Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén và có hiệu lực to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận này.
Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam
Là người lãnh đạo của cách mạng, của Đảng, đồng thời Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một nhà báo lớn. Người là người thầy, người anh của nhiều thế hệ nhà báo. Ảnh hưởng của Người, ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, đã góp phần to lớn trong việc hình thành và phát triển nền Báo chí cách mạng Việt Nam.
Kể từ năm 1919, khi tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện dưới bài báo đầu tiên “Tâm địa thực dân” (trả lời cho một bài sặc mùi thực dân trên tờ Courrier Colonial ngày 27/6/1919, sau “Yêu sách của nhân dân An Nam”) cho đến bài báo cuối cùng của Người “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” (đăng báo Nhân Dân số 5526, ngày 1/6/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nửa thế kỷ hoạt động báo chí với khoảng 2.000 bài viết, 174 tên gọi, bí danh, bút danh. Con số này chưa phải là cuối cùng vì nhiều tư liệu mới vẫn đang tiếp tục được phát hiện, xác minh và bổ sung vào khối tư liệu báo chí đồ sộ của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người cũng là nhà báo cách mạng Việt Nam vĩ đại nhất. |
Chặng đường làm báo cách mạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc ghi nhận sự nỗ lực không mệt mỏi của Người trong việc học hỏi, nắm bắt, rèn luyện thực hành để trưởng thành trong nghề báo và bước đầu hình văn phong báo chí Hồ Chí Minh sau này.
Trong giai đoạn này, Nguyễn Ái Quốc vừa phải làm việc để mưu sinh, vừa tích cực học tiếng Pháp và tập làm báo với các “bậc đàn anh” như Phan Văn Trường, J.Longger. Người thường xuyên tham gia những cuộc họp, những cuộc tranh luận tại các câu lạc bộ cánh tả ở Paris khi đó. Đầu năm 1922, Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa và xuất bản tờ báo tiếng Pháp Le Paria (Người cùng khổ) - tiếng nói của Hội.
Báo Le Paria số đầu tiên ra ngày 1/4/1922, cuối cùng ra tháng 4/1926 (số 38, không ghi ngày). Từ số 1 đến số 9, báo ra hằng tháng, số 6 và số 7 là số kép. Mangsete báo Le Paria in chữ “Lao động báo” bằng Hán tự nhưng chữ “động” có bộ nhân đứng với hàm ý báo của người lao động.
Nguyễn Ái Quốc là chủ nhiệm kiêm chủ bút, đảm nhiệm cả việc phát hành và việc đi bán báo từ số đầu đến số 14. Sau đó là thời gian Người rời Pháp đến Liên Xô rồi đi Trung Quốc nhưng vẫn gửi nhiều bài về trên đăng báo này.
Báo "Người cùng khổ" và tranh châm biếm của báo do nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc vẽ. |
Nguyễn Ái Quốc ký nhiều bút danh dưới các bài viết và tranh vẽ của mình trên Le Paria: Nguyễn A.Q, Ng.A.Q, Nguyễn... Một số bài ký tên khác hoặc không ký tên nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng là của Nguyễn Ái Quốc, như: N, Lê Ba, V.L...
Các bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria tập trung vào hai chủ đề chính: Đấu tranh cho quyền công dân nói chung và quyền bầu cử đại biểu vào Quốc hội nói riêng. Tố cáo chủ nghĩa thực dân chống giai cấp vô sản và các dân tộc thuộc địa; bênh vực, ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng và chỉ ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức.
Báo Le Paria, đặc biệt là với những bài của Nguyễn Ái Quốc, đã phản ánh một thời kỳ lịch sử đẫm máu, đau thương và anh dũng của nhân dân các dân tộc thuộc địa, cổ vũ các dân tộc đi theo con đường đấu tranh của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây cũng là đóng góp xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới nói chung và cho phong trào cách mạng Việt Nam nói riêng.
Những bài của Nguyễn Ái Quốc trên Le Paria đã nhận được sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản. Các số báo Le Paria đều được chuyển đến Moskva. Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc trên Le Paria và một số báo cánh tả Pháp cũng là nguồn tư liệu đáng kể góp phần hình thành cuốn sách nổi tiếng của Người: "Bản án chế độ thực dân Pháp" (1925). Đây là một trong hai cuốn sách nổi tiếng của Nguyễn Ái Quốc, được nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930).
Từ sau khi Người đến đất nước của Lê-nin (30/6/1923). Cho đến khi lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành lại độc lập dân tộc (8/1945), nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều chặng đường làm báo cách mạng và ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Người là nhà báo xuất sắc và là người sáng lập, lãnh đạo nhiều tờ báo quan trọng của cách mạng. Trong số đó cần đặc biệt nhấn mạnh hai tờ: Thanh niên và Việt Nam độc lập.
Sáng lập Báo Thanh Niên - Tờ báo đầu của cách mạng Việt Nam
Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu trong phái bộ của Quốc tế Cộng sản do Borodin dẫn đầu giúp đỡ Chính phủ Tôn Trung Sơn. Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc khẩn trương chuẩn bị “mảnh đất” để “gieo” những “hạt giống đỏ” đầu tiên cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức và con người cho việc thành lập một chính đảng chân chính cho cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc rất tâm đắc ý kiến của V.I.Lenin về việc phải thành lập một tờ báo chính trị của Đảng để tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện; … vai trò của tờ báo không phải chỉ đóng khung ở chỗ phổ biến tư tưởng, giáo dục chính trị và thu hút những bạn đồng minh chính trị.
Tờ báo sẽ không chỉ như một tuyên truyền viên đến với quần chúng và còn là sự hiện diện cụ thể của một tổ chức cách mạng. Kinh nghiệm hoạt động trong phong trào cách mạng quốc tế đã làm cho Người hiểu sâu sắc điều đó. Là cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Nguyễn Ái Quốc chọn tên tờ báo là Thanh niên.
Ngày 21/6/1925, sau nhiều nỗ lực của Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh niên ra số đầu tiên. Báo được viết bằng bút sắt trên giấy sáp và in theo lối in roneo, khổ giấy 18 x 24 cm. Mỗi số báo có hai hoặc bốn trang, in khoảng 100 bản. |
Trong số 1 nổi bật có các bài: Nhiệm vụ của một người lính (ký tên Đội trưởng), Vì sao chúng ta phải đoàn kết… Báo Thanh niên thường có các chuyên mục: xã hội, bình luận, thơ ca, phê bình, trả lời bạn đọc…
Nguyễn Ái Quốc là cây bút chủ lực từ tháng 6/1925 đến tháng 4/1927 khi Người phải bí mật rời Quảng Châu do cuộc phản biến của Tưởng Giới Thạch. Người là linh hồn của tờ báo, với sự trợ giúp của những người em, học trò như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong… cho đến Lý Tự Trọng khi đó mới 16 tuổi. Trên báo người ta thấy nhiều bút danh khác nhau của Nguyễn Ái Quốc: Hạ Sĩ, Đội trưởng, Hương Mộng, HT, HL…
Báo Thanh niên in xong, được chuyển đến Hồng Kông (Trung Quốc), Thượng Hải để từ đó chuyển về nước bằng hệ thống giao liên bí mật trên các tuyến tàu thủy. Công việc chuyển báo do các thủy thủ người Việt yêu nước đảm nhận. Nhờ có hệ thống giao liên hoạt động tốt, hình thức báo lại nhỏ gọn, báo Thanh niên đã đến được cả ba miền ở Việt Nam, thậm chí sang cả Camphuchia và Lào…
Điều đáng chú ý là một số người không phải là hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cũng tìm đọc báo Thanh niên. Mật thám Pháp ở Đông Dương theo dõi báo Thanh niên rất chặt chẽ. Tuy cố gắng ngăn chặn, bắt và tiêu hủy được một số tờ báo nhưng mật thám Pháp cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn báo Thanh niên đến với phong trào cách mạng.
Thanh niên là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chỉ đạo xuất bản được 88 số báo Thanh niên đầu tiên. Sau khi Người buộc phải rời Quảng Châu (4/1927), báo Thanh niên còn tiếp tục được xuất bản thêm trong một thời gian dài (có thể đến năm 1929).
Trong số những tờ báo cách mạng Việt Nam, báoThanh niên ra đời sớm nhất, xuất bản được nhiều số nhất, khoảng 200 số, kể cả so với các báo công khai khác của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936 - 1939): Dân chúng ra được 80 số, báo Lao động ra được 30 số, báoTiền phong chỉ ra được 8 số…v.v.
Khi tờ Thanh Niên mới xuất bản được khoảng 70 số, Chánh mật thám Đông Dương L.Marty - người đã theo dõi sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu từ cuối năm 1924, trong một báo cáo gửi Bộ Thuộc địa Pháp đã có nhận xét rằng: Người chủ tờ báo này tỏ ra hết sức khôn ngoan, suốt 60 số đầu, không hề để lộ tính cách Mácxít của tờ báo mình, chỉ nói chuyện yêu nước, dân tộc và lòng căm thù chế độ thuộc địa của chúng ta, để rồi từ số 61 (ngày 18/12/1926), ông ta dẫn bạn đọc đến kết luận: muốn giành được độc lập, không có con đường nào khác là theo Lê-nin và Quốc tế III, lập Đảng Cộng sản…
Cũng Chánh mật thám Đông Dương này viết: "Đọc qua 88 số báo này (từ tháng 6/1925 đến tháng 4/1927) do người lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tự tay soạn thảo bài vở và sửa chữa, ta thấy rõ ràng kỹ thuật mà ông ta dùng. Người viết báo đã cố gắng dùng những danh từ Hán Việt quen thuộc… giúp người đọc dần dần hiểu lý thuyết cộng sản. Nguyễn Ái Quốc - người chủ biên báo Thanh niên đã tỏ ra rất kiên nhẫn..."
Báo Thanh niên đã hoàn thành sứ mệnh góp phần chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và sau đó là các đoàn thể cách mạng trong Mặt trận Dân tộc thống nhất ở Việt Nam.
Sáng lập Báo Việt Nam độc lập - Tờ báo của Mặt trận Việt Minh thôi thúc khởi nghĩa giành chính quyền
Năm 1940, tình hình chính trị quốc tế và Đông Dương chuyển biến rất nhanh chóng. Chiến tranh thế giới ngày càng lan rộng. Ở châu Âu, tháng 6/1940, Đức đã chiếm được Paris. Ở châu Á-Thái Bình Dương, Nhật ngày càng mở rộng chiến tranh và tháng 9/1940 đã tràn vào Đông Dương. Những cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam kỳ, Đô Luơng bùng nổ “như những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc”.
Với sự nhạy cảm chính trị và bề dày kinh nghiệm hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc tìm đường trở lại Việt Nam.
Ngày 28/1/1941, Người về Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì họp từ ngày 10 đến 19/5/1941 đã đưa ra nhiều quyết sách chiến lược quan trọng với cách mạng Việt Nam: Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; Công tác chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và của nhân dân trong giai đoạn mới. Hội nghị Trung ương 8 đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh.
Báo "Việt Nam độc lập" - Cơ quan tuyên truyền của Việt Minh tỉnh Cao Bằng. |
Sau Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Báo Việt Nam độc lập làm vũ khí tuyên truyền cho đông đảo đồng bào vùng căn cứ địa cách mạng.
Từ ngày 1/8/1941, khi ra mắt số đầu tiên (số 101), báo Việt Nam độc lập là “Cơ quan tuyên truyền của Việt Minh tỉnh Cao Bằng”. Những năm sau đó, khu căn cứ địa mở rộng, Việt Nam độc lập trở thành “Cơ quan của Liên tỉnh hội Việt Minh Cao Bằng-Bắc Kạn” (từ số 229 đến số 286), rồi trở thành tờ báo của Việt Minh ba tỉnh Cao-Bắc-Lạng (từ số 287 đến số 325). Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, báo còn tiếp tục xuất bản một thời gian nữa.
Hiện nay đã sưu tập được khá đầy đủ về báo Việt Nam độc lập - hơn 200 số tính đến năm 1945. Với báo Việt Nam độc lập, Nguyễn Ái Quốc đã chuyển từ phong cách làm báo lý luận (tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, nhận thức về chế độ thực dân và phương pháp cách mạng) có tính chuyên nghiệp của báo Thanh niên sang một phong cách hết sức giản dị với quần chúng, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời cũng mở ra loại hình “báo của các tổ chức quần chúng” (chủ yếu là Mặt trận Việt Minh, Công hội, phụ nữ,…) bên cạnh hệ thống báo chí cách mạng của các tổ chức Đảng.
Báo Việt Nam độc lập nêu rõ mục đích là “cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho “Việt Nam độc lập”, bình đẳng, tự do”. Đây là tờ báo cách mạng phát hành bí mật lâu nhất, số lượng phát hành lớn nhất.
Các trang báo Việt Nam độc lập phản ánh đậm nét nhiều mặt phong trào cách mạng ở vùng căn cứ địa Việt Bắc trong giai đoạn từ cuối năm 1941 đến năm 1945. Mặc dù báo chỉ in trên khổ giấy nhỏ 20cm x 30 cm, mỗi tháng ra 3 kỳ, mỗi kỳ 2 trang, nội dung của Việt Nam độc lập khá phong phú, toàn diện.
Báo kêu gọi toàn dân đoàn kết, kêu gọi, cổ động mọi tầng lớp nhân dân từ phụ lão, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi đến binh sĩ, hào lý, trí thức... tham gia Việt Minh. Báo tố cáo tội ác của phát-xít Nhật, thực dân Pháp đàn áp bóc lột dân ta. Báo hướng dẫn đồng bào giữ bí mật, tham gia luyện tập quân sự, bảo vệ cơ quan, chống khủng bố, phòng địch càn phá.
Qua các mục “Tin trong nước”, “Tin thế giới”, nhân dân có được tầm nhìn rộng rãi, ý thức chính trị được nâng cao. Người đọc có thể thấy rõ những chủ trương đường lối của Đảng được trình bày rất ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, hợp với trình độ nhận thức của đồng bào các dân tộc. Trước những biến động nhanh chóng của tình hình như Nhật đảo chính Pháp, Đức bại trận, Nhật bại trận..., báo đều kịp thời đưa tin, bình luận và nêu rõ những đối sách của ta.
Trong hơn 4 năm, Báo Việt Nam độc lập là một công cụ hiệu quả để nâng cao dần trình độ giác ngộ cách mạng của quần chúng; hướng dẫn, huấn luyện quần chúng tham gia công tác cách mạng ngày càng tích cực hơn. Không những thế, báo còn tích cực cổ động, xây dựng đời sống mới của nhân dân những vùng tự do, biểu dương những gương người tốt việc tốt, cảm ơn những cá nhân và đoàn thể đã ủng hộ báo...
Đặc biệt trên các số 219, 220 ra ngày 10/6/1945 và ngày 20/6/1945, báo đã đăng bài “Một cái tệ phải bỏ!” và bài “Chống cái tệ quan cách mạng”. Những căn bệnh quan liêu, tham ô, tham nhũng, coi thường dân đã được Hồ Chí Minh và Đảng phát hiện, đấu tranh từ khi nó chưa kịp có điều kiện lây lan trên diện rộng.
Hồ Chí Minh là người sáng lập, đồng thời là người trực tiếp chỉ đạo báo Việt Nam độc lập. Người vừa là “Tổng biên tập” vừa là người viết nhiều bài nhất cho báo, nhiều khi kiêm cả hoạ sĩ vẽ tranh tuyên truyền và minh hoạ trên báo, có lúc tham gia cả vào việc in báo... Có thể coi Hồ Chí Minh là “linh hồn” của Báo Việt Nam độc lập từ khi báo ra đời (tháng 8/1941) đến tháng 8/1942 - khi Người đi Trung Quốc và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ trong 14 tháng sau đó. Thời gian này, đồng chí Phạm Văn Đồng thay Hồ Chí Minh phụ trách tờ báo cho đến tháng 4/1945.
Đến nay vẫn chưa xác minh được chính xác Hồ Chí Minh đã có bao nhiêu bài viết cho Việt Nam độc lập trong khoảng 170 số báo. Trong bộ Hồ Chí Minh Toàn tập (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011) mới chỉ in khoảng 20 bài, phần lớn là những bài không có bút danh, trừ các bút danh “Xung phong”, “Hy sinh”. Dưới những bài này phần lớn không ký tên hoặc ký “Bác Vọng”; BV hoặc lấy một tên người, tên tổ chức có liên quan đến nội dung bài viết (thí dụ bài viết về vấn đề phụ nữ lấy bút danh Phụ nữ hoặc ký Việt Nam độc lập; VNĐL; “Ban tỉnh”...). Số bài báo này ban đầu ước lượng khoảng 50 bài.
Gần đây qua khai thác và khảo sát trên tờ Việt Nam độc lập có nhiều bài xã luận; bài viết có tính chỉ thị, chỉ đạo, phổ biến chủ trương đường lối với vị trí của người lãnh đạo cao nhất, với cách viết giản dị, hóm hỉnh, sâu sắc, gợi ý, nêu vấn đề mà không áp đặt... Những bài này mang những nét văn phong đặc sắc khiến các nhà nghiên cứu tin rằng những bài đó do Hồ Chí Minh viết.
Xây dựng tổ chức và đội ngũ những người làm báo cách mạng
Trong giai đoạn giai đoạn 1945-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục sử dụng báo chí như một vũ khí cách mạng hữu hiệu phục vụ cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc (1945-1954), phục vụ sự nghiệp xây dựng chế độ mới, phục vụ cuộc đấu tranh chống xâm lược và thống nhất đất nước của quân dân hai miền nam-bắc sau Hiệp định Genève 1954. Trên cương vị Chủ tịch nước, Người quan tâm chăm lo cho báo chí cách mạng cả về tổ chức và con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (5/1968). Ảnh: TTXVN. |
Ngay sau ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn đại biểu báo giới (chủ yếu đại biểu báo Tri Tân), Người thể hiện lòng mong mỏi “báo chí phải góp vào gương mặt văn hóa của nước Việt Nam mới”. Văn bản sớm nhất về báo chí xuất bản, do Hồ Chí Minh trực tiếp ký với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 18/9/1945, được coi là nền móng cho việc xây dựng luật báo chí của nước Việt Nam mới.
Báo chí là trận địa đấu tranh nóng bỏng. Trên mặt trận đó, quyền lực Nhà nước trong lĩnh vực quản lý báo chí, bảo đảm cho quyền tự do báo chí chính đáng, chống lại những âm mưu lợi dụng báo chí của các thế lực phản động chống phá, được thể hiện ở việc ban hành và thực thi Luật Báo chí.
Luật Báo chí tạo môi trường pháp lý cho các tờ báo, các nhà báo hoạt động, giữ trật tự xã hội trong lĩnh vực hoạt động báo chí. Trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký hai văn bản pháp lý quan trọng về chế độ báo chí: Sắc lệnh số 41 (29/3/1946) và Sắc lệnh số 282/SL (14/2/1956). Ra đời trong những giai đọan lịch sử khác nhau nhưng cả hai sắc lệnh đều nhằm một mục đích bảo đảm quyền tự do ngôn luận và ngăn cấm những kẻ lợi dụng quyền đó để phá hoại sự thống nhất lực lượng dân tộc, phá hoại sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh của đất nước.
Sắc lệnh 282 ghi rõ: “Sắc lệnh này nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí và ngăn cấm những kẻ lợi dụng quyền ấy để làm phương hại đến công cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nhà nước” (Điều 1). Điều này nhất quán trong tất cả các văn bản pháp luật về báo chí đến nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo để báo chí cách mạng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Người nhắc tất cả những người tham gia vào quá trình cho tờ báo ra đời và đến được tay người đọc: phóng viên (Người hay dùng chữ cán bộ viết báo), người sửa bài, nguời in báo, người phát hành… tất cả mọi người, tất cả các khâu phải hoạt động nhịp nhàng và ăn khớp làm cho các tờ báo được xuất bản đúng kỳ và đến tay người đọc. Người cũng nhắc nhở Hội Nhà báo là tổ chức chính trị và nghiệp vụ của những người làm báo, có nhiệm vụ giúp các hội viên đoàn kết, giúp đỡ nhau, nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ để phục vụ nhân dân và cách mạng tốt hơn.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng
Từ rất sớm trên con đường cách mạng của mình, Nguyễn Ái Quốc đã đấu tranh để giành quyền tự do ngôn luận - một trong những quyền cơ bản thiêng liêng của con người - về cho số đông quần chúng, rồi sau đó hướng dẫn và cùng với nhân dân dùng quyền đó để xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn, nhân văn và phát triển. Điều thứ ba trong 8 điều Yêu sách của nhân dân An Nam, Nguyễn Ái Quốc đòi cho nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân các dân tộc bị áp bức nói chung quyền được “Tự do báo chí và ngôn luận”.
Báo chí cách mạng bí mật, bất hợp pháp khi nhân dân chưa giành được chính quyền, luôn đấu tranh với báo chí thực dân để chống lại cách quản lý xã hội kiểu thực dân và đề xuất một cách quản lý xã hội mới. Tổng Bí thư Trường Chinh - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nói rõ ý nghĩa việc cầm bút của những người cách mạng: Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nửa thế kỷ hoạt động báo chí với khoảng 2.000 bài viết. |
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh thêm, báo chí - đã là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng, chấn hưng đất nước.
Về xu hướng chính trị của nền báo chí cách mạng Việt Nam, trong kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ: Nhiệm vụ, mục đích chung của các tờ báo là tuyên truyền cổ động, huấn luyện, tổ chức nhân dân đoàn kết, thi đua ái quốc để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.
Với các cán bộ cách mạng nói chung và những cán bộ viết báo nói riêng, Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh quan điểm: Được phục vụ nhân dân là một vinh dự rất vẻ vang. Người khẳng định: “Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.
Tại Đại hội lần thứ 2 Hội nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.
Nhà báo cần nêu cao trách nhiệm xã hội của mình trong hoạt động tác nghiệp: Đề cao cái tốt, cái tích cực, phát hiện và đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực. Nhà báo phải gần gũi với quần chúng, học hỏi nhân dân để tiến bộ, phải phản ánh trung thực hiện thực xã hội và luôn phải tâm niệm lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người công bộc của dân: Những gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, những gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
Muốn như vậy nhà báo luôn cần phải có cái tài để phát hiện và chuyển tải vấn đề, nhưng quan trọng hơn là phải có cái tâm trong sáng, phải có bản lĩnh để giữ cho ngòi bút không bị bẻ cong trước những cám dỗ. Bên cạnh đó cần sâu sát thực tiễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu yêu cầu rất cao việc bám sát để phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống của nhà báo vì theo Người: “cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”.
Nhà báo Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực để minh họa khi nói đến vai trò của báo chí trong việc phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội.
Trên mặt báo, đặc biệt là báo Nhân Dân, với bút danh CB, Người thường xuyên có nhiều bài viết về những gương người tốt, việc tốt, những cách làm tốt trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới của nhân dân. Người cũng chỉ rõ những điều chưa tốt cần chấn chỉnh trong hoạt động của các cấp, các ngành, các địa phương. Nhiều vấn đề được Người viết đi viết lại nhiều lần: giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống lụt bão, tết trồng cây, những việc đáng khen và đáng chê trong khi thực hiện nếp sống mới, cần kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh thống nhất đất nước…
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.
Tiếp bước sau Người, những học trò của Hồ Chí Minh đều là những nhà báo cách mạng xuất sắc: Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Linh... v.v.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh những yêu cầu, những tiêu chí mỗi người làm báo cách mạng Việt Nam cần tâm niệm và thực hiện. Tìm trong di sản Tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta có thể thấy những luận điểm của Người về đạo đức, phẩm chất, nhân cách người làm báo cách mạng Việt Nam như những hạt ngọc sáng cần trân trọng và là điểm nhìn để phấn đấu thực hiện trong từng công việc cụ thể cũng như trong cả cuộc đời làm báo. Nhà báo lớn Hồ Chí Minh cũng để lại tấm gương sáng đạo đức, tài năng và nhân cách mà hôm nay vẫn cần được mỗi cán bộ viết báo học tập hàng ngày.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng chữ cán bộ viết báo, người làm báo thay cho chữ phóng viên. Nền báo chí cách mạng Việt Nam là vũ khí sắc bén của cách mạng, trước hết cần có những cán bộ cách mạng làm báo với những phẩm chất của một “người cách mệnh” trung thành với lý tưởng, tận tụy với công việc.
Từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã nêu những điều cốt yếu về Tư cách một người cách mệnh. Dù cách dùng từ ngữ ngày nay so với ngôn ngữ cách đây gần 90 năm đã có vài đổi khác song tất cả những điều này đến nay vẫn không hề “cũ”. Mỗi cán bộ, đảng viên đều có thể tự chiêm nghiệm và vận dụng cho mình. Cán bộ, đảng viên làm báo cũng vậy.
Sau này Người còn viết nhiều, nói nhiều về đạo đức cách mạng, đạo đức của người cán bộ cách mạng, về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân... v.v. Những nét phẩm chất đạo đức, nhân cách của người làm báo cũng nằm trong những điều chung đó và hơn thế nữa, đạo đức, nhân cách của những cán bộ viết báo còn có thêm những yêu cầu của đạo đức công vụ-nghề nghiệp đặc thù.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo Nhân Dân
Từ bài Phong trào mua công trái đăng trên số báo Nhân Dân đầu tiên ra ngày 11/3/1951, với bút danh C.B và hơn 30 bút danh khác, tiêu biểu như: V.K, A.G, T.L,L.T, K.C, Thu Giang, Ph.k.A, K.U, C.K, Trần Lực, Tuyết Lan, Trần Lam, Luật sư Th.Lam, Lê Thanh Long, CH…KCPP, Chiến sĩ, Thanh Lan, Nguyễn Kim, Lê Nông, La Lập, Nói thật, Chiến đấu, Việt Hồng... (trong đó bút danh C.B được dùng nhiều nhất - hơn 700 bài), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 1.000 bài viết trên báo Nhân Dân trong số khoảng 2.000 bài báo (cho đến nay sưu tầm được) trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người.
Bài viết "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" của Bác đăng trên Báo Nhân Dân, số 5409, ngày 3/2/1969. |
Với lối viết ngắn gọn và đại chúng, sinh động và sâu sắc, hiện đại và giản dị, tư duy biện chứng hòa quyện nhuần nhuyễn với bản sắc văn hóa Việt Nam, những bài báo của Người không chỉ thu hút sự quan tâm của bạn đọc qua các thời kỳ, có tính tôn chỉ, định hướng của tờ báo mà còn giúp báo Nhân Dân trở thành tờ báo thể hiện hệ thống những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, hành động của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở mọi thời kỳ cách mạng. Những bài viết của Người với văn phong giản dị, song lại có tác động trực tiếp đến hoạt động và lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phản ánh đúng thực tiễn đời sống chiến đấu, lao động hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ nhân dân ta.
Chủ đề các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Nhân Dân rất rộng và phong phú. Qua các bài viết của Người, người đọc có thể nắm bắt những vấn đề lớn như: về đường lối cách mạng Việt Nam, về xây dựng Đảng, về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, về tình hình trong nước và quốc tế, về những thành tựu của “phe” xã hội chủ nghĩa và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cho tới những điều cụ thể, chi tiết trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như: Giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống lụt bão, tết trồng cây, những gương người tốt, việc tốt, những cách làm tốt, những việc đáng khen và cả những việc đáng chê trong thực hiện nếp sống mới, trong thực hành cần kiệm…
Trước những thời điểm mang tính bước ngoặt lịch sử, báo Nhân Dân lại được đăng những bài viết quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm của Đảng với những vấn đề mới và trọng đại của đất nước.
Với tầm nhìn chiến lược, những bài viết của Người trực diện vạch trần tội ác, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và bọn tay sai đồng thời phân tích một cách biện chứng về thế thua tất yếu của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên chiến trường ba nước Đông Dương.
Theo chiều ngược lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng báo Nhân Dân như một kênh quan trọng để nắm bắt và phản hồi với các thông tin đến từ thực tiễn. Với bút danh CHIẾN SĨ, trong mục Đáng khen và Đáng chê, Người thường đưa ra nhận xét rút ra từ những sự việc ở các địa phương. Với những gương người tốt, việc tốt được nêu trên báo, Người ghi nhớ lại để thưởng huy hiệu. Người sử dụng bài đã đăng trên báo để cổ động cho những người tốt, việc tốt.
Trong mục “Chuyện lớn chuyện nhỏ” ở Báo Nhân Dân số ra ngày 5/3/1962, có bài “Nhờ báo cấp báo”, nói về đoạn đường gần ga Cao Xá thuộc tỉnh Hải Dương, tổ chức trồng dừa nhưng không chăm sóc, để cây bị khô héo. Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi ở dưới bài “Kính gửi Tỉnh ủy Hải Dương” và chỉ thị cho Văn phòng chuyển ý kiến đến Tỉnh ủy Hải Dương để sửa chữa tình trạng này. Báo Nhân Dân số ra ngày 10/1/1967 đăng danh sách 111 anh hùng được Nhà nước tuyên dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút màu gạch dưới tên những anh hùng dưới 30 tuổi. Ngày 18/1/1967, nói chuyện với Đại hội thi đua các đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, Người đư ra mấy con số cụ thể dựa trên danh sách đã đăng báo: “trong 111 anh hùng có 44 thanh niên, trong số này có 12 thanh niên gái”. Lời Bác động viên thanh niên xung phong học tập các anh hùng và thi đua với anh hùng, lập nhiều chiến công mới... v.v.. |
Nói về vai trò của báo Nhân Dân và ý nghĩa của việc đọc báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bài viết riêng: Cần phải xem báo Đảng (ngày 24/6/1954). “Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta”.
Người phê bình một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức được một việc bình thường, có thể dễ dàng làm hằng ngày nhưng quan trọng là phải đọc báo Đảng. Người còn viết: “Hồ Chủ tịch và nhiều đồng chí Trung ương cũng bận việc không kém các cán bộ khác, nhưng ngày nào cũng xem được sách và nhiều thứ báo”.
Cần phải xem báo Đảng
Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất. Trong báo Đảng có những mục giải thích về: Lý luận Mác-Lênin; Tình hình thế giới và trong nước; Đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và của Chính phủ; Chương trình và kế hoạch của những công tác cấp thiết; Đời sống và ý nguyện của nhân dân; Những kinh nghiệm tốt và xấu của các ngành, các địa phương; Cách học tập, công tác, tự phê bình và phê bình, v.v..
Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta.
Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc.
Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán, cần phải xem báo Đảng.
Có những đồng chí mượn cớ quá bận việc, hoặc cớ này cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to, cần phải sửa chữa ngay. Vô luận công việc bận đến thế nào, nếu khéo sắp xếp thì nhất định có thời giờ xem báo. Hồ Chủ tịch và nhiều đồng chí Trung ương cũng bận việc không kém các cán bộ khác, nhưng ngày nào cũng xem được sách và nhiều thứ báo. Đó là một điều chúng ta phải học tập.
Hai vấn đề nữa: 1) Số báo ta có hạn mà người cần xem báo thì nhiều; 2) Nhiều người không sẵn tiền mua báo. Để giải quyết hai khó khăn ấy, các chi bộ, cơ quan, đơn vị, nhà máy, v.v. nên tổ chức góp nhau mua báo, cùng nhau đọc báo. Khi xem báo thấy những vấn đề quan trọng, thì nên cùng nhau thảo luận. Gặp vấn đề gì khó hiểu, thì nên viết thư hỏi nhà báo.
C.B.
Hằng ngày, báo Nhân Dân được đưa tới Người sớm nhất. Người đọc ngay sau khi bắt đầu làm việc buổi sáng - xem trước trang 1 và trang 4, sau đó xem trang 2 và trang 3.
Người có thói quen dùng bút chì màu đánh dấu vào những bài, những đoạn đáng chú ý, cần đọc lại. Người cũng thường có những nhận xét, góp ý về tranh, ảnh, bài viết đăng trên báo Nhân Dân. Những từ ngữ chưa chuẩn xác được Người đánh dấu để góp ý sửa chữa.
Báo Nhân Dân số 5526, ngày 1/6/1969 với bài viết của Bác dành cho sự nghiệp chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. |
Không chỉ nêu gương về tác phong đọc, ghi chép, “cập nhật thông tin” theo ngôn ngữ hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại nhiều cách làm sáng tạo với nghề báo, với những người làm báo cách mạng Việt Nam. Người còn nói thêm với những người viết báo Nhân Dân (đại ý): Bài viết cho báo Nhân Dân phải ngắn gọn để người đọc đỡ tốn thời gian. Khi nào báo đăng văn kiện của Đảng và Nhà nước thì ra thêm phụ trương khổ nhỏ cho cán bộ, đảng viên dễ lưu giữ và tiện tra cứu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu Báo Nhân Dân mỗi tháng hai lần tổng hợp tình hình trong nước và quốc tế để gửi lên cho Người.
Sáng ngày 18/1/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm báo Nhân Dân. Người ân cần thăm hỏi sức khỏe và tình hình công việc của cán bộ, công nhân, nhân viên tòa soạn báo. Người yêu cầu:
Bài báo cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo Nhân Dân, cũng là bài báo cuối cùng trong sự nghiệp viết báo của Người, là bài Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng (đăng báo Nhân Dân số 5526, ngày 1/6/1969). Trước khi đi xa, Người để lại vô vàn tình thương yêu cho các cháu và xác định trách nhiệm cho mọi người, mọi ngành chăm sóc, giáo dục thế hệ cách mạng cho đời sau.
Báo Nhân Dân được vinh dự đăng tải bài báo cuối cùng mang tâm nguyện đó của Người.
Những người làm báo, những người đọc báo, những người có liên quan đến báo chí, quan tâm đến báo chí Việt Nam đều nhớ đến một con người, một cái tên: Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người là nhà báo cống hiến cho cách mạng Việt Nam nhiều nhất, là người thầy của nhiều thế hệ nhà báo Việt Nam. Chúng ta vẫn có thể học được nhiều điều từ những bài nói, bài viết của Người, trên từng trang báo.
Nguồn: nhandan.vn