Giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước

Thứ Năm, 28/04/2022, 18:43 [GMT+7]
In bài này
.

Cho đến ngày 28/4/1975, tất cả các cánh quân của Quân giải phóng đã vây chặt quân địch tại Sài Gòn. Đúng 0 giờ, ngày 29/4/1975, các binh đoàn chủ lực Quân giải phóng tiến hành tổng công kích vào tuyến phòng thủ cuối cùng của địch.

Nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định ra mắt ngày 7/5/1975. Ảnh: TƯ LIỆU
Nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định ra mắt ngày 7/5/1975. Ảnh: TƯ LIỆU

Cánh quân phía Tây và Tây Nam của Quân giải phóng đánh chiếm các khu vực Hậu Nghĩa, phát triển vào Đức Hòa và đánh chiếm biệt khu thủ đô, khu trung tâm truyền tin Phú Lâm, căn cứ quân sự địch ở trường đua Phú Thọ các quận 6, 7, 8. Đồng thời, các đơn vị khác của cánh quân này đã đánh chiếm Tân An, Bến Lức và Thủ Thừa; liên đoàn biệt động quân số 6, cắt đứt đường số 4 ở nhiều đoạn, chia cắt đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn, cô lập Sài Gòn không cho địch rút về Cần Thơ lập căn cứ để kéo dài cuộc chiến.

Cánh quân Tây Bắc của Quân giải phóng tiến đánh quân địch trên trục đường số 1. Các đơn vị bộ binh và xe tăng Quân giải phóng đã lần lượt đánh chiếm tập đoàn phòng ngự của địch ở căn cứ Đồng Dù, Củ Chi. Đồng thời, 1 mũi của cánh quân này đã nhanh chóng thọc sâu vào đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng, phát triển theo hướng Hóc Môn, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.

Cánh quân phía bắc của quân giải phóng đã đánh chiếm căn cứ địch ở Phú Lợi, bao vây tiến công địch ở Thủ Dầu Một. Tiếp đó, quân giải phóng tiếp tục tiến công và làm chủ Lai Khê, Bến Cát. Đồng thời 1 đơn vị khác của cánh quân này sau khi tiêu diệt địch ở Tân Uyên, Lái Thiêu và thừa thắng đánh thẳng vào Sài Gòn, chiếm bộ tổng tham mưu ngụy.

Cánh quân phía Đông Bắc của quân giải phóng tấn công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Biên Hòa, tiêu diệt và làm tan rã sở chỉ huy quân đoàn 3 ngụy, Sư đoàn Bộ binh số 18, lực lượng lính thủy đánh bộ, lính nhảy dù, lính thiết giáp ngụy ở Long Bình, vượt cầu xa lộ Biên Hòa, phát triển đánh thẳng về Sài Gòn.

Cánh quân phía Đông của quân giải phóng đã đánh chiếm Nhơn Trạch, bến phà Cát Lái, khu kho hậu cần Thành Tuy Hạ, vuợt sông Đồng Nai đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, đánh chiếm Thủ Đức, rồi vượt cầu Sài Gòn tiến vào nội ô. Sau khi tiêu diệt cụm chốt cuối cùng của địch tại cầu Thị Nghè, Tiểu đoàn xe tăng 1 (Lữ đoàn 203) đã tiếp cận cổng Dinh Độc Lập qua ngả Thảo Cầm Viên. Xe tăng của ta đã húc đổ cánh cổng chính và tiến vào sân Dinh Độc Lập. Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận, lấy lá cờ trên xe của mình đem vào treo lên cột cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Ít phút sau, Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 và 2 đại đội bộ binh đã có mặt tại Dinh Độc Lập.

Toàn bộ nội các của chính quyền Việt Nam cộng hòa có mặt. Tại đây, ông Dương Văn Minh nói: "Chúng tôi chờ cách mạng đến để bàn giao chính quyền". Đại úy Phạm Xuân Thệ tuyên bố: "Các ông chẳng còn gì để bàn giao, các ông phải đầu hàng vô điều kiện". 11 giờ 45 phút, ngày 30/4/1975, Đại úy Phạm Xuân Thệ và các sĩ quan đã đưa ông Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng.

NGUYÊN CHƯƠNG

(Tổng hợp)

;
.