Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu mạnh về kinh tế biển

Thứ Sáu, 17/12/2021, 16:55 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 12/8/1991, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, trên cơ sở Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo và 3 huyện Châu Thành, Xuyên Mộc và Long Đất của tỉnh Đồng Nai. 30 năm qua, trong bộn bề khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết một lòng, biến vùng quê nghèo, giàu truyền thống cách mạng năm xưa, trở thành địa phương có bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội… đều có bước phát triển toàn diện. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chăm lo củng cố. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Chính quyền từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn và từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu của địa phương trong thời kỳ mới. Đến nay, GRDP bình quân đầu người trừ dầu khí của tỉnh đứng đầu cả nước, quy mô GRDP và thu ngân sách luôn duy trì thứ 3 cả nước. Kinh tế đã và đang phát triển mạnh mẽ trên 4 lĩnh vực công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; mô hình phát triển kinh tế bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc được tiếp tục thúc đẩy và kiên trì thực hiện. Chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện, nâng cao; công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia chỉ còn 0,1%.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh thuyết trình với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc qua bản đồ  về sự cần thiết xây dựng cầu Phước An, tháng 5/2020.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh thuyết trình với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc qua bản đồ về sự cần thiết xây dựng cầu Phước An, tháng 5/2020.

Vượt qua nhiều khó khăn của những ngày đầu thành lập, bằng những quyết sách kịp thời, sự năng động sáng tạo, với tinh thần đổi mới, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu đã vươn lên trong tất cả các lĩnh vực, trở thành một trong những địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Không chỉ vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm công nghiệp dầu khí hiện đại trong cả nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu qua các nhiệm kỳ đều xác định mục tiêu tăng trưởng của địa phương gắn liền với việc khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch. Cụ thể, ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I (4/1992) Đảng bộ tỉnh đã sớm biết dựa vào biển: “Khai thác có hiệu quả các lợi thế của địa phương, đặc biệt là lợi thế về dầu khí, cảng biển, du lịch, đáp ứng nhu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế”. Trong đó: “Phải làm tốt các dịch vụ dầu khí”, “Kinh tế dịch vụ dầu khí là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh”. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (5/1996) đã khẳng định thêm thế mạnh mới: “Quy hoạch, đầu tư phát triển mạnh ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế địa phương”. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (1/2001) ghi dấu ấn tư duy đột phá, hé mở tầm nhìn về lợi thế so sánh mới: Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu “Cơ bản trở thành thương cảng quốc gia và quốc tế”, “Tăng cường khai thác các cảng biển” và “hoàn chỉnh dần hệ thống cảng biển”. Tư duy này đã đặt nền móng cho Đại hội IV, V, VI, VII của Đảng bộ tỉnh tập trung phát triển, cụ thể hóa để khai thác tiềm năng to lớn mà thiên nhiên ban tặng, đó là khai thác thế mạnh kinh tế biển.

Biển, cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng là thế mạnh được ví như chiếc “chìa khóa vàng” đưa Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển nhanh, bền vững, trở thành nền kinh tế luôn đứng vào top đầu của cả nước. Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 305km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000km2 có nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước… 5/8 huyện, thành phố của Bà Rịa - Vũng Tàu giáp biển; đồng thời là địa phương có lợi thế về cảng nước sâu với nguồn tài và nguyên thiên nhiên phong phú và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ. Với tiềm năng đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển với các hoạt động như: khai thác dầu khí, du lịch và cảng biển...

Những năm qua, tỉnh đã khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên biển để phát triển nền kinh tế biển mạnh và bền vững. Bám sát tình hình thực tiễn, phát huy và tận dụng có hiệu quả những thế mạnh vượt trội của địa phương, Bà Rịa - Vũng Tàu tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối hệ thống cảng biển với các quốc lộ, nhanh chóng đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm cảng biển lớn của khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn với trọng tải đến 194.000 DWT. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 48/69 cảng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt 155,7 triệu tấn/năm, trong đó có 7 dự án cảng container lớn với công suất 6,8 triệu TEUs/năm. Để phát huy hệ thống cảng biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng trọng điểm phía Nam. Đồng thời, để tận dụng hệ thống cảng biển, tỉnh quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp gắn với cảng biển. Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 KCN, với tổng diện tích khoảng 8.510ha. Nhiều dự án đầu tư đang được triển khai gồm: Nhà máy Sản xuất PPP và kho ngầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Tổ hợp Hóa dầu miền Nam 5,4 tỷ USD; Trung tâm Điện lực Long Sơn 4,5 tỷ USD…

Ngành đánh bắt, chế biển hải sản cũng là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Trong lĩnh vực phát triển du lịch, Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 khu du lịch biển nổi tiếng cả nước và thế giới, mỗi năm, thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, đó là Vũng Tàu, Long Hải, Côn Đảo. Đặc biệt, Côn Đảo với lợi thế là một hòn đảo có điều kiện sinh thái còn giữ được vẻ tự nhiên, hoang sơ và có bề dày lịch sử cách mạng hào hùng, do đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang huy động các nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành khu du lịch quốc gia đặc sắc mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Trong những năm qua, tỉnh luôn kiên định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu. Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tinh thần xuyên suốt là “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh”.

Cùng với phát triển kinh tế, Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng đến phát triển kết cấu hạ tầng biển, ven biển và đô thị ven biển; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển.

Cụ thể, đối với hoạt động du lịch, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung đánh giá thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng môi trường biển đối với kinh tế du lịch hiện nay; đề xuất giải pháp cho mô hình du lịch biển không có túi nylon; ứng dụng khoa học công nghệ mới vào quản lý vệ sinh môi trường biển, đảo; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường biển đảo, hướng đến phát triển bền vững kinh tế du lịch biển.

Đồng thời, khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch chú trọng sử dụng nguồn năng lượng sạch; sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường biển; xây dựng hệ thống xử lý rác thải phù hợp, nhất là đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại đơn vị mình, trước khi đưa vào hệ thống thải chung của khu vực.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn xác định phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững, trên cơ sở tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Chiến lược “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Chiến lược sẽ hướng đến 9 dự án lớn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm: Điều tra, đánh giá trữ lượng và tình hình khai thác các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng vùng bờ; kiểm soát các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ và các cửa sông ven biển.

Phát huy những thành quả to lớn trong 30 năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đang trên đà phát triển để trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là một trong những động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó là tiếp tục xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh; đầu tư hạ tầng giao thông đa phương thức, kết nối liên vùng, khu vực và quốc tế nhằm tăng năng lực khai thác cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và phát triển du lịch; xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển, định vị thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế; phát triển mạnh mẽ nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ông NGUYỄN VĂN THỌ
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
;
.