Cần có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địa
Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: CHÂU VŨ |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 3/6, Quốc hội thảo luận những dự Luật quan trọng, trong đó có dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Thể chế hóa hoặc có hướng dẫn cụ thể một số chính sách về dầu khí
Chiều 3/6, phát biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá: Luật Dầu khí hiện hành được Quốc hội ban hành năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000, 2008, đã phát huy tác dụng điều chỉnh về hoạt động tìm kiếm thăm dò, hợp tác và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta. Tuy nhiên, sau gần 20 năm điều chỉnh, đã phát sinh những bất cập cần phải bổ sung sửa đổi như đã nêu tại tờ trình của Chính phủ. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) với 11 chương, 64 Điều (tăng 2 chương, 13 Điều so với Luật Dầu khí hiện hành).
Các chính sách của Nhà nước về dầu khí đã được cụ thể hóa vào nội dung của 11 chương, 64 Điều của dự luật, tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách về bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định về điều tra cơ bản; quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; quy định các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; quy định công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán và xử lý chi phí hoạt động dầu khí; quy định khung cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí.
Tuy nhiên qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng có một số chính sách về dầu khí chưa thể hiện rõ trong các quy định của dự luật, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, cần thể chế hóa, bổ sung hoặc có nghị định hướng dẫn cụ thể về một số chính sách sau đây về dầu khí:
Thứ nhất, Các chính sách về dịch vụ kỹ thuật dầu khí: Cần phân chia và quy định rõ những nhóm dịch vụ nào các nhà thầu trong nước có năng lực thực hiện; những nhóm dịch vụ/dịch vụ nào khuyến khích nhà thầu nước ngoài tham gia, với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiêu chí này để khuyến khích, bảo hệ ngành dịch vụ dầu khí nội địa.
Thứ hai, Chính sách về ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nặng sản xuất vật liệu phục vụ ngành công nghiệp dầu khí nói riêng và công nghiệp nặng nói chung để tạo sự chủ động, thuận tiện tránh phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài; các chính sách về đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để hoàn thiện năng lực dầu khí Việt Nam đối với các mảng dịch vụ công nghệ cao.
Dẫn lý do cần phải cân nhắc bổ sung 2 chính sách trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực dầu khí ngoài khơi (ở các giàn khoan) và lĩnh vực công nghiệp dầu khí trên bờ của Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu, nói rõ là không cạnh tranh và theo kịp các nước.
Cụ thể, đối với lĩnh vực cơ khí dầu khí ngoài khơi: Thực tiễn nước ta đã có các nhà thầu/tổ hợp nhà thầu có khả năng làm chủ công nghệ để tham gia đấu thầu quốc tế và cạnh tranh được với một số nhà thầu trong khu vực. Tuy nhiên năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế do hai nguyên nhân chính là không có phương tiện, thiết bị phục vụ các công tác ngoài biển (vận chuyển, lắp đặt, rải ống cần các tàu cẩu, tàu rải ống chuyên dụng); và phải nhập khẩu phần lớn vật tư, nguyên liệu, thiết bị từ nước ngoài (giá thành cao, tốn thời gian; khó kiểm soát về chất lượng đi cùng với các rủi ro về giao dịch, vận chuyển); đối với lĩnh vực công nghiệp trên bờ: hiện nay chưa có nhà thầu Việt Nam nào có thể tự chủ về công nghệ để đáp ứng được năng lực làm tổng thầu thiết kế, mua sắm, thi công xây dựng hoàn thiện.
Các dự án công nghiệp trên bờ hiện nay khi đấu thầu đều do các nhà thầu nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga….) đảm nhiệm vai trò nhà thầu chính chiếm hầu hết giá trị và công nghệ của gói thầu (khoảng 80% giá trị), các nhà thầu Việt Nam nếu tham gia thì chỉ đơn thuần thực hiện các phần việc thi công xây lắp có giá trị thấp, thâm dụng nhiều lao động cơ bản, hàm lượng chất xám ít và khó có khả năng phát triển về trình độ khoa học kỹ thuật.
Để phát triển năng lực khoa học kỹ thuật công nghệ quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị cần phải có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địa, có lộ trình chung để phát triển năng lực khoa học kỹ thuật công nghệ quốc gia, giúp cho ngành dầu khí dần gỡ bỏ tiềm thức chỉ làm gia công, thi công, chế tạo đơn thuần và đưa các doanh nghiệp trong nước lên làm chủ về công nghệ, tiệm cận với cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại.
Xây dựng hạ tầng số hiện đại
Qua nghiên cứu bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện theo Tờ trình của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung 17 điểm của Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành do Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 sau 13 năm đi vào thực tiễn chưa đáp ứng tình hình mới, trước hết về sự cần thiết sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận thấy: Tần số vô tuyến điện là một điều kiện cần có, hay nói cách khác là một tài nguyên cần phải có để xây dựng các hệ thống thông tin di động băng rộng - một thành tố quan trọng của hạ tầng số. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện cần được rà soát, điều chỉnh để nguồn tài nguyên đặc biệt này được đưa vào sử dụng kịp thời, đáp ứng yêu cầu xây dựng hạ tầng số hiện đại, đón đầu các công nghệ mới, góp phần thúc đẩy nền sản xuất các thiết bị viễn thông hiện đại của Việt Nam.
Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhất trí với quy định khoản 4 Điều 11 cho phép sử dụng các trường hợp sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện không thuộc phạm vi điều chỉnh của các loại quy hoạch tần số vô tuyến điện. Điều này sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm các thiết bị công nghệ mới, các thiết bị sản xuất của Việt nam. Do là công nghệ mới, sáng tạo mới nên có thể sử dụng tần số vô tuyến điện khác với quy hoạch, do đó quy định mới này sẽ tạo cơ sở pháp lý giúp cho việc nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm khi phải sử dụng tần số vô tuyến điện không phù hợp với các quy định hiện hành trong quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Về Sửa đổi bổ sung Điều 18 về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu Nguyễn Thị Yến thống nhất với khoản 3 Điều 18 “Ưu tiên áp dụng phương thức đấu giá, chỉ thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 Điều này khi cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có yếu tố mới thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông”.
Việc bổ sung tiêu chí này vào trong Luật giúp cho cơ quan thực thi dễ dàng hơn trong việc xác định trường hợp nào cần tổ chức thi tuyển, trường hợp nào cần tổ chức đấu giá. Đối với các công nghệ mới nhưng lại cần triển khai nhanh trên diện rộng, việc tổ chức thi tuyển sẽ được thực hiện nhanh hơn là so với đấu giá nên công nghệ mới sớm được đưa vào sử dụng hơn, việc chỉ thi tuyển mà không đấu giá cũng có thể giúp doanh nghiệp có nguồn lực hơn để đầu tư, triển khai mạng lưới trên diện rộng, đặc biệt là bối cảnh 3 doanh nghiệp thống lĩnh thị trường viễn thông di động đều là các doanh nghiệp nhà nước. Việc sớm đưa các công nghệ mới vào sử dụng cũng sẽ góp phần kích thích việc nghiên cứu, sản xuất thiết bị viễn thông công nghệ cao của Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị bổ sung thêm các khái niệm về “khái niệm băng tần, kênh tần có giá trị thương mại cao”, thủ tục để xác định “nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ” vào Điều giải thích từ ngữ để tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định các băng tần, kênh tần số vô tuyến điện được cấp phép theo hình thức đấu giá hoặc thi tuyển.
Về Quy định chuyển tiếp tại Điều 4, đại biểu Nguyễn Thị Yến đánh giá việc bổ sung điều khoản chuyển tiếp: “Các giấy phép sử dụng băng tần đã cấp cho các doanh nghiệp có thời hạn khác nhau, có giấy phép hết hạn trước thời điểm Luật sửa đổi dự kiến có hiệu lực (01/7/2023)” là cần thiết, đảm bảo áp dụng công bằng quy định mới đối với tất cả các doanh nghiệp đã được cấp phép.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU