Đẩy mạnh chuyển đổi số - thanh toán không dùng tiền mặt
Đây là vấn đề đặt ra tại hội nghị “Chuyển đổi số - thanh toán không dùng tiền mặt”, do UBND TP. Vũng Tàu tổ chức sáng 24/2. Đồng thời là 1 trong trong 4 nhiệm vụ then chốt mà Đại hội Đảng bộ TP. Vũng Tàu đã đề ra trong nhiệm kỳ 2021-2025. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt trở thành nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong tiến trình CĐS.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
CĐS là xu hướng tất yếu
Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh BR-VT cho biết, để CĐS và đẩy mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong môi trường số, thời gian qua ngành ngân hàng đã tập trung triển khai các mục tiêu trọng tâm thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển, đa dạng hóa các dịch vụ thanh toán điện tử với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, đa dạng, an toàn, tiện lợi… Các chi nhánh NHTM đã và đang triển khai cải tiến các dịch vụ thanh toán tối ưu, hiện đại, tiết kiệm chi phí dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT như thanh toán qua POS, internet banking, SMS banking, mobile banking, thanh toán hóa đơn online, ví điện tử…. Đến nay, 100% số đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã trả lương qua tài khoản; giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2021 ước tăng 46,89% so với năm 2020.
Năm 2022 TP. Vũng Tàu đặt ra chỉ tiêu các chuỗi cửa hàng bách hóa tự chọn có tài khoản trên sàn thương mại điện tử (Bưu điện tỉnh,Viettel post tạo và cấp miễn phí); 100% siêu thị, Trung tâm thương mại có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 30-40% các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có website riêng sẵn sàng tham gia sàn thương mại điện tử du lịch của tỉnh; 90% các khu di tích lịch sử, các danh thắng trên địa bàn thành phố được gắn mã QR code phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin. 100% văn bản phải được ký số và phát hành trên môi trường mạng thông qua phần mềm quản lý hồ sơ điện tử; 100% hồ sơ TTHC phải được nhận và xử lý liên thông thông qua phần mềm một cửa điện tử; Nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phục vụ người dân, doanh nghiệp; Cung cấp các thông tin về các Kế hoạch - quy hoạch, thông tin về các dự án đấu thầu mua sắm công và đặc biệt là các thông tin liên quan đến kế hoạch sử dụng đất. |
Đi đầu trong việc thúc đẩy CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt phải kể đến Công ty CP cấp nước BR-VT (BWACO). Bà Lê Minh Đức, Trưởng Phòng Dịch vụ khách hàng BWACO cho biết, từ nhiều năm trước BWACO đã từng bước thực hiện CĐS. Đến nay, công ty đã thực hiện CĐS ở cả 3 mảng quan trọng: Dịch vụ khách hàng; quản lý mạng lưới và nhà máy; nghiệp vụ và quản lý điều hành. Từ đó, BWACO đã số hóa toàn bộ hoạt động, không còn giải quyết bằng giấy tờ. Bà Đức thông tin thêm, trên địa bàn TP. Vũng Tàu, BWACO hiện có 97.809 khách hàng trong đó tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 40%, có những thời điểm lên đến 76,6%. Hiện BWACO đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tiến tới không dùng tiền mặt như: lắp đặt đông hồ thông minh, dán mã vạch QR code, liên kết với các ngân hàng, các điểm thu hộ… Đang thực hiện lộ trình không thu tiền mặt tại nhà theo lộ trình, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ ngưng hoàn toàn việc thu tiền nước tại nhà đối với tất cả khách hàng trên địa bàn TP. Vũng Tàu.
Trong khi đó, theo bà Hà Thị Minh Hạnh, Trưởng bộ phận phát triển Lott Mart cho hay, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động kích cầu người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Siêu thị đã liên kết với các tổ chức tín dụng trung gian thanh toán và sử dụng ví điện tử để đưa ra nhiều lựa chọn cho khách hàng. Tại Lotte Mart Vũng Tàu khách hàng có thể sử dụng tất cả thẻ ghi nợ (debit) hay thẻ tín dụng (credit) bằng cả hình thưc cà thẻ, thanh toán bằng mã QR code thông qua ứng dụng mobile banking, ví điện tử momo, zalopay, VNPay…
Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT-TT nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu quan trọng của CĐS. Vì vậy, cần phải thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân và DN để thúc đẩy CĐS phát triển. Theo thống kê sơ bộ hiện tại TP. Vũng Tàu hiện có tổng số hơn 70% dân số có điện thọai thông minh. Đây là một lợi thế rất lớn trong việc tạo ra các công dân số thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của TP. Vũng Tàu nói riêng và tỉnh BR-VT nói chung.
TP. Vũng Tàu khuyến khích người dân mua sắm trên các sàn thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Trong ảnh: Nhân viên Ngân hàng Techcombank hướng dẫn khách hàng tải các ứng dụng để thanh toán online. |
Tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, địa phương đang từng bước triển khai nhiều giải pháp, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử thông qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử và các ứng dụng mobile money; khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hóa trên mạng, giúp người dân hiểu được lợi ích khi sử dụng tài khoản thanh toán điện tử và ví điện tử. Thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 phấn đấu đạt 100% cán bộ, công chức, người lao động trực thuộc UBND TP. Vũng Tàu có tài khoản thanh toán điện tử hoặc ví điện tử, 65-70% dân số thành phố từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng; 80% cán bộ hưu trí có smartphone tải và cài đặt ứng dụng BHXH điện tử VSSID; 80% cán bộ hưu trí có tài khoản ngân hàng chấp nhận thanh toán lương hưu bằng hình thức chuyển khoản…
Bà Lê Minh Đức, Trưởng Phòng Dịch vụ khách hàng BWACO chia sẻ kinh nghiệm CĐS - thanh toán không dùng tiền mặt đối với lĩnh vực cấp nước. |
“Để thực hiện thành công các mục tiêu trên trong việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, góp phần vào sự thành công chung của công cuộc CĐS trên địa bàn TP. Vũng Tàu, ngoài sự quyết tâm của chính quyền, rất cần sự chung tay góp sức của các DN, tổ chức, cá nhân và toàn thể người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố”, ông Hoàng Vũ Thảnh nói.
4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số
Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan tập trung 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy CĐS tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Cụ thể: Mở rộng việc trả lương, thu nhập qua tài khoản ngân hàng, đẩy mạnh thanh quyết toán các dịch vụ công bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích, vận động các siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm, các cửa hàng bán lẻ… sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo, theo dõi, giám sát các cơ sở giáo dục, đào tạo, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ bưu chính, viễn thông chập nhận thanh toán không dùng tiền mặt; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… không thanh toán bằng tiền mặt, nhất là việc trả các loại phí, lệ phí dịch vụ công và các dịch vụ thiết yếu khác.
|
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Lợi, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh BR-VT đưa ra 4 nhóm giải pháp gồm: Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm phát triển hạ tầng thanh toán, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN chi nhánh tỉnh đã phối hợp với Sở TT-TT tỉnh xây dựng dự thảo trình UBND tỉnh Kế hoạch triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trước mắt sẽ ưu tiên triển khai trên 7 lĩnh vực: Y tế, giáo dục, điện, nước, viễn thông, thương mại điện tử và dịch vụ công đạt. Mục tiêu là đến cuối năm 2022 tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở các lĩnh vực này đạt từ 60-80% và phấn đấu đến năm 2025 đạt 90-100%.
Bài, ảnh: QUANG VŨ