Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư lĩnh vực dầu khí
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 3/6, Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: CHÂU VŨ |
Cần có chính sách khuyến khích dịch vụ dầu khí nội địa
Phát biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá: Các chính sách của Nhà nước về dầu khí đã được cụ thể hóa vào nội dung của 11 chương 64 Điều của dự luật, tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách về bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định về điều tra cơ bản; quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; quy định các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; quy định công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán và xử lý chi phí hoạt động dầu khí; quy định khung cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí. Những chính sách này tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Tuy nhiên qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng có một số chính sách về dầu khí chưa thể hiện rõ trong các quy định của dự luật, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung. Cụ thể là đối với các chính sách về dịch vụ kỹ thuật dầu khí, cần quy định và phân chia rõ những nhóm dịch vụ nào các nhà thầu trong nước có năng lực thực hiện; những nhóm dịch vụ/dịch vụ nào khuyến khích nhà thầu nước ngoài tham gia, với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiêu chí này để khuyến khích ngành dịch vụ dầu khí nội địa; chính sách về ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nặng sản xuất vật liệu phục vụ ngành công nghiệp dầu khí nói riêng và công nghiệp nặng nói chung để tạo sự chủ động, thuận tiện tránh phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài; các chính sách về đầu tư trang thiết bị, kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để hoàn thiện năng lực dầu khí Việt Nam đối với các mảng dịch vụ công nghệ cao.
Dẫn lý do cần phải cân nhắc bổ sung 2 chính sách trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, qua thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực dầu khí ngoài khơi (ở các giàn khoan) và lĩnh vực công nghiệp dầu khí trên bờ của Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu, không cạnh tranh và theo kịp các nước.
Quân tâm đến công nghiệp khai thác, lọc hóa dầu, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, luật hóa nội dung này vào dự thảo luật nhằm bảo đảm sự toàn diện của Luật Dầu khí (sửa đổi), phù hợp chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Bộ Công thương về dự báo, xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất-kinh doanh để chủ động dự báo, phản ứng kịp thời với những biến động, tác động ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động dầu khí cũng như phát triển năng lượng quốc gia.
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu hảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Ảnh: CHÂU VŨ |
Xây dựng hạ tầng số hiện đại
Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhất trí với quy định khoản 4 Điều 11 cho phép sử dụng các trường hợp sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện không thuộc phạm vi điều chỉnh của các loại quy hoạch tần số vô tuyến điện. Điều này sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm các thiết bị công nghệ mới, các thiết bị sản xuất của Việt Nam. Do là công nghệ mới, sáng tạo mới nên có thể sử dụng tần số vô tuyến điện khác với quy hoạch, do đó quy định mới này sẽ tạo cơ sở pháp lý giúp cho việc nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm khi phải sử dụng tần số vô tuyến điện không phù hợp với các quy định hiện hành trong quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Về Quy định chuyển tiếp tại Điều 4, đại biểu Nguyễn Thị Yến đánh giá việc bổ sung điều khoản chuyển tiếp: “Các giấy phép sử dụng băng tần đã cấp cho các doanh nghiệp có thời hạn khác nhau, có giấy phép hết hạn trước thời điểm Luật sửa đổi dự kiến có hiệu lực (01/7/2023)” là cần thiết, đảm bảo áp dụng công bằng quy định mới đối với tất cả các doanh nghiệp đã được cấp phép.
NGỌC NGUYỄN