lạm phát” vào những tháng cuối năm.
Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cũng nêu rõ 5 vấn đề mà nền kinh tế nước ta cần khắc phục ngay để phát triển bền vững hơn thời gian tới. Cụ thể, vẫn còn một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu DN, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin. Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý lại kéo theo nhiều cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành các lĩnh vực đó.
Đề xuất các giải pháp phát triển KT-XH
Để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6-6,5%, kiểm soát lạm phát 4% trong năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến hai biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực. Trước mắt, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là xăng dầu.
Trên cơ sở phân tích những nguy cơ rủi ro, hạn chế, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu; điều hành linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi phát triển KT-XH và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó cần phải công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như: xăng dầu, vật tư nông nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri, nhân dân được biết và chia sẻ.
Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn hiện nay, đại biểu Nguyễn Duy Minh, Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng đề nghị Chính phủ khuyến khích các DN mở rộng kinh doanh vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao. Đề cập đến lĩnh vực du lịch, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá rõ hơn kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trong ngành du lịch. Trong đó, cần làm rõ những vướng mắc, hạn chế và nguyên nhân, đề ra các giải pháp để khắc phục.
Trong khi đó, đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần tập trung xây dựng những giải pháp ổn định giá cả từ khâu đầu vào sản xuất, lưu thông; ổn định lãi suất trong chính sách tiền tệ, giảm tối đa các hoạt động làm phát sinh chi phí trung gian trong nền kinh tế; ổn định sản xuất, khuyến khích tiêu dùng, ổn định đời sống cho người lao động.
NGỌC NGUYỄN
Giải quyết vướng mắc phát sinh từ thực tiễn
Thảo luận về thực hiện Nghị quyết 43, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị, để tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 43 của Quốc hội, một trong những giải pháp quan trọng, là phải giải quyết một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong lĩnh vực đất đai, đầu tư công, thủ tục hành chính…
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, một số án đầu tư công chậm tiến độ là do vướng mắc về chuyển đổi đất lúa, đất rừng, đền bù giải phóng mặt bằng; do thể chế, chính sách pháp luật còn bất cập. Trong khi đó, Nghị quyết 43 của Quốc hội chỉ được áp dụng cho 2 năm 2022 và 2023.
Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết, phát huy mạnh mẽ tinh thần, trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, vì lợi ích chung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các địa phương quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên, theo phân cấp quản lý, để đạt được mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
|