.
ÔNG TRẦN VĂN TUẤN, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH, TRƯỞNG BAN VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ TỈNH:

Tỉnh luôn chú trọng bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ

Cập nhật: 20:49, 26/11/2021 (GMT+7)

Trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã và đang thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ tỉnh BR-VT. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh để làm rõ hơn về những kết quả này.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Hội LHPN tỉnh nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020).
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Hội LHPN tỉnh nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020).

  Phóng viên: Thưa ông, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới được thực hiện đạt kết quả cao, với vai trò là Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, xin ông đánh giá những kết quả nổi bật trong thời gian qua?

- Ông Trần Văn Tuấn: Công tác triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh BR-VT với 7 mục tiêu và 24 chỉ tiêu cụ thể đã góp phần quan trọng đối với tiến trình thực hiện bình đẳng giới; qua đó, vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định, khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới trong các mối quan hệ xã hội và gia đình từng bước được giảm dần.

Trong lĩnh vực chính trị, sự tham gia tích cực của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo đã từng bước giảm dần khoảng cách giới. Đặc biệt, tỉnh rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ để tạo nguồn cán bộ nữ, góp phần nâng tỷ lệ cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các lĩnh vực tương xứng với tiềm năng và vai trò phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới.

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện, cơ hội tiếp cận đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, góp phần làm giảm khoảng cách giới. Tỉnh cũng đã chú trọng phát triển các ngành nghề thu hút nhiều lao động nữ tham gia, tạo điều kiện cho DN nữ phát triển sản xuất, cấp phép ưu đãi cho các DN sử dụng nhiều lao động nữ, tăng cường công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ, tạo cơ hội tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định cho người lao động.

Trong gia đình, vai trò người phụ nữ đã được nâng lên, được tôn trọng và tham gia nhiều hơn trong việc quyết định các vấn đề quan trọng trong gia đình. Nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới được triển khai như: mô hình “Gia đình văn hóa”, “Gia đình phát triển bền vững”, “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, địa chỉ tin cậy, đội nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại khu phố, thôn, ấp trên địa bàn tỉnh, kịp thời can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực về chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật... được nhân dân tích cực hưởng ứng giúp hạn chế các vụ bạo lực xảy ra. Toàn tỉnh đã có hơn 92% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Công tác bình đẳng giới trong thời gian qua đã bám sát vào chủ trương chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Các hoạt động được triển khai có trọng điểm, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tăng cường, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của người dân trong tỉnh nhất là nam giới.

Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh đã hỗ trợ cấp 74 bộ máy vi tính cho Hội LHPN xã, phường, thị trấn, với tổng kinh phí 959 triệu đồng; Giao kinh phí thực hiện các Kế hoạch, đề án theo quy định, nhất là giao cho Hội chủ trì tham mưu thực hiện 2 đề án liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của phụ nữ và gia đình, đó là: Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2018-2027” (Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” (Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

 Thưa ông, thời gian qua, UBND các cấp, ngành, đơn vị đã tạo điều kiện như thế nào để đảm bảo cho các cấp Hội LHPN tham gia quản lý Nhà nước?

Để đảm bảo cho Hội LHPN tham gia quản lý Nhà nước, nhất là các hoạt động theo Nghị định số 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ “Quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội LHPN tham gia quản lý Nhà nước”, Hội LHPN cùng cấp luôn là thành viên chính thức tham gia trong các tổ chức tư vấn, có một số ban chỉ đạo cơ cấu là phó ban, thành viên hội đồng liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.  

Hàng năm, UBND các cấp đều mời Hội LHPN cùng cấp tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung, giám sát cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới theo quy định của pháp luật…  

UBND các cấp cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, kinh phí thường xuyên để Hội LHPN cùng cấp hoạt động để triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động thường xuyên, đặc thù và đột xuất. Tạo điều kiện về việc cho chủ trương hoặc hỗ trợ Hội trong việc vận động nhà hảo tâm ủng hộ thêm kinh phí nhằm thực hiện tốt các phong trào xây dựng “Mái ấm tình thương”, quỹ học bổng Nguyễn Thị Định, hỗ trợ tặng quà cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

 Thưa ông trong thời gian tới BR-VT cần có những giải pháp nào để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ?

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây đã công bố báo cáo khoảng cách giới toàn cầu, thống kê về sự tương quan quyền lợi giữa nam giới và nữ giới ở 153 quốc gia trên thế giới. Trong báo cáo năm nay, WEF nhận định cần 135,6 năm để xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách giới trên toàn cầu, thay vì 99,5 năm được nêu trong báo cáo năm 2020.

Mặc dù báo cáo ghi nhận một số tiến bộ trong giáo dục và y tế, nhưng đại dịch COVID-19 đã gây nên các rào cản kinh tế đối với phụ nữ, sự suy giảm khả năng tham chính và thách thức tại nơi làm việc.

Trong bối cảnh đó, cần xác định mục tiêu và phương hướng phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Chúng ta có thể thấy, trong các chính sách hỗ trợ cho người dân và DN gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 được ban hành trong thời gian qua, phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng được ưu tiên và có nhiều hỗ trợ cao hơn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ bị nhiễm COVID-19, trẻ em mồ côi do bố mẹ bị tử vong do COVID-19,... điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Vì vậy, trong thời gian tới để đẩy mạnh các hoạt động hướng đến vì sự tiến bộ và hạnh phúc của phụ nữ, tỉnh sẽ tập trung một số giải pháp:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới; quy định trách nhiệm cụ thể đối với những người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành trong triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới; Rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách, quy định trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm CBCC phù hợp với các quy định của Luật Bình đẳng giới và có chính sách đặc thù hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ nữ. Chú trọng, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ chất lượng cao; Nâng cao nhận thức giới, kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ tham mưu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ CBCCVC người lao động và nhân dân. Phát triển các hệ thống dịch vụ có chất lượng nhằm hỗ trợ nữ và nam bình đẳng về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường xã hội hóa và phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động về bình đẳng giới.

Các cấp Hội LHPN cũng cần tăng cường hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động để nâng cao nhận thức về giới và ý thức, trách nhiệm bình đẳng giới cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, giám sát về thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; đề xuất xử lý nghiêm các vụ vi phạm về bình đẳng giới. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

*Xin cảm ơn ông.

KỲ ANH (Thực hiện)

.
.
.