Sáng 14/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản thống nhất với 7 chương, 74 Điều và đánh giá dự thảo Luật chuẩn bị khá công phu, hình thức tuân thủ quy định Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ |
LÀM RÕ THẨM QUYỀN PHÊ DUYỆT HƯƠNG ƯỚC
Góp ý cụ thể vào một số quy định, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thẩm quyền phê duyệt hương ước, quy ước là của cộng đồng dân cư (thôn, tô dân phố) hay của UBND cấp xã, cấp huyện tại Điều 13, Chương III Đối với việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã.
Tại khoản 3, Điều 16, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “và các địa chỉ khác do địa phương cấp xã quy định” vào sau cụm từ “tổ dân phố” thành: “Danh sách cử tri được niêm yết tại nhà và sóc, thôn, tổ dân phố và các địa điểm khác do địa phương cấp xã quy định để nhân dân được biết” sẽ đầy đủ hơn. Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, thực tế việc niêm yết danh sách cử tri trong thời gian qua, địa phương cấp xã quy định niêm yết tại nhiều địa điểm, kể cả mượn địa điểm nhà dân.
Về nội dung nhân dân tham gia ý kiến quy định từ Điều 22 đến Điều 27, đề nghị bổ sung quy định: Nhân dân tham gia ý kiến giám sát phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đối với các hình thức, thời điểm công khai thông tin để nhân dân biết, tại Điều 10 có quy định hình thức công khai: “Thông qua mạng xã hội, zalo, viber, facebook theo quy định pháp luật”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cần quy định rõ các trạng mạng xã hội là những trang thông tin chính thống. Vì hiện nay thông tin trên các mạng này, mặc dù đã được pháp luật điều chỉnh, cụ thể là Luật An ninh mạng, nhưng thông tin vẫn còn rất nhiễu, nhiều thông tin sai lệch, không chính xác.
Về quy định công khai thông tin là “hình thức khác theo quy định của pháp luật” tại điểm h Điều 10: Đây là một quy định mở, nhưng cần phải có hướng dẫn, quy định cụ thể về “hình thức khác” ở điều luật này.
CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CB, CCVC TRONG THỰC HIỆN DÂN CHỦ TẠI CƠ SỞ
Qua nghiên cứu Chương III Đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập từ Điều 64 đến Điều 71 quy định về trách nhiệm thực hiện dân chủ tại cơ sở, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhận thấy Điều 66 của Luật, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị trong thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, luật hóa thêm một số nội dung quy định mối quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với cơ quan đơn vị cấp trên và cấp dưới; đề nghị bổ sung điều luật quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện dân chủ tại cơ sở, vì trong dự luật chưa có quy định này.
TÁCH BIỆT NỘI DUNG CÔNG KHAI ĐỐI VỚI DN TRONG NƯỚC VÀ DN NƯỚC NGOÀI
Tại Chương IV Đối với việc thực hiện dân chủ ở DN, Điều 45 - quy định về những nội dung người sử dụng lao động phải công khai: có quy định công khai thang lương, bảng lương; báo cáo tài chính 6 tháng, hàng năm; kết quả kiểm toán tài chính; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và tại Điều 49, quy định về những nội dung người lao động tham gia ý kiến, có quy định nội dung: được có ý kiến liên quan đến sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức người lao động. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên tách biệt thành 2 loại hình DN. Đối với các DN trong nước thì có thể quy định như trên, nhưng đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài và 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì vấn đề thang bảng lương, báo cáo tài chính là vấn đề bảo mật của DN, DN chỉ công khai kế hoạch sản xuất kinh doanh. Cho nên cần cân nhắc việc gộp chung quy định như trên cho các loại hình DN.
Đối với tên Điều 47 ghi: “Đối thoại tại DN”, đề nghị bổ sung ghi rõ “đối thoại tại nơi làm việc của DN”. Vì DN có thể có nhiều cơ sở, chi nhánh, nếu quy định đối thoại tại DN sẽ được hiểu việc đối thoại chỉ được diễn ra tại trụ sở chính của DN, còn những nơi làm việc của người lao động tại các chi nhánh, cơ sở của DN sẽ không được tổ chức đối thoại.
LUẬT HÓA VAI TRÒ CỦA BAN GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỘNG ĐỒNG
Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu, rà soát các quy định của Luật đầu tư công, Nghị định 84 ngày 30/9/2015 của Chính phủ để luật hóa vai trò của Ban giám sát đầu tư cộng đồng vào quy định của Chương V Quy định về Thanh tra nhân dân, trao nhiệm vụ, quyền hạn này cho Ban Thanh tra nhân dân tại Điều 58, 59 của dự Luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở.
PHÚC LƯU – CHÂU VŨ