Nâng cao năng lực điều trị COVID-19 ở tuyến cơ sở
Chiều 28/2, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy Trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kể từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng đã được dự báo từ trước. Theo đó, từ ngày 1/2 đến 28/2, toàn tỉnh ghi nhận có 8.022 ca mắc mới, trong đó, có 2.514 ca cộng đồng. Trong số này có một lượng F0 đáng kể ở nhóm HS và GV khi 2 đối tượng này quay trở lại trường học từ ngày 8/2. Đến nay, tỉnh đã ghi nhận hơn 1.800 HS nhiễm COVID-19.
Trung bình mỗi ngày, số lượng F0 ở nhóm HS và GV chiếm khoảng 1/4 tổng số F0 toàn tỉnh. Tuy số ca nhiễm có xu hướng tăng ca nhưng số ca tử vong có chiều hướng giảm. Cụ thể, trong 7 ngày, từ 22/2 đến nay, tỉnh chỉ ghi nhận 5 ca, trung bình 0,7 ca/ngày. Các trường hợp tử vong chủ yếu ở nhóm đối tượng chưa tiêm vắc xin, chiếm 61% tổng số ca tử vong và người từ 50 tuổi trở lên bị bệnh nền.
Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 564 ngàn người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19, đạt 62,16%. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân. Đến hết quý 1/2022, tỉnh dự kiến có khoảng 912 ngàn người được tiêm mũi 3 (đạt 99,6%) và cơ bản hoàn thành mục tiêu tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến, toàn tỉnh còn có khoảng 124 ngàn trẻ từ 5 đến 11 tuổi đủ điều kiện tiêm vắc xin COVID-19. Sở Y tế cũng đã đăng ký số lượng vắc xin với Bộ Y tế và sẽ tổ chức tiêm ngay khi được nhận vắc xin.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần tiếp cận và triển khai nhanh các văn bản chỉ đạo Trung ương và tỉnh về thực hiện công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Các địa phương cần quản lý chặt chẽ F0 tại nhà, tránh tình trạng người dân tự ý rời khỏi gia đình, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Mặt khác, ngành y tế cần nâng cao hơn nữa khả năng điều trị cho người bệnh, nhất là ở các trạm y tế lưu động xã, phường, thị trấn; chuẩn bị đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực bảo đảm công tác theo dõi và điều trị cho những F0 tại nhà. Bên cạnh đó, ngành y tế cần phối hợp với quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nhà thuốc về giá cả và chất lượng thuốc hỗ trợ điều trị, kist test nhanh COVID-19; đồng thời xử lý nghiêm những đơn vị nâng giá lên cao, làm bất ổn thị trường.
Về công tác tiêm chủng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương giao cho các hội, đoàn thể tiếp tục đến nhà dân để tuyên truyền, vận động và đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19. Các địa phương không được để tồn đọng vắc xin, gây lãng phí.
Tin, ảnh: HỒNG PHƯƠNG