Chủ động phòng tránh bạo lực gia đình từ sớm

Thứ Ba, 14/06/2022, 20:30 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 14/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023. Ảnh: CHÂU VŨ
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023. Ảnh: CHÂU VŨ

 Bảo vệ hạnh phúc gia đình không chỉ là trách nhiệm của phụ nữ

Tranh luận với ý kiến việc bảo vệ hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ trong phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều 14/6, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng ý kiến này chỉ đúng một phần, chưa đủ, chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần đối chiếu, cân nhắc việc sử dụng cụm từ “trên cơ sở giới, định kiến giới” tại Khoản 2, Điều 3 để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và thống nhất các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đối với 18 nội dung dự thảo Luật nêu tại Khoản 1, Điều 4 về hành vi bạo lực gia đình, Ban soạn thảo nên xem xét phân loại theo nhóm, tính chất, mức độ, hành vi làm cơ sở xây dựng quy định chế tài tương ứng tại các điều khoản tiếp theo của Luật này vừa đảm bảo khoa học vừa dễ tiếp cận và áp dụng được thuận lợi hơn.

QUY ĐỊNH RÕ ĐỐI THOẠI TẠI NƠI LÀM VIỆC 
CỦA DOANH NGHIỆP
Qua nghiên cứu dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị đối với tên Điều 47: “Đối thoại tại doanh nghiệp”, Ban soạn thảo nên bổ sung theo hướng “Đối thoại tại nơi làm việc của doanh nghiệp”. Vì doanh nghiệp có thể có nhiều cơ sở, chi nhánh. Nếu quy định đối thoại tại doanh nghiệp sẽ được hiểu việc đối thoại chỉ được diễn ra tại trụ sở chính của doanh nghiệp, còn những nơi làm việc của người lao động tại các chi nhánh, cơ sở của doanh nghiệp sẽ không được tổ chức đối thoại.
Tại Chương IV đối với việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, Điều 45 - quy định về những nội dung người sử dụng lao động phải công khai: có quy định công khai thang lương, bảng lương; báo cáo tài chính 6 tháng, hàng năm; kết quả kiểm toán tài chính; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và tại Điều 49, quy định về những nội dung người lao động tham gia ý kiến, có quy định nội dung: được có ý kiến liên quan đến sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức người lao động. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên tách biệt thành 2 loại hình doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp trong nước thì có thể quy định như trên, nhưng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì vấn đề thang bảng lương, báo cáo tài chính là vấn đề bảo mật của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ công khai kế hoạch sản xuất kinh doanh. Cho nên cần cân nhắc việc gộp chung quy định như trên cho các loại hình doanh nghiệp.

 

Đối với Điểm O, Khoản 1, Điều 4 có nêu “cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính của thai nhi”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị nên bỏ cụm từ “vợ hoặc chồng” và chỉnh sửa theo hướng “cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi” sẽ bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ.

“Bởi các hành vi bạo lực như vừa nêu không chỉ có ở vợ hoặc chồng mà còn có sự can thiệp, cưỡng ép từ các thành viên khác trong gia đình… và ở ý đầu làm cho người đọc dễ hiểu theo ý vợ cưỡng ép chồng mang thai - điều này không phù hợp và bất hợp lý”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nói.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tranh luận với ý kiến việc bảo vệ hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ trong phiên thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tranh luận với ý kiến việc bảo vệ hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ trong phiên thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ

 

THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Với 475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, có 469 tán thành (chiếm 94,18%), sáng 14/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Nghị quyết nêu rõ phạm vi, đối tượng, nội dung giám sát là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020 - 2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 1/1/2018 (sau khi Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017) đến ngày 31/12/2022 trên phạm vi cả nước.
Nội dung giám sát được nêu trong Nghị quyết là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc: Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực (bao gồm nhân lực, tài lực, vật lực) phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở (Tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện bảo đảm và công tác tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan); Thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng (Đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy, điều kiện bảo đảm và công tác tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan). Đoàn giám sát cũng kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan

Góp phần xây dựng nếp sống văn minh

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, phạm trù “bạo lực gia đình” với sự tế nhị, nhạy cảm nhất định trong mối quan hệ giữa các chủ thể trong phạm vi của mỗi gia đình. Bởi trong nếp nghĩ, văn hóa ứng xử của phần lớn người Việt Nam thì các vấn đề của gia đình được xem là “chuyện trong nhà, trong cửa” nên thường được đóng kín, để lại sau cánh cửa của mỗi gia đình. Cho nên việc xây dựng, áp dụng Luật đối với việc phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam có sự khác biệt nhất định nếu so sánh những vấn đề tương đồng với việc áp dụng Luật của các quốc gia khác trong cùng một vấn đề.

Vì vậy, việc tiếp cận, giải quyết vấn đề bạo lực gia đình được xây dựng, trình Quốc hội xem xét không chỉ tập trung trong phạm vi các nhóm giải pháp quy định việc xử lý các hành vi vi phạm nhằm giải quyết những vấn đề đã xảy ra làm phát sinh hậu quả pháp lý mà cần quan tâm rà soát, cân nhắc bổ sung, điều chỉnh các nội dung thuộc nhóm giải pháp theo hướng vừa bao quát nhưng bảo đảm chặt chẽ, sát thực, phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa ứng xử của các thành viên trong mỗi gia đình Việt Nam.

Từ đó, pháp huy việc ngăn chặn, phòng tránh từ sớm, từ xa và đảm bảo rằng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) khi được Quốc hội xem xét, thông qua đồng bộ với các luật có liên quan không trái các quy định của quốc tế về những nội dung liên quan về quyền con người.

“Quan trọng hơn nữa là Luật sửa đổi này thật sự khả thi khi áp dụng trong thực tiễn, góp phần xây dựng nếp sống văn minh từ nhận thức đến hành vi giữa các mối quan hệ gia đình - tế bào của xã hội trong thế giới phẳng hiện nay với các điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa nhưng vẫn bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh.

NGỌC NGUYỄN

;
.