Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng vừa chuyên
Nhận được Quyết định của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi, quyết tâm tạo ra cho được sự thay đổi nhanh chóng về KT-XH và cuộc sống của nhân dân trên mảnh đất này.
Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. |
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời cùng một lúc vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề an sinh xã hội rất bức xúc, vừa khẩn trương khảo sát, chuẩn bị nhanh chóng các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, với các định hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tích cực và thống nhất về các mặt, trong đó, quyết tâm tạo cho BR-VT có một mô hình kinh tế theo cơ cấu tiên tiến nhất: Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ khóa I đã vừa phát huy trí tuệ, xây dựng quy hoạch và chương trình hành động cụ thể vừa khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội...
Trong nhiệm kỳ I, có 4 chủ trương căn cơ năng động, sáng tạo đã được đề ra có ý nghĩa mở ra hướng tích cực cho phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh, đó là:
+ Trong công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chăm lo an sinh xã hội và đoàn kết lương giáo.
+ Trong lúc còn vô vàn khó khăn, để phát triển, mỗi năm tỉnh tập trung xây dựng cuốn chiếu từng huyện. Huyện Châu Đức khó khăn nhất dồn sức xây dựng trước.
+ Muốn nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài, xúc tiến đầu tư, thu hút người tài,... cơ sở hạ tầng KT-XH của tỉnh phải được tiến hành xây dựng tốt. Từ đó Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị Chính phủ cho thực hiện thí điểm “Đổi đất lấy công trình” và được Chính phủ cho phép.
+ Khó khăn lớn nhất của tỉnh BR-VT là nước sạch để cung cấp cho đời sống người dân, công nghiệp hóa và đô thị hóa. Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương nhanh chóng quy hoạch và phát triển hồ chứa nước, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Thắng lợi của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ I là đã khắc phục được những khó khăn về các mặt, tạo ra một bước phát triển mới, cơ cấu kinh tế do Đại hội đề ra đã được hoàn thành, tạo tiền đề thuận lợi cho các bước phát triển tiếp sau sâu hơn, rõ nét hơn, vững mạnh hơn trên con đường đô thị hóa tỉnh BR-VT.
Bước sang nhiệm kỳ II (1996-2000), Đảng bộ tỉnh quyết tâm phải làm rõ nét 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng ta: “Kinh tế là trung tâm và xây dựng Đảng là then chốt. Giai đoạn này, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiều chính sách quan trọng nhằm bảo đảm nhiệm vụ xây dựng Đảng, đồng thời tập trung định hướng phát triển kinh tế, trong đó hướng tới phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Đảng bộ luôn cải tiến nội dung, phương thức trong lãnh đạo để chất lượng không ngừng được nâng cao. Về mặt chính trị tư tưởng, Đảng bộ tỉnh luôn nói đi đôi với làm, theo dõi sát tình hình, mọi chủ trương, mọi diễn biến phức tạp... nắm được, đều làm thông suốt, kịp thời cho các cấp, các ngành để tập trung giải quyết, trong đó chú ý giáo dục thật nhuần nhuyễn cho toàn Đảng bộ và mỗi cán bộ đảng viên: Phải kiên định mục tiêu: “Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động”. Phải nhắc nhở thường xuyên cán bộ đảng viên tu dưỡng, rèn luyện bản chất tư tưởng của giai cấp công nhân, chuẩn hóa mọi suy nghĩ, nói và làm của mình, để Đảng ta thật sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc mà học tập, rèn luyện và chiến đấu. Kiên quyết đấu tranh loại trừ cho kỳ được những biểu hiện tư tưởng phi vô sản (cá nhân, tư hữu, quan liêu, cửa quyền, tiêu cực tham nhũng...), làm hoen ố Đảng ta. Phải tạo sự chuyển biến sâu sắc và quyết tâm làm theo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, để có những cán bộ mẫn cán, những người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, được dân mến, dân thương, dân tin, dân theo.
Để sự lãnh đạo được toàn diện, kịp thời, đồng bộ, mang tính chiến đấu và đem lại hiệu quả cao, Đảng bộ luôn chú ý đến công tác tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị hợp lý tại các cấp, các ngành và bố trí cán bộ có đủ đức tài, có năng lực phù hợp chức trách, nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở khung tổ chức của hệ thống chính trị lúc bấy giờ, Tỉnh ủy chủ trương nhanh chóng xây dựng quy chế trách nhiệm cho mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi thành viên được giao nhiệm vụ rõ ràng, rành mạch. Trên cơ sở đó, rà soát bố trí ngay số cán bộ hiện có vào các vị trí hợp lý để bộ máy hoạt động được nhịp nhàng, đều tay.
Với tinh thần cách mạng tiến công, mỗi cán bộ được bố trí bắt tay ngay vào nhiệm vụ, vừa làm vừa học để làm tốt hơn. Khi làm có kết quả nhưng cũng có phát sinh mâu thuẫn, tiêu cực tỉnh đã giải quyết thỏa đáng. Nhờ nỗ lực của mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, bộ máy đã phối hợp nhịp nhàng, tạo được không khí thi đua sôi nổi, đoàn kết toàn quân, toàn dân đưa kinh tế-xã hội có nhiều phát triển đáng phấn khởi, cuộc sống nhân dân không ngừng được nâng cao, trình độ lãnh đạo chính trị chuyên môn của mỗi tổ chức và cá nhân cán bộ đảng viên không ngừng được nâng cao. Qua phong trào tại cơ sở, nhiều cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc... năng nổ, dám nghĩ, dám làm đã xuất hiện, tạo ra nguồn để đào tạo cán bộ và phát triển đảng viên mới ngày càng phong phú.
Để chủ động củng cố tổ chức, nâng cao nguồn cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, phát huy cao nguyên tắc tập trung dân chủ tại các cấp, các ngành, Đảng bộ tỉnh đã chủ động quy hoạch, bồi dưỡng đào tạo, luân chuyển, bố trí cán bộ kế cận cho cả 3 nhiệm kỳ kế tiếp. Hàng năm, Tỉnh ủy đều rà soát lại, có sự chấn chỉnh, bổ sung hợp lý, trên tinh thần khách quan vô tư, sử dụng người tài đức, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, để qua đó không ngừng nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao trình độ trí tuệ, khoa học công nghệ và năng lực hoạt động thực tiễn của Đảng bộ.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh ra sức củng cố bộ máy thanh tra, kiểm tra các cấp của hệ thống chính trị, giúp Đảng bộ phát huy những điểm làm tốt và uốn nắn, khắc phục kịp thời những tồn tại trong mỗi tổ chức và cá nhân. Tỉnh ủy coi chi bộ, đảng bộ cơ sở là nền tảng của Đảng, nơi cung cấp cán bộ và nguồn đảng viên mới có chất lượng, nhưng cũng là nơi giúp mỗi đảng viên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu để trưởng thành, nên tổ chức chi bộ, đảng bộ thế nào là hợp lý, nội dung, phương thức sinh hoạt thế nào là chất lượng nhất, phải thường xuyên theo dõi, uốn nắn. Đặc biệt, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình phải được nghiêm túc thực hiện.
Do công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đối với công tác củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng, đến năm 1996, toàn tỉnh có 40 Đảng bộ, chi bộ trực thuộc, trong đó có 19 tổ chức cấp trên cơ sở, 21 tổ chức cơ sở đảng và 409 đảng bộ, chi bộ cơ sở. Năm 2000, thực hiện nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII), Đảng bộ sắp xếp lại còn 14 tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy, với 453 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 120 đảng bộ cơ sở, 333 chi bộ cơ sở. Tuy còn nhiều việc phải tiếp tục phấn đấu, nhưng theo tôi, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy lúc bấy giờ là chặt chẽ và trách nhiệm.
Qua thực tiễn hoạt động của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ cho thấy, việc quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh, xác định những nhiệm vụ then chốt, những giải pháp mang tính đột phá, tạo thế phát triển vững chắc trong từng giai đoạn sẽ góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng các cấp bộ Đảng vững mạnh cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là hạt nhân lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các Nghị quyết đại hội đề ra. Sự đoàn kết, thống nhất, nhất là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là trong sự phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là những bài học quý trong quá trình xây dựng và phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu trong 30 năm qua.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy