Đó là nhận định của ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tại cuộc họp giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch COVID-19 toàn tỉnh diễn ra chiều 30/11.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng cho rằng các DN trong KCN cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát dịch bệnh. Trong ảnh: Đại diện Công ty TNHH Meisheng Textiles Việt Nam trình bày các phương án phòng chống dịch tại buổi làm việc đoàn kiểm tra của tỉnh sáng 30/11. Ảnh: Thụy Nhiên |
Cần sớm bao phủ vắc xin từ trẻ 3 tuổi
Theo đánh giá của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh gia tăng với tốc độ khá nhanh. Cụ thể, chỉ trong vòng 7 ngày (từ 23-29/11) toàn tỉnh ghi nhận 4.482 ca (trong đó có 2.564 ca cộng đồng, tăng 52,2% so với tuần trước đó. Riêng từ 12 giờ ngày 29/11- 30/11 ghi nhận 860 ca. Hiện Bộ Y tế phân loại dịch BR-VT ở cấp độ 3 (nguy cơ cao).
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp mới để kiểm soát dịch bệnh phù hợp với tình hình hiện nay; trong đó trọng tâm vẫn là bao phủ vắc xin và củng cố hệ thống y tế, cơ sở vật chất phục vụ công tác cách ly, điều trị.
Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, tỉnh cần tăng cường mục tiêu bao phủ vắc xin phòng COVID-19 đến từng người dân trên địa bàn, vận động người dân tham gia tiêm vắc xin, không bỏ sót bất cứ ai, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao; đồng thời mở rộng độ bao phủ vắc xin cho trẻ em đến 3 tuổi và triển khai mũi tiêm tăng cường.
Công tác xét nghiệm cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các đối tượng có triệu chứng nghi ngờ, người nguy cơ cao, người có yếu tố dịch tễ. Các địa phương đẩy mạnh áp dụng các loại test nhanh kháng nguyên trong xét nghiệm chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ, điều tra dịch tễ. Bên cạnh đó, các đơn vị xây dựng và ban hành quy trình xử lý ổ dịch thích ứng, an toàn, linh hoạt trong tình hình mới.
Ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, tiến tới tỉnh sẽ thực hiện cách ly 100% F1 tại nhà. Tuy nhiên, có những F1 thuộc trường hợp đặc biệt như bị bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện cách ly tại nhà. Vì thế, các địa phương nên cải tạo và sử dụng các Trung tâm VH–HTCĐ ở xã, phường, thị trấn làm nơi cách ly cho đối tượng này.
Các địa phương cần tuyên truyền, vận động các chủ nhà trọ không nên cho khách thuê 100% công suất phòng mà cần dành 3-4 phòng ở cuối dãy để làm nơi cách ly F1, F0. “Những địa phương chưa có cơ sở điều trị bệnh nhân COVID -19 tầng 2 thì khẩn trương thành lập để các trường hợp F0 ở địa bàn nếu bệnh trở nặng sẽ được tiếp nhận điều trị trong thời gian sớm nhất, hạn chế di chuyển xa”, ông Thuận đề xuất.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, để kiểm soát tốt hơn dịch bệnh trong các KCN, các DN, cơ sở sản xuất trong KCN cần nghiêm túc thực hiện xét nghiệm định kỳ tối thiểu 20% người lao động nguy cơ cao; đồng thời thành lập các khu vực cách ly F1, F0; xử lý nghiêm các DN không thực hiện xét nghiệm định kỳ tối thiểu 20% người lao động nguy cơ cao.
Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ lo lắng trước biến chủng Omicron mới xuất hiện tại Nam Phi gần đây và đề nghị UBND tỉnh và Sở Y tế cần theo sát nguồn tin từ Bộ Y tế, để khi có hướng dẫn mới tỉnh triển khai thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời tới người dân.
“Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì thế, BCĐ Phòng, chống dịch các cấp cần sâu sát với cơ sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, hướng dẫn cơ sở dập dịch hiệu quả. Tỉnh sẽ trích 7 tỷ đồng để hỗ trợ, động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và trực tại 3 chốt trên các quốc lộ trên địa bàn tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy cho biết.
|
Bảo đảm đầy đủ nhân lực, phương tiện điều trị COVID-19
Chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh phù hợp với từng giai đoạn.
Khẳng định dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát. Đồng thời đề nghị các địa phương cần mạnh dạn mở rộng điều kiện để bố trí cho F0 điều trị tại nhà, nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế; tiếp tục tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác, không chủ quan trông chờ vào việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 mà lơ là các biện pháp phòng chống dịch.
Các địa phương phát huy hơn nữa vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng trong việc giám sát, theo dõi cách đối tượng F1, F0 ở nhà; xây dựng kịch bản dịch bệnh cao hơn thực tế để chủ động phương án phòng chống dịch, không để bất ngờ, thụ động, mất kiểm soát khi dịch xảy ra; tăng cường kiểm tra, kiểm soát DN thực hiện phòng, chống dịch và xử lý nghiêm những đơn vị đùn đẩy công tác quản lý F0 về cho địa phương, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Trung tâm chỉ huy Phòng chống, chống dịch bệnh tỉnh tiếp tục rà soát các cơ sở làm nơi điều trị F0, cách ly F1 tập trung thay thế cho các trường học; chuẩn bị thuốc men, mua sắm các trang thiết bị y tế, không để thiếu những danh mục này trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; huy động nhân lực y tế trong toàn tỉnh để tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM