KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV

Cần ban hành chiến lược tổng thể về kiểm soát dịch COVID-19 phù hợp

Thứ Tư, 10/11/2021, 22:17 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 10/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá hiệu quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng nội dung theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Một số đại biểu Quốc hội chưa hoàn toàn đồng ý với trả lời của Bộ trưởng đã đăng ký tranh luận, trao đổi thẳng thắn để đi đến cùng, làm rõ hơn các vấn đề chất vấn.

Trong lĩnh vực y tế, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về một số nội dung như: nguyên nhân dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 và gây tổn thất nặng nề, bài học kinh nghiệm; trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong công tác dự báo, tham mưu các kịch bản, phương án đối với thích ứng với diễn biến của tình hình dịch bệnh; trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong việc xây dựng và triển khai chiến lược vaccine; nguyên tắc phân bổ công bằng vaccine; rủi ro trong việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi; công tác quản lý giá xét nghiệm COVID-19; tình trạng lợi ích nhóm trong hoạt động nhập khẩu bộ kit test xét nghiệm; thời điểm vaccine trong nước được cấp phép và đưa vào sử dụng; việc kết hợp áp dụng y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị COVID-19.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đã giải trình, làm rõ các nội dung liên quan đến giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; các chế độ, chính sách công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ngành y tế, nhất là nhân lực chất lượng cao; tình trạng chảy máu nguồn nhân lực y tế do áp lực công việc cũng như chế độ, chính sách chưa phù hợp; đánh giá việc khám, điều trị của đội ngũ y, bác sĩ khu vực công khi đồng thời tham gia hành nghề tại khu vực tư.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm rõ những giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến và các vùng miền, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh, chất lượng khám, sàng lọc; giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; việc phân cấp quản lý đối với hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, cấp xã; việc sắp xếp, bố trí mô hình Trung tâm Y tế huyện đa chức năng; giải pháp hỗ trợ về BHYT đối với người lao động bị ngắt quãng; quá trình đóng BHYT do mất việc làm.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long còn giải trình rõ vấn đề quản trị các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong điều kiện đã tự chủ tài chính; giải pháp nâng cao năng lực quản trị của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là bác sĩ chuyển từ hoạt động chuyên môn thuần túy sang làm công tác quản lý; chủ trương xã hội hóa lĩnh vực y tế; trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc xảy ra các sai phạm trong ngành y tế.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có thời gian công tác lâu năm trong ngành y tế, là chuyên gia trong lĩnh vực này.

Muốn chuyển sang thích ứng an toàn, phải bảo đảm điều kiện y tế tốt nhất
Tham gia chất vấn Bộ Trưởng Bộ Y tế tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT đặt câu hỏi: Hiện nay các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ còn rất khác nhau. Với vai trò là tư lệnh ngành y tế đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để tổ chức thực hiện đồng bộ Nghị quyết 128 trên phạm vi toàn quốc?
 Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT Tham gia chất vấn Bộ Trưởng Bộ Y tế tại hội trường. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT Tham gia chất vấn Bộ Trưởng Bộ Y tế tại hội trường. Ảnh: CHÂU VŨ
Trả lời nội dung nói trên, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các quốc gia đã chuyển sang thích ứng, chung sống an toàn với dịch. Thực tế thời gian qua, sau khi tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm các nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đã ban hành Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19.
Nghị quyết này có một số điểm lưu ý như: Đánh giá cấp độ dịch dựa trên tình hình dịch, tiến độ tiêm chủng, năng lực y tế của từng địa phương; các địa phương có đánh giá về tình hình dịch của mình để đưa ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiện các địa phương đã đánh giá được cấp độ dịch trên từng địa bàn, quy mô xã và nhỏ nhất có thể.
Trong Nghị quyết 128 của Chính phủ và Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế đã nêu rất rõ, các địa phương phải đánh giá cho được được cấp độ dịch để đưa ra các biện pháp triển khai, hoạt động phù hợp với cấp độ dịch như: Việc tổ chức các hoạt động ngoài trời, giao thông, lưu thông hàng hoá, y tế...
Muốn chuyển sang thích ứng an toàn, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhất là y tế rất quan trọng. Các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất đặc biệt về y tế như: Hạ tầng, y tế cơ sở, thành lập trung tâm hồi sức…
Các địa phương phải chủ động trong các biện pháp chống dịch. Hiện một số có tình trạng lơ là, mất cảnh giác, vì vậy các cơ quan y tế, Chính phủ đã chỉ đạo không lơ là, chủ quan mà liên tục phải có các biện pháp phòng chống dịch.
Đại dịch chưa có trong tiền lệ, diễn biến phụ thuộc nhiều vào từng địa phương. Căn cứ tình hình tại địa phương mình như: Quy mô dân số, mức độ mắc, tình hình giao lưu, đi lại… các địa phương đã có triển khai các biện pháp khác nhau, nhưng lưu ý việc thực hiện theo Nghị quyết 128, và Hướng dẫn 4800.
Ngoài ra, Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH về nội dung giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động; khắc phục các hạn chế và thống nhất việc tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

 

Thời gian vừa qua, khi đảm nhận chức vụ này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long rất sâu sát trong công việc chuyên môn, trong trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nắm vững các nội dung và trả lời hết tất cả các câu hỏi, các nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội quan tâm và trả lời cơ bản đi đúng vào các nội dung chất vấn; làm hài lòng đa số các đại biểu tham gia chất vấn. Không có đại biểu nào có yêu cầu chất vấn thêm hoặc chất vấn lại.

Kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề đã chất vấn, đưa ra những mục tiêu, yêu cầu, thời hạn để Chính phủ, Bộ trưởng và các bộ, ngành liên quan triển khai. Các cơ quan của Quốc hội giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và nhân dân theo dõi, đánh giá việc thực hiện.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ Quốc hội một lần nữa trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương lực lượng y tế, những chiến sĩ áo trắng cùng với các lực lượng tuyến đầu trong suốt gần 2 năm vừa qua, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại gian khổ, hy sinh đã cùng với toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là các lực lượng, tiến độ cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đặc biệt cử tri rất mong muốn Bộ Y tế đúc kết được những kinh nghiệm trong thời gian trước đây, sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành một Chiến lược tổng thể về kiểm soát dịch COVID-19 trong điều kiện an toàn, kiểm soát hiệu quả và linh hoạt đối với COVID-19; tuyệt đối không để xảy ra vấn đề bị động, lúng túng, bất ngờ trên cơ sở nâng cao năng lực phân tích, đánh giá dự báo và xây dựng các kịch bản, phương án đối phó phù hợp.

Cử tri rất mong muốn tuyệt đối không để để dịch bệnh bùng phát một lần nữa như đợt vừa qua để góp phần phát triển kinh tế-xã hội, là điều kiện tiên quyết phục hồi và phát triển kinh tế trong và hậu đại dịch.

DIỆP TRƯƠNG – MINH THIÊN

;
.