Giữ bình tĩnh, chủ động trước mức độ lây nhiễm COVID-19
3 ngày gần nhất ghi nhận 399 ca nhiễm. Tốc độ lây nhiễm ở mức 3 con số
Tốc độ lây lan COVID-19 trên địa bàn tỉnh ở mức 3 con số, nguy cơ dịch bùng phát diện rộng rất hiện hữu, tuy nhiên, cần phải giữ bình tĩnh, chủ động và chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, để có thể thích ứng an toàn. Đây là tinh thần chung cuộc họp của BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, diễn ra vào chiều tối 8/11.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh vào chiều tối 8/11. |
Khó ứng phó khi có ca nhiễm ở DN đông lao động
Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế nhận định, số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn tỉnh đã đạt mức 3 con số. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng rất hiện hữu. Cụ thể, từ 16/10 đến 8/11, toàn tỉnh ghi nhận 1.142 ca, tăng gấp 4 lần so với thời điểm 1 tháng trước đó (tăng 874 ca). Trong đó, số ca mắc trong cộng đồng tăng gấp 5 lần, với 655 ca, tăng 537 ca so với 1 tháng trước đó. Riêng trong 3 ngày gần đây, từ 6 đến 8/11, toàn tỉnh ghi nhận 399 ca mắc mới, trong đó có 222 ca trong cộng đồng. Cao điểm nhất là ngày 7/11 có 105 ca trong cộng đồng.
Bác sĩ Phạm Minh An dẫn chứng thêm, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các chùm ca bệnh trong DN có đông người lao động và tạo ra các chuỗi lây nhiễm mới. Đây là những ổ dịch phức tap. Điển hình như: Công ty Dong In Entech (huyện Đất Đỏ) có 100 ca; công trường số 28 (Thi Sách, TP.Vũng Tàu) 58 ca; Công ty TNHH sản xuất Giày Uy Việt 78 ca; Công ty Gỗ Thịnh Hoàng (TX.Phú Mỹ) 38 ca.
Liên quan đến các chùm ca bệnh nói trên, ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu cho biết, qua kiểm tra các công trường, DN có ca mắc COVID-19 cho thấy, các đơn vị này dù đều xây dựng phương án phòng, chống dịch, nhưng không sát thực tế. Hầu như DN chưa có phương án xử lý trong trường hợp ghi nhận ca F0. Khi có ca F0 thì số lượng F1 thường rất đông. Phần lớn công nhân người lao động ở trọ, nên không đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà, khiến cho TP.Vũng Tàu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức cách ly y tế tập trung.
Ông Trần Đình Khoa cho rằng, cần phải có những đánh giá, dự báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong các DN có từ 100 người lao động trở lên. Qua đó, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ phương án phòng, chống dịch của họ. Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả việc cách ly F1 tại nhà, tiến tới theo dõi, điều trị F0 tại nhà, cần có đội ngũ tình nguyện viên đông đảo, nhất là bác sĩ để hỗ trợ các địa phương giám sát, quản lý và theo dõi người bệnh. “Ban quản lý các KCN tỉnh cần kích hoạt tổ phản ứng nhanh phòng khi có ca bệnh xuất hiện trong các DN thì kịp thời xử lý ổ dịch nhanh và hiệu quả”, ông Khoa đề xuất.
Ràng buộc DN tham gia phòng, chống dịch
Ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, để công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các DN đạt hiệu quả, hì phải có những quy định ràng buộc, quy trách nhiệm cho chủ DN, người sử dụng lao động. Hiện nay, Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã xây dựng Dự thảo Hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN trên địa bàn tỉnh. Dự thảo này đang lấy ý kiến của các sở, ban ngành, địa phương và sớm hoàn thiện, ban hành trong thời gian tới. Theo ông Mai Ngọc Thuận, Dự thảo có quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện phòng, chống dịch cho các sở, ban ngành, địa phương, các DN và cả người lao động. Vì vậy, khi thực hiện sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của DN và người lao động trong phòng, chống dịch.
Trước mức độ lây lan của dịch COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh cho rằng sự chủ động, bình tĩnh vào lúc này là vô cùng quan trọng. Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là tại khu vực cảng biển, nhà máy, DN... Các đơn vị, địa phương thường xuyên đánh giá và nắm chắc các nguồn lây nhiễm; bổ sung nguồn lực, thành lập các trạm y tế lưu động tại KCN; thận trọng trong khoanh vùng, truy vết để tìm đúng F1,F2. Bên cạnh đó, cần tổ chức cho các DN diễn tập để không lúng túng khi xuất hiện F0; khuyến khích DN tổ chức test nhanh COVID-19 cho người lao động định kỳ.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 ở cả 3 tầng; triển khai chặt chẽ, hiệu quả quy định cách ly F1 tại nhà và xây dựng dự thảo quy định cách ly F0 tại nhà trước 25/11. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân tuân thủ 5K. UBND tỉnh rà soát và tiếp tục sử dụng các trường học làm nơi cách ly tập trung,bởi dịch bệnh đang phức tạp, nhiều khả năng phải đến hết tháng 12/2021, HS mới có thể trở lại trường.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM