Sáng 31/5, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Thảo luận về dự thảo Luật, Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, trường hợp chịu tác động để sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật lần này.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng các ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bên lề Kỳ họp thứ ba. Ảnh: CHÂU VŨ |
Liên quan đến đề xuất không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Văn Thi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không những bảo đảm quyền của chủ sở hữu mà còn kịp thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm trật tự quản lý hành chính.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì thảo luận Tổ 14 chiều 31/5. Ảnh: CHÂU VŨ |
Về quy định thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ, việc bổ sung quy định như dự thảo Luật là rất cần thiết, vừa bảo đảm giữ gìn tính tôn nghiêm, sự thiêng liêng của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam, vừa đáp ứng được nhu cầu phổ biến và hưởng thụ của nhân dân, yêu cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: CHÂU VŨ |
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhất trí với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hạn chế quyền bảo hộ giống cây trồng. Đại biểu cho rằng, quy định giới hạn nông dân giữ giống cây trồng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do tình trạng thiếu đất canh tác, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thu nhập còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn.
Chiều 31/5, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì thảo luận Tổ 14 (gồm các đoàn Gia Lai, Thái Nguyên và Bà Rịa-Vũng Tàu) về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, dự thảo luật lần này vừa mang tính răn đe với các quy định xử lý hành vi vi phạm cụ thể, vừa mang tính giáo dục, phòng ngừa là chính. Qua đó, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, đóng góp cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu trong xây dựng gia đình Việt Nam thời gian tới.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cũng đề nghị tại Điều 16 bổ sung thêm các điều khoản về hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền thông qua tài liệu, ấn phẩm, cổ động trực quan, sản phẩm truyền thông; thông qua hình thức nêu gương người tốt việc tốt; phê phán hành vi bạo lực gia đình. Tại Khoản 3, Điều 18 việc hướng dẫn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực gia đình chỉ quy định đến cấp xã, đề nghị bổ sung: Giao cho cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình cấp tỉnh, huyện thực hiện nhiệm vụ này sẽ phù hợp hơn. Bởi, những người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp xã thường chưa có đủ kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn.
Thảo luận về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị thêm cụm từ “quốc phòng” vào trước cụm từ “an ninh” trong nội dung “mọi hành vi lợi dụng dân chủ xâm phạm đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội đều bị nghiêm cấm” tại Khoản 3, Điều 7 sẽ đầy đủ ý hơn. Bởi, củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Tại Điều 9 quy định 14 nội dung chính quyền cấp xã phải công khai, đại biểu cho rằng 14 nội dung này đều thuộc lĩnh vực kinh tế. Do đó, đề nghị bổ sung thêm các nội dung công khai về văn hóa, xã hội, an ninh và trật tự xã hội. Đây là những lĩnh vực cần dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng.
|
Còn đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đề nghị, cần làm rõ hơn trong luật các quy định và biện pháp bảo hộ các nguồn gen, quy trình sản xuất, nguồn vật liệu tạo ra từ kiến thức bản địa của người dân; làm rõ lợi nhuận được chia sẻ thế nào cho cộng đồng bản địa đó. Đồng thời, cần đẩy mạnh bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm địa phương, trong đó chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù địa phương, hình thành nhiều sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) có thương hiệu cao, tiềm năng xuất khẩu lớn, góp phần quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 18 ý kiến phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo ý kiến các đại biểu, hoàn thành dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
NGỌC NGUYỄN