.
THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH

Tiếp tục rà soát tháo gỡ những nút thắt về thể chế

Cập nhật: 18:42, 16/02/2022 (GMT+7)

Ngày 16/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ban, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận, cho ý kiến về 3 dự án luật gồm Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Dầu khí (sửa đổi); đồng thời xem xét đối với đề nghị xây dựng 5 luật khác và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về thể chế. Thời gian qua, việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế đã được Chính phủ thúc đẩy tích cực theo thẩm quyền. Theo đó, đã có một luật đã được sửa đổi, bổ sung, song vẫn còn những vướng mắc về mặt thể chế.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, nhất là tháo gỡ những nút thắt về thể chế. “Đã quyết tâm rồi, quyết tâm cao hơn; đã thúc đẩy rồi, thúc đẩy mạnh hơn; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế đạt tiến độ, chất lượng cao hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành. Bộ Tư pháp hoàn thiện các quy trình, quy định, trình tự và đôn đốc các bộ, ngành xây dựng thể chế đảm bảo tiến độ, chất lượng. Bộ Tư pháp hoàn thiện chế độ chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, xứng tầm với nhiệm vụ là một trong những đột phá chiến lược.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự phiên họp tập trung nghiên cứu, phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, khuyến khích các ý kiến phản biện; những vấn đề gì còn khó, phức tạp, nhạy cảm thì tổ chức thêm các hội thảo, tranh thủ ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn...

Tại phiên họp các đại biểu đã nghe dự thảo tờ trình; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; báo cáo thẩm tra và thảo luận sôi nổi về việc đề nghị xây dựng các luật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến cụ thể đối với từng dự án luật; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo các luật để trình Quốc hội xem xét và có kết luận về phiên họp.

PHẠM TIẾP

.
.
.