Kỳ 4: Ưu tiên cho hạ tầng
“Đi trước một bước” và có tầm nhìn chiến lược trong đầu tư hạ tầng, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều chủ trương táo bạo, mang dấu ấn riêng.
Với nhiều quyết sách đúng đắn, tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng khang trang, hiện đại. Trong ảnh: Quốc lộ 55 đoạn qua huyện Đất Đỏ. Ảnh: VÂN ANH |
Chủ trương đột phá
Thời kỳ đầu thành lập tỉnh, điều kiện kết cấu hạ tầng như giao thông, điện, hệ thống cấp thoát nước, trường học, bệnh viện… chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của một tỉnh trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I đề ra là “giải quyết tốt hơn nhu cầu về nhà ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa và phúc lợi xã hội của nhân dân”. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải nhanh chóng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cụ thể là hệ thống giao thông, hiện đại hóa hệ thống thông tin. Với việc đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể trên, Đảng bộ tỉnh đã sớm nhận thấy cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời trực tiếp cải thiện điều kiện, chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, hiện đại hóa mạng lưới thông tin đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn xây dựng cơ bản do ngân sách nhà nước phân bổ còn quá eo hẹp, là bài toán nan giải đặt ra cho toàn Đảng bộ. Với tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và từ thực tế tài nguyên quỹ đất khá dồi dào, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề xuất phương án táo bạo sử dụng quỹ đất làm nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, hay còn gọi là phương thức “đổi đất lấy công trình”. Chủ trương này được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba (tháng 1/1993) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Khánh kể, do ngân sách còn hạn chế, Đảng bộ tỉnh chủ trương phát triển theo hình thức cuốn chiếu, từng năm tập trung dồn sức phát triển cho một huyện và tiếp tục đầu tư đến các huyện khác trong toàn tỉnh. Từ đó, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài, phát huy tài năng, sử dụng người tài và thu hút DN trong, ngoài nước về tỉnh đầu tư. Để có kinh phí, tỉnh phải xin Trung ương cho thí điểm “đổi đất lấy công trình”, sau này điều chỉnh lại “tạo quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng”. Nhờ đó, ta có điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh khá mạnh, đi đâu cũng thấy nhiều công trình xây dựng mọc lên, tạo ra hình hài của tỉnh có nhiều đổi thay và cuộc sống nhân dân trong tỉnh có nhiều khởi sắc.
Hàng loạt công trình được xây dựng
Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh, nguyên Phó Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh nhớ lại: “Thời điểm đó, cả nước chưa có tỉnh nào làm. Lúc đó, lãnh đạo tỉnh đã bàn bạc và thống nhất việc lấy quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng, tức là đổi đất thành tiền. Nhà đầu tư nhận làm công trình, cứ 1km đường đầu tư 1 tỷ đồng thì tỉnh cắt lấy miếng đất bằng giá trị đó để đổi. Tôi còn nhớ rất rõ, lúc đó, trong hội nghị Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có bảo: Thôi, Năm Ninh về làm trước đi. Trước mắt là làm tại TP. Vũng Tàu. Làm sao để TP. Vũng Tàu đạt được một số công trình như Hồng Kông, Singapore”.
Cung đường Trần Phú - Quang Trung - Hạ Long (TP. Vũng Tàu). Ảnh: HỮU NGỢT |
Đúng một tuần sau có Thông báo số 26/TB ngày 12/2/1993 của Văn phòng Chính phủ đồng ý cho BR-VT đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Thực hiện chủ trương đó, tỉnh đã khởi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình như Trần Phú - Quang Trung - Hạ Long; đường Láng Cát - Long Sơn; xây dựng hệ thống thoát nước… Nhiều hộ dân sống ven đường lộ đã xây dựng nhà mới, mở cửa hàng buôn bán, điện thắp sáng các tuyến đường. Hàng hóa lưu thông nhanh, thuận lợi, mở ra cơ hội mua bán thông thương giữa các vùng trong tỉnh, giữa tỉnh nhà với các tỉnh trong khu vực.
Với 69 công trình được xây dựng theo phương thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, tỉnh đã huy động được 1.283 tỷ đồng từ các chủ đầu tư. “Điểm sáng tạo của chủ trương đổi đất lấy công trình là ở chỗ, Đảng bộ coi đất đai không chỉ là mặt bằng để xây dựng và phát triển các công trình trên đó, mà còn là tài nguyên, là “nguồn lực” cần phải được khai thác hiệu quả. Cách nghĩ, cách làm này đã thể hiện thay đổi tư duy của một thời bao cấp, chủ động phát huy nội lực, không chỉ trông chờ nguồn lực từ Trung ương”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh chia sẻ.
Với việc đề ra những quyết sách đúng đắn về cơ cấu kinh tế, sự năng động, sáng tạo trong các chủ trương mang tính đột phá của Đảng bộ tỉnh, sau 10 năm thành lập tỉnh, kinh tế đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) từ năm 1992 đến năm 2000 (theo giá cố định 1994) là 119.378 tỷ đồng (không tính dầu khí 40.500 tỷ đồng). GDP năm 2000 tính cả dầu khí tăng 3,3 lần so với năm 1992, không tính dầu khí tăng 5,4 lần. Tốc độ tăng trưởng GDP tính cả dầu khí tăng bình quân 16%/năm, không tính dầu khí tăng 20%/năm. Tốc độ tăng trưởng này duy trì liên tục trong nhiều năm và là địa phương đóng góp ngân sách lớn trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tỷ trọng dịch vụ và nông nghiệp giảm dần. Năm 2000, tỷ trọng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp lần lượt là 81,6%-14,4%-4%. Công nghiệp là ngành kinh tế then chốt, sớm chiếm giữ vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
|
Theo ông Nguyễn Trọng Minh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần I, II và III đều đã xác định nhiệm vụ phát huy thế mạnh hiện có nhằm phát triển kinh tế - xã hội, động viên mọi nguồn lực, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá. Muốn thực hiện điều này phải bắt đầu từ khâu xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển tổng thể và phát triển ngành. Tầm nhìn chiến lược này đã được tỉnh ráo riết triển khai thực hiện bằng các nghị quyết chuyên đề và quy hoạch kinh tế xã hội, mà kết quả sau này đã minh chứng rất rõ.
(Còn nữa)
NGÔ GIA