Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực LĐTBXH, GD-ĐT diễn ra sáng 11/11 đã thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước.
Đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh BR-VT) chất vấn tại Kỳ họp. Ảnh: PHƯƠNG HOA |
Nâng cao chất lượng lao động
Trả lời các câu hỏi được đại biểu Quốc hội nêu cuối chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, thích ứng với công nghệ mới, hình thành lực lượng lao động có chất lượng cao.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng đang có một làn sóng kép người lao động về quê, chứ không phải chỉ có một làn sóng về quê để tránh dịch. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và chắc chắn là trong thời gian tới, dưới tác động của quá trình tự động hóa, thành quả khoa học - kỹ thuật, một loạt người lao động trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động với tay nghề thấp sẽ phải quay trở lại thôn quê. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đưa ra giải pháp tổng thể.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào với 55 triệu người nhưng cùng lúc phải giải quyết 2 bài toán. Đó là nâng cao chất lượng mặt bằng của lực lượng lao động nói chung; cùng với đó các xu hướng tác động của Cuộc cách công nghệ lần thứ tư sẽ làm thay đổi bản chất công việc. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong 5 năm tới sẽ có 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới khi kỹ năng lao động không được nâng lên.
Bộ trưởng nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi gồm kỹ năng mềm, kỹ năng số, ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thể hiện ngay từ khâu đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình, kiểm tra đánh giá.
Đặc biệt, Bộ sẽ đổi mới chính sách hỗ trợ cơ sở đào tạo doanh nghiệp và người lao động, đào tạo nâng cao chuyên môn, công việc và người lao động đáp ứng yêu cầu, trong đó có việc mở rộng đối tượng bao gồm cả người lao động thất nghiệp, lao động có nguy cơ thất nghiệp cao từ các nguồn kinh phí, quỹ hợp pháp và nguồn vốn sự nghiệp cho phép.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) nêu thực trạng người sử dụng lao động nhiều nơi chỉ áp dụng mức lương bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với tiền lương tối thiểu vùng, khiến lao động không đủ trang trải nhu cầu tối thiểu cuộc sống. Chất lượng bữa ăn ca của người lao động còn thấp, không đảm bảo để tái tạo sức lao động. “Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào và Bộ trưởng có giải pháp gì để người sử dụng lao động quan tâm hơn đến vấn đề này?”, đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, lẽ ra, việc cải cách thực hiện từ 1/7/2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, Bộ đã báo cáo Chính phủ cho phép lùi thực hiện cải cách chính sách tiền lương ở khu vực doanh nghiệp chậm lại.
Hiện các cơ quan đang thí điểm cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp ở 3 tập đoàn để rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai trên quy mô cả nước.
Linh hoạt phương án kiểm tra, đánh giá HS Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT đặt câu hỏi: Vấn đề chăm sóc sức khỏe học đường còn nhiều khó khăn, do thiếu biên chế nhân viên y tế trường học. Dịch bệnh còn kéo dài phức tạp, nhiều cơ sở giáo dục vẫn đang được trưng dụng làm cơ sở cách ly, điều trị COVID-19 nên việc đưa HS, SV trở lại trường gặp khó khăn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết các vấn đề này? Trả lời nội dung nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện nay số trường phổ thông trên cả nước còn thiếu nhân viên y tế là khoảng 30%. Tuy nhiên, sắp tới nếu như tuyển cả số thiếu này sẽ làm gia tăng bộ máy và biên chế. Trước mắt, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã thống nhất chỉ đạo các địa phương căn cứ tình hình phòng, chống dịch và điều kiện nhân viên y tế trên địa bàn, cử nhân viên y tế phụ trách y tế học đường. Còn về lâu dài, Bộ GD-ĐT sẽ trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ và sẽ báo cáo Chính phủ về nhân viên y tế trong trường học. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải dạy học trực tuyến. Đây là một hoạt động của quá trình chuyển đổi số chung của thế giới và của Việt Nam. Việc dạy trực tuyến ở quy mô nhỏ, mang tính bổ trợ đã thực hiện từ lâu, nhưng ở quy mô bao phủ, thay thế toàn bộ hình thức dạy học trực tiếp trong một thời gian dài thì là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ. Vì thế toàn ngành cũng cần có những điều chỉnh và hoàn thiện dần. Bộ trưởng chủ trương học đến đâu, kiểm tra, đánh giá đến đó và có tính đến các tác động của khó khăn do dịch bệnh, đồng thời dựa theo chuẩn đầu ra của chương trình cốt lõi để đánh giá, từ đó có hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp. Về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học này, Bộ trưởng cho biết đang lên phương án về hình thức thi, có thể linh hoạt hơn để phù hợp tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố trong thực tế. Bộ GD-ĐT cũng đang tính xây dựng bộ ngân hàng đề đủ lớn, để có thể tổ hợp cho phép thi nhiều lần hơn, thậm chí có thể đáp ứng mỗi tỉnh có một kế hoạch thi. Tuy nhiên, đây chỉ là những phương án “bất đắc dĩ” nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. |
Bảo đảm chất lượng dạy và học
Cũng trong sáng 11/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường về lĩnh vực GD-ĐT. Nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn về vấn đề dạy và học trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp, kéo dài.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nêu lên một thực tế: “Dù Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm nhưng gần đây đã xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến, thậm chí có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến. Cử tri bức xúc, kiến nghị Bộ GD-ĐT cần tiến hành thanh tra về dạy thêm, học thêm trực tuyến trong mùa dịch”.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc dạy thêm, học thêm là việc mà ngành ngăn chặn, nghiêm cấm: “Bình thường đã cần phải ngăn, trong khi học trực tuyến học sinh còn căng thẳng hơn, nên việc dạy thêm giờ, học thêm là việc chúng ta cần lên án”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Trong Thông tư Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến ngày 30/3/2021 do Bộ GD-ĐT ban hành đã quy định rõ số giờ dạy cho các cấp, các lớp. Các sở giáo dục, các địa phương cũng cần phối hợp để kiểm tra xem có hiện tượng học sinh phải học quá số giờ quy định hay không. “Quan điểm là chúng tôi sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và có đầy đủ các căn cứ để tích cực ngăn chặn việc này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Dự báo trong thời gian tới dịch sẽ còn diễn biến phức tạp; dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp ổn định, lâu dài. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, giáo viên về lâu dài; những hạn chế trong công tác dạy và học bộc lộ trong thời gian ứng phó với dịch bệnh vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Bộ đã cố gắng phát huy tinh thần trách nhiệm, sự tận tình. Tuy nhiên, qua thời gian ứng phó với dịch bệnh cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh, làm tốt hơn trong thời gian tới. Trên phương diện thể chế, các chế độ chính sách được áp dụng vận hành trong tình trạng ứng phó dịch bệnh, Bộ trưởng thừa nhận, còn nhiều văn bản quản lý, nhiều chính sách đã bộc lộ những khiếm khuyết.
Đối với những việc cần làm trong thời gian tới cần để tăng cường chất lượng dạy và học về lâu dài, đặc biệt là chất lượng dạy và học trực tuyến, Bộ GD-ĐT xác định phân rõ 3 nhóm đối tượng để có những giải pháp khác nhau.
HIỀN HẠNH-NGUYỄN THI