Vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Tư, 05/01/2022, 20:19 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2021, triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh BR-VT.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh BR-VT.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Dự hội nghị tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố có Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu tỉnh BR-VT, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị.

Đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực cao hơn nữa
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, năm 2021 bên cạnh những thuận lợi, nước ta cũng phải chống đỡ với khó khăn, thách thức rất lớn do đợt dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân và các mặt của đời sống kinh tế-xã hội nước ta.
“Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn đó, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị nói chung đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập 5 nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất, cần tiếp tục theo dõi sát, nắm chắc diễn biến của tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, đặc biệt là nguy cơ từ các biến chủng mới để kịp thời có chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp. 
Thứ hai, tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, gắn với thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. 
Thứ ba, quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, DN gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ tư, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế…
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta lâu nay đã đổi mới, sáng tạo thì tới đây càng phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa. Nhà nước ta nói chung, Chính phủ, chính quyền các địa phương nói riêng lâu nay đã liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả rồi thì tới đây càng phải liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn vừa qua rồi thì tới đây càng phải đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường”.

 

Phấn đấu tăng trưởng GDP 6-6,5%

Tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Chủ đề điều hành của năm 2022 là: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Chủ đề này được cụ thể hóa trong 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành và 12 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu (tương ứng với 180 nhiệm vụ cụ thể).

Theo đó, năm 2022 cả nước tập trung thực hiện hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…

Dự thảo Nghị quyết cũng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; Phát triển bền vững (UN) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Năng lực đổi mới sáng tạo (WIPO) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Chính phủ điện tử (UN) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; chỉ số logistics (của WB) tăng ít nhất 4 bậc…

BR-VT tập trung vào 4 trụ cột kinh tế

Tại BR-VT, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế chịu tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Tuy nhiên, kinh tế địa phương vẫn tăng trưởng dương so với năm 2020; GRDP (trừ dầu khí) tăng 1,02%. BR-VT đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, định hướng phát triển kinh tế không dựa vào khai dầu khí mà trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của tỉnh, dần chuyển hướng thúc đẩy phát triển cảng biển, công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ vậy, kinh tế tỉnh đã bù đắp cho giá trị giảm của công nghiệp khai thác dầu khí và duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP trong nhiều năm qua.

Cụ thể, năm 2021, mặc dù tỉnh phải áp dụng giãn cách xã hội trong thời gian dài nhưng các dự án công nghiệp trọng điểm vẫn được hỗ trợ, thúc đẩy triển khai như: Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam, Dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại KCN Cái Mép. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 4,68%. Sản lượng hàng thông qua cảng bằng tàu biển đạt 79 triệu tấn, tăng 4%; trong đó hàng container bằng tàu biển đạt 5,1 triệu TEU, tăng 16,8%.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, tỉnh vẫn tiếp tục thu hút đầu tư và đạt được một số kết quả tích cực. Trong năm tỉnh đã thu hút mới được 76 dự án trong và ngoài nước, điều chỉnh tăng vốn cho 38 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm khoảng 2,2 tỷ USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước khoảng 75.163 tỷ đồng, đạt 114,05% dự toán và bằng 95,87% so với năm 2020.

Năm 2022, BR-VT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) không tính dầu thô và khí đốt từ 7-7,6%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP) không tính dầu thô và khí đốt khoảng 7.600 USD/người/năm; tổng vốn đầu tư trên địa bàn khoảng 55.119 tỷ đồng, tăng 3,79%. Để đạt được mục tiêu này, BR-VT đề ra 10 nhóm giải pháp, trong đó có việc tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững dựa vào 4 mũi nhọn kinh tế: công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.