Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ |
Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào sáng 13/6, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Ban sạn thảo, Chính phủ nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách tiền lương phù hợp, xứng đáng cho cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành y tế.
Sửa đổi luật là cần thiết
Thống nhất cao với việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Dương Tấn Quan cho rằng, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 11 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.
Cụ thể là: Quản lý người hành nghề, quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa chặt chẽ; hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe, bệnh tật của người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa có sự kết nối, liên thông. Một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh như: khám bệnh, chữa bệnh từ xa, điều trị nội trú ban ngày, khám giám định, dinh dưỡng lâm sàng; khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (như dịch COVID-19 vừa qua)… chưa được quy định trong luật để đảm bảo cơ sở pháp lý.
“Do đó, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết” - đại biểu Dương Tấn Quân nói.
Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả
Theo đại biểu Dương Tấn Quân, thời gian qua đã xảy ra những xung đột giữa Luật Khám bệnh, chữa bệnh với Luật Bảo hiểm y tế (quy định về phân hạng, phân tuyến và nhiều vấn đề khác). Đó là cơ chế liên quan đến xã hội hóa tại cơ sở khám chữa bệnh (đặt máy móc trong cơ sở y tế, liên doanh, liên kết trong cơ sở y tế...); cơ sở pháp lý để gắn đánh giá chất lượng cơ sở khám chữa bệnh với việc cấp phép... Tóm lại, Luật đang bị bó bởi phạm vi điều chỉnh của Luật, như vậy, nếu chỉ một mình Luật Khám bệnh, chữa bệnh được sửa đổi thì khó có thể giải quyết được những vấn đề mang tính mục tiêu chung của y tế và những vấn đề nội tại của ngành, đặc biệt là những vấn đề đang đặt ra, nảy sinh và có thể nói là cấp bách của ngành y tế cùng với sự kỳ vọng của người dân, của chính cán bộ y tế.
Thực tiễn cho thấy còn cần sửa đổi cả những luật khác như Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Dược; Luật Giá; Luật Đấu thầu; Luật quản lý tài sản công, thậm chí kể cả Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp... Một số luật đã được đưa vào chương trình dự kiến nhưng một số vẫn chưa có. Do đó, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Chính phủ rà soát để sửa đổi một cách đồng bộ, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Bổ sung cơ chế, chính sách tiền lương phù hợp
Nói lên tâm tư, nguyện vọng của hơn 500.000 y, bác sĩ và nhân viên y tế trên cả nước từ rất rất lâu, đại biểu Dương Tấn Quân cho biết, hiện nay lương, chế độ phụ cấp chưa tương xứng với thời gian học nghề y cũng như công sức của lực lượng y tế đang thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo đại biểu Dương Tấn Quân, ngành y là ngành có thời gian đào tạo dài hơn, gian nan hơn các ngành khác, nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề đào tạo ngắn hơn. Ngành y tế là ngành có nhiệm vụ cao quý và nặng nề đó là chăm lo sức khỏe người dân, bảo vệ tính mạng con người cũng như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân nhưng lại không được áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang.
Ngoài ra, ngành y là ngành đặc thù nên sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch COVID-19 vừa qua, đội ngũ y tế là lực lượng tuyến đầu chủ lực không ngại khó khăn, mất mát, hy sinh sức khỏe, tính mạng của mình hợp lực cùng cả nước chống dịch. Do đó cần có những chính sách, phụ cấp đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần chứ không cần phải xin nghị quyết, rồi xin cơ chế...
Chúng ta đang hoàn thiện các cơ chế xã hội hóa lĩnh vực y tế, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm góp phần ngày càng nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho cán bộ ngành y tế. Tuy nhiên, hiện nay các cơ chế còn rất nhiều vướn mắc, bất cập chưa phát huy được. Y tế tuyến huyện, tuyến xã không có điều kiện, không thể tự chủ được, mức lương rất khiêm tốn, chưa đảm bảo được cuộc sống, rất nhiều cán bộ y tế phải bỏ nhà nước ra ngoài làm. Hiện nay tình trạng chảy máu chất xám từ bệnh viện công sang bệnh viện tư rất phổ biến mà nguyên nhân chính đó là chế độ tiền lương có sự chênh lệch cao. Vì vậy, đề nghị Ban sạn thảo, Chính phủ nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách tiền lương phù hợp, xứng đáng cho cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành y tế trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này.
PHÚC LƯU - CHÂU VŨ