Ở một nơi mà gian khó là lẽ thường, nhưng chiến sĩ Trường Sa vẫn luôn tươi vui, yêu đời và vững chắc tay súng.
Luyện giỏi, rèn nghiêm
Tháng 5, Trường Sa nắng như đổ lửa, nhưng trên thao trường những người lính trẻ vẫn bò trườn dưới hầm hào công sự và huấn luyện điều lệnh đội ngũ tay không trên đường băng. Các bài bắn mục tiêu bộ binh mặt biển, đối không cũng được chiến sĩ thực hiện thành thạo.
Thi đua huấn luyện giỏi, giữ chắc tay súng, canh giữ biển, đảo quê hương. |
Trung tá Ngô Văn Hưng, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết, huấn luyện bảo vệ biển, đảo là chương trình huấn luyện chuyên biệt, đặc thù. Do đó, đơn vị tăng cường quán triệt cho bộ đội nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Cụ thể, cán bộ, chiến sĩ Hải quân ở 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa luôn tổ chức tuần tra, canh gác 24/24 giờ; kịp thời quan sát không để sót, lọt mục tiêu trong khu vực đảm nhiệm.
Ngoài cán bộ, chiến sĩ Hải quân, trên đảo Phan Vinh còn có những người lính của Trạm radar 44 (thuộc Trung đoàn 292, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không không quân) cũng đang ngày đêm ra sức thực hiện tốt nhiệm vụ canh giữ vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Chiến sĩ tăng gia sản xuất trên đảo Sinh Tồn. |
“Bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, quan sát, theo dõi và phát hiện các vật thể bay trên vùng trời của Tổ quốc, không để Tổ quốc bị bất ngờ”, Thiếu tá Vũ Văn Vinh, Trạm trưởng Trạm radar 44 nói.
Những phút giây đời thường
Sau những giờ phút trên thao trường huấn luyện, tuần tra canh gác bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc, những người lính lại quây quần bên nhau cùng ca hát, đọc sách, báo, xem tivi, luyện tập thể thao... Ở những giây phút rất đời thường ấy, họ lại trở thành những chàng trai vui tính, hoạt bát, đáng yêu và hết sức bình dị.
Dưới gốc cây bàng vuông trên đảo Trường Sa lớn, chúng tôi được nghe những giai điệu vui tươi từ tiếng đàn ghi ta với lời hát ngân nga của 3 chiến sĩ trẻ. “Yêu lắm Trường Sa những ngày biển động; dâng trọn Trường Sa tuổi trẻ của chúng ta…”. Nghe những ca từ mới lạ, hỏi mới biết đó là ca khúc mới mà một chiến sĩ trẻ ở đảo Trường Sa lớn sáng tác, rồi chuyền tay nhau phổ biến. “Phải yêu đảo, yêu đời lắm, họ mới tự viết được những lời hát tự trái tim và hát say sưa đến thế”, ca sĩ Thanh Thanh, Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình nhận xét.
Chiến sĩ đảo Đá Đông A tập luyện thể thao hằng ngày. |
Trong hành trình đến quần đảo Trường Sa, chúng tôi thật may mắn khi được đặt chân lên 10 điểm đảo. Ở mỗi điểm đảo, đều có góc riêng đặt các kệ sách, báo. Đang chăm chú đọc cuốn “Huyền thoại đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” bên cửa sổ, chiến sĩ Nguyễn Minh Quyết, đảo Phan Vinh B bộc bạch: “Đọc những quyển sách này em mới thấy được những hi sinh, vất vả mà tự hào của những chiến sĩ Hải quân năm xưa. Chúng em sẽ phấn đấu hết mình để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Được biết, để nâng cao đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, hàng năm Vùng 4 Hải quân đều bổ sung hàng trăm đầu sách các loại. Nhiều đoàn công tác từ đất liền ra thăm Trường Sa cũng tặng sách, báo cho bộ đội nên sách, báo ở đây rất phong phú. Đại úy Vũ Quang Khắc, Chính trị viên đảo Phan Vinh B nói: “Hàng ngày, tôi đều dành khoảng 2-3 giờ để đọc sách. Qua đó tích lũy nhiều kinh nghiệm, mở mang kiến thức trong mọi lĩnh vực, tăng cường khả năng tư duy. Đọc sách còn cho tôi biết thêm về tình hình trong và ngoài nước, giúp tìm ra giá trị bản thân và chắp cánh cho những ước mơ, sáng tạo”.
Rau vẫn xanh, hoa vẫn nở
Trường Sa hôm nay không còn là những hòn đảo chỉ toàn cát trắng và san hô giữa trùng khơi mà đâu đâu cũng hiện hữu những công viên, doanh trại cây cối xanh tươi, những vườn hoa đua nhau khoe sắc. Màu xanh ấy không chỉ là kết quả sáng tạo, cần cù từ bàn tay khối óc của những chiến sĩ mà còn thể hiện sức sống mạnh mẽ giữa đại dương, là biểu tượng quyết tâm vượt khó của quân và dân nơi đầu sóng.
Để có được thành quả này, bộ đội trên các đảo phải mang đất từ đất liền ra rải lên bề mặt hoặc trộn vào cát; che chắn cẩn thận để chống chọi trước nắng gió; lá cây rụng cũng được thu gom cẩn thận và tận dụng để chôn ủ làm phân hữu cơ, bổ sung dinh dưỡng cho vườn rau xanh.
Trồng rau trên đảo nổi đã gian truân, vất vả, trồng rau ở đảo chìm như Đá Thị lại khó khăn gấp bội bởi không gian hạn chế, bộ đội phải tận dụng bất cứ khoảng trống nào có thể để đặt khay nhựa composite, thùng xốp, thùng gỗ trồng rau.
Trung tá Vũ Cao Đăng, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết, trung bình mỗi năm, bộ đội Trường Sa trồng được gần 2.000 cây xanh đủ loại như: phong ba, bão táp, mù u, nhàu, phi lao, dừa và các loại hoa như: lan, giấy, sứ. Hiện nay, 100% các đảo thuộc quần đảo Trường Sa các bữa ăn của bộ đội đã có rau xanh. Năm 2021, công tác tăng gia sản xuất của các đảo đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, bình quân theo đầu người đạt hơn 1,5 triệu đồng/năm.
Xây dựng vùng đảo mạnh về phòng thủ
Theo Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân, nếu trong chiến tranh, niềm vinh dự tự hào và đẹp đẽ nhất của người lính là trên trận tuyến, thì trong thời bình, cuộc đời đẹp nhất của các chiến sĩ Trường Sa là vững chắc tay súng canh biển trời Tổ quốc. Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của thế hệ cha anh đi trước, Lữ đoàn thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, tầm quan trọng nơi đóng quân và nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; huấn luyện cho bộ đội thành thạo các loại vũ khí, trang bị, tăng cường quan sát, phát hiện mục tiêu, nâng cao khả năng SSCĐ, không để bị động, bất ngờ”.
Phút tưởng niệm những anh hùng giữa biển khơi
Trong hải trình đi thăm Trường Sa và DK1, 11 giờ 58 phút trưa 17/5, tại vùng biển gần Nhà giàn DK1/12 (bãi Tư Chính), Đoàn chúng tôi gồm 239 đại biểu ăn mặc chỉnh tề, xếp hàng tại boong tàu để tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Trường Sa là nơi yên nghĩ vĩnh hằng nhiều cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trường Sa như một nghĩa trang đặc biệt bởi cán bộ, chiến sĩ hy sinh nơi đây đều không có phần mộ như trên đất liền, cũng không xếp thứ tự theo dãy trước sau, mà mộ của các anh là những ngọn sóng bạc đầu, là nhành san hô nằm tận biển sâu.
Ngày nay, mỗi lần ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, các đoàn công tác đều làm Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh nơi thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc để giáo dục lòng yêu nước, yêu biển, đảo của thế hệ trẻ Việt Nam.
|
“Để xây dựng quần đảo Trường Sa mạnh về phòng thủ, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 146 sẽ thường xuyên giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm, SSCĐ cao, kiên quyết, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thử thách; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cho cán bộ, chiến sĩ; thực hiện khâu đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ với phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới” và các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác”, Thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính ủy Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải Quân nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MINH NHÂN
(còn nữa)