Làm cán bộ thì phải học

Thứ Năm, 14/04/2022, 18:03 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là yêu cầu của ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng cấp ủy tỉnh năm 2022. Lớp do Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II tổ chức sáng 14/4.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai giảng Lớp bồi dưỡng.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai giảng Lớp bồi dưỡng.

Tham dự có Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cùng 180 học viên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và tương đương.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý

Phát biểu khai giảng Lớp bồi dưỡng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh thông tin, để đáp ứng mục đích, yêu cầu của chương trình bồi dưỡng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phối hợp cùng Học viện Chính trị khu vực II chỉ đạo xây dựng nội dung khóa học với mục tiêu, yêu cầu, định hướng của chiến lược cán bộ, gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ. Đặc biệt, coi trọng việc nâng cao toàn diện cả về nhận thức lý luận chính trị và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và tác phong, phương pháp công tác, lề lối làm việc; gắn việc học tập kiến thức lý luận cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng với kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn.

Các học viên của lớp bồi dưỡng là những người nắm giữ vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị tỉnh. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu từng học viên cần thể hiện tinh thần làm gương để cho cán bộ, đảng viên, CCVC noi theo; bố trí giải quyết công việc nội bộ ngoài giờ học; dành trọn thời gian tập trung vào nội dung của chương trình; liên hệ giữa lý thuyết với giải quyết các vấn đề để thực tiễn phát sinh mới trong thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tại lớp để phục vụ cho công tác mà từng người đang đảm nhận và cho vị trí sau này.

“Người có học chưa chắc làm cán bộ. Những đã làm cán bộ thì phải học. Như Chủ tịch Hồ chí Minh đã căn dặn: Học để “làm việc, làm người, làm cán bộ” tức là học để trau dồi lập trường và kiến thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, chứ không phải để ghi danh, chỉ để có tên “danh hiệu” là đủ điều kiện tiêu chuẩn cho chức danh hiện tại và quy hoạch trong thời gian tới”, ông Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.

Trao đổi, tranh luận vấn đề quan tâm

Lớp bồi dưỡng diễn ra từ ngày 14-22/4 với một số chuyên đề như: Khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận trước yêu cầu mới; Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và kiểm soát quyền lực lãnh đạo trong điều kiện một đảng cầm quyền; Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tỉnh hình mới; Những biến động thế giới, dự báo và ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và Việt Nam; Kinh tế Việt Nam trước và sau dịch COVID-19; Đánh giá kết quả, giải pháp hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025...

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, hệ thống tri thức được các báo cáo viên, giảng viên trình bày trong lớp bồi dưỡng là những vấn đề gợi mở, mang tính định hướng để các học viên kết hợp với trải nghiệm thực tiễn, làm sâu sắc cũng như phát triển lý luận của Đảng. Qua đó, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Đó là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ cuộc sống đổi mới và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

“Từng học viên cần tranh thủ nghiên cứu tài liệu và kết hợp trao đổi, thậm chí tranh luận với báo cáo viên các vấn đề cần làm sáng tỏ, quan tâm”, PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh đề nghị.

PHÚC LƯU - PHÚ XUÂN

;
.