Gói hỗ trợ phải thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế

Thứ Sáu, 07/01/2022, 20:22 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khoá XV, ngày 7/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận tại điểm cầu tỉnh Bà Riạ - Vũng Tàu.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận tại điểm cầu tỉnh Bà Riạ - Vũng Tàu.

Bảo đảm chính sách khi ban hành sẽ sát với thực tiễn

Thảo luận về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là những chính sách rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, cần làm rõ hơn nữa nội hàm các chính sách, đối tượng thụ hưởng để bảo đảm chính sách khi ban hành sẽ sát với thực tiễn, thực sự đến đúng đối tượng, đem lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, gói hỗ trợ phải quan tâm đến hiệu quả và cam kết sản phẩm đầu ra. “Mục tiêu của gói phục hồi lần này hướng đến là chấp nhận bội chi và đi vay, để sau một thời gian nhất định thu được chi phí lớn hơn. Vì vậy, vấn đề hiệu quả của dự án là phải trả lời được câu hỏi, với trên 346.000 tỷ đồng đạt kết quả cụ thể gì và với mục tiêu như vậy, đề án cần quy định rất rõ hiệu quả đầu ra”, đại biểu Mai phân tích.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho rằng, cuộc suy thoái kinh tế lần này đã để lại hậu quả nặng nề đến thị trường lao động và người lao động. Tình trạng mất việc, giãn, giảm việc làm rất rõ. “Trong quý III, cả nước có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động của đại dịch. Đồng lương của người lao động vốn không dư, thì nay vì dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn… Qua khảo sát 43.000 lao động mất việc, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ duy trì cuộc sống trong 1 tháng, 37% chỉ đủ duy trì cuộc sống cho 3 tháng và chỉ có hơn 4% đủ duy trì cuộc sống cho trên 4 tháng”, đại biểu Thủy dẫn chứng.

Thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Tham gia thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, Chính phủ đã chuẩn bị Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết tương đối chu đáo, kỹ lưỡng; Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra chặt chẽ và toàn diện. Dự thảo Nghị quyết phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành.
Để Nghị quyết ban hành, sớm đi vào đời sống xã hội, tôi nhất trí đối với 5 quan điểm, 3 mục tiêu, ­5 nhóm giải pháp lớn về tài khóa, tiền tệ và phương án huy động nguồn lực đã đề ra tại dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên cần rà soát cẩn trọng, để có sự tiếp nối, kế thừa các chính sách đã triển khai; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, hướng dẫn khi triển khai chính sách của Nghị quyết.
Về Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tôi đồng tình với đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 2/TTr-CP ngày 2/1/2022 là triển khai dự án theo phương thức đầu tư công của chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Bởi nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ với tổng mức đầu tư (PPP): 19.616 tỷ đồng, thì khó khăn trong việc thu xếp tài chính của các nhà đầu tư trong điều kiện ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và sẽ bị kéo dài, chậm trễ trong triển khai dự án.
Trong khi đó, dự án này có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm tiêu chí đầu tư công trong gói kích thích, hỗ trợ; là tuyến đường huyết mạch trong việc kết nối liên kết vùng, phát huy vai trò của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; nâng cao khả năng kết nối giao thông đa phương thức; thúc đẩy phát triển KT-XH của Đồng Nai, BR-VT, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Khi dự án này được chuyển sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giảm tổng mức đầu tư đến 931 tỷ đồng so với đầu tư PPP.

Đẩy mạnh đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm

Tại các điểm cầu, theo các đại biểu, chính sách miễn, giảm thuế được trình trong dự thảo nghị quyết là phù hợp, góp phần hỗ trợ DN, kích thích phát triển kinh tế, giúp DN sớm quay trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, hỗ trợ DN là trọng tâm ưu tiên, nhưng phải tính toán cẩn trọng, cần hỗ trợ phù hợp, tính toán sức hấp thụ đến đâu, cần cung cấp cho DN cho hướng đi và cách đi, “trao cần câu hơn cho con cá”. Do đó, chính sách tài khóa cần đẩy mạnh đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phải theo xu thế phát triển với những dự án có tính lan tỏa cao. “Cần phải quy định rõ đối tượng DN được hưởng hỗ trợ, có bao gồm cả DN FDI hay không và cần quy định cụ thể hơn, ưu tiên các DN nhỏ và vừa, DN có sức lan tỏa”, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị.

Nêu lên những tác động tiêu cực của dịch bệnh tác động đến đời sống người lao động, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho rằng, chương trình hỗ trợ cần dành khoản ngân sách đủ lớn để bảo đảm hỗ trợ người lao động mang tính dài hơi và bền vững, qua đó góp phần quan trọng và thực hiện đạt được các mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình, cụ thể như: Tăng bội chi ngân sách nhà nước để có nguồn thực hiện chương trình với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Trong đó, năm 2022 khoảng 102.000 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua). Đối với năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi nhanh, gắn liền với đó là cần quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn; kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.