.
KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4)

Hồi ức chiến tranh của những người lính

Cập nhật: 19:14, 26/04/2022 (GMT+7)

Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng đối với những người lính từng tham gia chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, ký ức thời chiến vẫn còn sống mãi. Ký ức hào hùng như một lời nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và trân trọng những giá trị của nền hòa bình, độc lập.

CCB Phạm Thị Thanh (thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành) luôn nâng niu, trân trọng những phần thưởng mà Đảng, Nhà nước dành tặng cho quá trình tham gia kháng chiến.
CCB Phạm Thị Thanh (thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành) luôn nâng niu, trân trọng những phần thưởng mà Đảng, Nhà nước dành tặng cho quá trình tham gia kháng chiến.

Thà hy sinh chứ kiên quyết không đầu hàng

Là một trong số những người được chứng kiến giờ phút tỉnh nhà giải phóng, hai miền Bắc- Nam thống nhất, CCB Phạm Thị Thanh (SN 1954, thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) kể lại: Bà sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, có 2 anh, em ruột đều là liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tuổi giờ đã cao, nhưng mỗi lần nhắc lại những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của bà đều ánh lên niềm tự hào. Trong chiến tranh, bà được giao nhiệm vụ làm công tác giao liên, đưa những chỉ thị hỏa tốc, tài liệu mật đến đúng giờ, đúng địa chỉ, phục vụ kịp thời cho bộ đội. Nhiệm vụ này là một phần rất quan trọng của chiến trường.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Thế nhưng, chính quyền Sài Gòn ra sức gây hấn, phá hoại. Tại địa bàn Châu Đức, địch bố trí các tiểu đoàn bảo an 371 và 372 đóng tại Tiểu khu Phước Tuy và Chi khu Đức Thạnh. Sau hiệp định được ký kết, địch tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm và ra tay tàn độc, dùng những thủ đoạn chiến tranh như: bao vây phong tỏa, khủng bố toàn diện, tàn phá kinh tế hòng tiêu diệt bộ đội ta. Nắm được âm mưu thủ đoạn của địch, Huyện ủy Châu Đức đã nhanh chóng triển khai học tập tài liệu, phân công các đồng chí trong Huyện ủy về bám trụ, chỉ đạo các xã, chống địch lấn chiếm, quyết tâm giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.

Trong một lần đưa tài liệu, bị địch vây bắt, bà Thanh nhớ lại: “Lính Mỹ thả quân xuống, tôi bị mắc kẹt ở hang đá. 8 ngày 7 đêm ẩn mình trong hang, xung quanh toàn quân địch và tiếng loa vang vọng kêu tên ra đầu thú nhưng tôi thà hy sinh chứ kiên quyết không đầu hàng”. Uống ngụm trà, bà kể tiếp: “Địch cứ 1 giờ 30 phút đi tuần xuống, 4 giờ rưỡi lại lên, bọn chúng lục lọi, tìm kiếm dưới hang đá, dưới núi, bao vây khắp nơi. Trong hang đói và khát nhưng tôi vẫn kiên trì bám trụ. Đến ngày thứ 8, tôi canh bọn lính không xuống nữa thì cùng với 1 đồng đội ráng bò ra đường khác về Quân y. Tôi phải nằm điều trị 1 tháng ròng. Bình phục, tôi tiếp tục cùng các đồng đội chiến đấu”.

Ngày 28/1/1973, địch tập trung lực lượng quy mô lớn, mở chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” thực hiện âm mưu giành dân, đóng thêm 7 đồn bốt tại khu vực Ngãi Giao và đánh phá ác liệt, khủng bố nhân dân. Trước tình hình đó, Huyện ủy Châu Đức đã kịp thời chỉ đạo cán bộ, đảng viên và chiến sĩ, tích cực chủ động tiến công địch, khắc phục tư tưởng “hòa bình”, “ngán ngại gian khổ hy sinh”, kiên quyết bảo vệ vũng giải phóng.

18 giờ ngày 27/4/1975, Ủy ban Quân quản TX. Bà Rịa được thành lập. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh lầu nước (Nhà Tròn, TP. Bà Rịa) và khắp các đường phố trong tỉnh. Đất nước hòa bình, độc lập, bà Thanh trở thành Trưởng Trạm xá phụ nữ Suối Nghệ và tích cực tham gia hoạt động ở thôn ấp, trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Sáng mãi gương Bộ đội Cụ Hồ

Cũng sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại tỉnh Hà Tĩnh, CCB Trần Bá Thuyên (SN 1953), Bí thư Chi bộ thôn Quảng Thành 2, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Nghĩa Thành kể lại: Năm 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc,  ông lên đường nhập ngũ tại Đoàn 559, thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.

Tháng 3/1971, trước cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - Ngụy mang tên “Lam Sơn 719” nhằm cắt đứt nguồn chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam, quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Để đánh lại cuộc hành quân của địch, ta đã sử dụng Binh đoàn 70 (3 sư đoàn 308, 304 và 320); Sư đoàn 324; Sư đoàn 2; một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang B4, B5; Đoàn 559; 4 trung đoàn pháo binh; 4 trung đoàn cao xạ, 3 trung đoàn công binh, 3 tiểu đoàn tăng thiết giáp; tiểu đoàn Đặc công…

“Địch dùng hỏa lực yểm trợ là máy bay bay rợp trời rồi ào ạt đổ quân xuống. Dưới đất các đơn vị bộ binh và xe tăng, thiết giáp của ta nhanh chóng tiếp cận tiêu diệt quân địch khi chúng vừa chạm đất. Nhiều trực thăng trúng đạn, bốc cháy hoặc nổ tan xác, mảnh vỡ lả tả rơi xuống. Bộ đội ta hy sinh nhiều nhưng vẫn kiên cường chiến đấu. Khắp nơi dấy lên phong trào thi đua giết giặc lập công”, ông Thuyên nhớ lại. 

Người CCB này cũng nhớ như in những ngày cùng đồng đội vào sinh ra tử mà ông gọi là “Một thời đầy gian lao, chân bước trong chiến hào; nhìn đồng đội yêu sao, chia nhau từng giây sống”. Trong một lần hành quân, tiểu đội của ông thất lạc đơn vị. 7 ngày đêm sống giữa rừng Trường Sơn, ăn rau rừng, củ sắn và sự cưu mang của đồng bào dân tộc. Liên tục hành quân và quan sát để tránh rơi vào trận địa phục kích của quân địch, ông cùng đồng đội tới trạm giao liên, tìm về được đơn vị.

Sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, ông cùng đồng đội thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng hỗ trợ nước bạn Campuchia. Đến năm 1993, ông cùng gia đình vào Nam, chọn xã Nghĩa Thành làm quê hương thứ 2 để lập nghiệp. Bây giờ tuổi đã cao, sức yếu nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông luôn tâm niệm: còn sức khỏe còn cống hiến. Với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn, Phó Chủ tịch Hội CCB xã, ông cùng với hội viên CCB xã thường xuyên phối hợp với đoàn thanh niên và các trường học trên địa bàn tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu đúng, trân trọng truyền thống hào hùng của Đảng, dân tộc và Quân đội ta.

Tìm đến thôn Tân Giao, xã Láng Lớn (huyện Châu Đức), chúng tôi ghé thăm căn nhà nhỏ của gia đình CCB Phùng Qua (SN 1953). Ở tuổi 75, người CCB có dáng người nhỏ nhắn, gầy gò này hàng ngày vẫn cần cù, chăm sóc cho gần trăm gốc cây ăn trái và 20 con dê. Đây là nguồn kinh tế chính của gia đình ông.

Ông Qua kể: Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Bình Định, từ những năm 1966, ông đã cùng các anh chị tham gia Trung đoàn 3 Sao Vàng đánh giặc Mỹ xâm lược. Ông vẫn nhớ như in lần xin về phép về thăm nhà năm 1968. “Lần đó về chưa kịp vào nhà thì bị địch phát hiện, trước làn đạn nã như mưa của quân địch, đồng đội tôi gục xuống hy sinh. Tôi chỉ bị đạn bắn vào đùi, té vào bụi cây. Gom vội mớ lá khô, tôi vò nát nhét vào vết thương tạm cầm máu tiếp tục chạy nhưng vẫn bị địch bắt. Quân địch lục soát trong nhà và trên người không tìm được bằng chứng nên phải thả”.

Ông lặng người, hướng ánh nhìn về xa xăm tưởng nhớ về những người đồng đội đã hy sinh trong kháng chiến rồi bộc bạch: “Trong khoảng thời gian khó khăn trăm bề của chiến tranh, người lính luôn dũng cảm, lạc quan và giàu lòng nhân ái. Chúng tôi luôn giữ được phẩm chất, vượt qua tất cả những hoàn cảnh gian khó nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông cùng gia đình Nam tiến. Dù mang trên mình thương tật do chiến tranh để lại nhưng ông luôn sống tích cực, cống hiến hết mình cho đất nước. Hiện, ông là Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi ấp Tân Giao.

Theo ông Bùi Cửu Hải, Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Đức, trong chiến tranh, tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của những người lính được coi là kiệt tác chiến lược, mốc son ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. “Thế hệ chúng tôi ngày đó, ai ai cũng mong được góp sức mình vào công cuộc giải phóng đất nước, dù có phải hy sinh vẫn không sờn lòng. Thời bình, chúng tôi luôn gương mẫu, đi đầu, vượt mọi khó khăn để vươn lên, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo”, ông Hải khẳng định.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

* Trong bài có sử dụng tư liệu “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Đức (1930-2000)” và “Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Đức (1930-2015)”.

.
.
.