Tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục

Thứ Ba, 22/02/2022, 17:43 [GMT+7]
In bài này
.

Sở GD-ĐT vừa có văn bản yêu cầu các phòng GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống, xử lý bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục.

Theo đó, các đơn vị cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thực hiện; hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại…

Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, GV, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em và kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại cho trẻ em. Cùng với đó là việc tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết; trang bị cho con biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng xấu.

Các cơ sở giáo dục cần xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV và học sinh tại các cơ sở giáo dục, trường học; kịp thời phát hiện các trường hợp HS có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc điều tra, xử lý. Đồng thời xây dựng chuyên mục, chuyên trang trên trang web của nhà trường để đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và bảo đảm quyền bí mật thông tin của trẻ em.

Song song với đó cần tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo và tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; can thiệp, hỗ trợ kịp thời các trường hợp khi trẻ bị bạo lực, xâm hại; tuyên truyền, quảng bá về các số điện thoại khẩn 111 của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em của Trung ương 18001567 để người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ và khi cần sự trợ giúp…

HOÀNG DƯƠNG

;
.