Lãnh tụ Hồ Chí Minh, người đầu tiên của Đảng nói về tệ nạn tham ô và cũng là người đầu tiên đưa ra những chỉ dẫn về cách phòng, chống tham ô, tiêu cực mà đến nay di sản đó vẫn còn nguyên giá trị.
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 4, khóa XII. |
Những chỉ dẫn vô giá
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng cụm từ “tham ô”, “bất liêm” để chỉ hành vi “không trong sạch” mà ngày nay chúng ta gọi là “tham nhũng”. Người quan niệm: Tham ô là hành vi “biến của công thành của tư”, được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: Đục khoét của dân. Ăn của đút. Ăn cắp của công. Khai gian, lậu thuế. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương, đơn vị mình.
Theo Người, ba nguyên nhân sinh tệ tham ô: Một là, chủ nghĩa cá nhân làm nảy sinh ham muốn, thoái hóa, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Lối sống xa hoa, ích kỷ, biến họ tìm mọi cách “không xoay của Đảng, thì xoay của đồng bào, thậm chí làm chợ đen buôn lậu”. Hai là, quan liêu, buông lỏng lãnh đạo, quản lý. Quan liêu sẽ “là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô”, lối làm việc ngồi trong bốn bức tường, không lãnh đạo, không kiểm tra đến nơi, đến chốn thì “những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”. Ba là, tự phê bình và phê bình không nghiêm, “ô dù, bao che, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể” cho những kẻ bất liêm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô là “trộm cắp”, hành vi “vô liêm sỉ”, là “giặc trong lòng”, “kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ”, “nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta”. Đó là hành động “xấu xa nhất, tội lỗi đê hèn nhất”, là nọc độc nguy hiểm làm băng hoại giá trị đạo đức, ngấm ngầm ngăn cản, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Người dặn: Phải kết hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa xây với chống, giữa tuyên truyền giáo dục với cưỡng chế để đẩy lùi tệ tham ô. Chú trọng giáo dục nâng cao trình độ nhân dân, bởi “nếu dân hiểu biết, không chịu “đút lót” thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra liêm”; đẩy mạnh tuyên truyền “làm cho quần chúng nhân dân kinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Mở rộng dân chủ, tự phê và phê bình để làm cho “người phụ trách thấy, để quần chúng thấy, tham ô, lãng phí không thể nảy nở được”. Giáo dục là chính, trừng trị là phụ, nhưng với những tội tham ô nghiêm trọng “phải thẳng tay trừng trị”, bất kỳ kẻ đó ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì và đuổi ngay những kẻ bất liêm ấy ra khỏi Đảng.
Tinh thần, khí thế, quyết tâm mới
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng lại mang tính tất nhiên: Ba nhiệm kỳ Đại hội Đảng liên tiếp, Hội nghị Trung 4, khóa XI; Hội nghị Trung ương 4, khóa XII và Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đều quyết định vấn đề hệ trọng, then chốt, có tính sống còn là đổi mới và chỉnh đốn lại Đảng.
Chiến lược phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đã và đang chuyển mạnh cơ chế điều chỉnh hành vi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo hướng: “Không thể”, “không dám”, “không muốn” và “không cần” tham nhũng. Đặc biệt Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII chủ trương: Đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thông qua Hội nghị lần thứ tư, BCH Trung ương khóa XIII đã đưa cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực sang giai đoạn mới, toàn diện, triệt để và quyết liệt hơn.
Đảng đã bổ sung, cụ thể hóa sát hợp hơn về những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; những điều đảng viên không được làm; miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đó là cơ sở quan trọng để phòng ngừa, thực hiện, giám sát, phát hiện và xử lý những sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.
Trung ương đã có nhiều quyết sách mới: Mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ trong Đảng mà cả hệ thống chính trị. Kết hợp hài hòa giữa xây với chống; khi chưa xảy ra thì giáo dục, chủ động phòng ngừa; khi đã xảy ra thì kiên quyết xử lý nghiêm. Phát huy dân chủ trong Đảng, trong dân, huy động lực lượng toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xác minh, điều tra, truy tố, xét xử dứt điểm các vụ án liên quan đến tham nhũng kinh tế nghiêm trọng; tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; ủy ban kiểm tra các cấp thường xuyên kiểm tra tài sản, thu nhập của cán bộ theo phân cấp và phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra cam go, phức tạp, lâu dài, nhưng có tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) dẫn lối, toàn Đảng đồng tình, thống nhất, toàn dân và toàn quân chung sức, ủng hộ, chắc chắn “giặc trong lòng”, “giặc nội xâm” dù hiểm nguy, phức tạp, tinh vi đến mấy cũng sẽ bị đẩy lùi.
NGUYỄN QUANG PHI