ĐẢNG VỮNG MẠNH - NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH MỌI THẮNG LỢI - Kỳ 2: Xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, lãng phí trong Đảng, Nhà nước. Do vậy, chống tham nhũng để Đảng thật sự trong sạch, vững bền được coi là nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách của Đảng bộ tỉnh từ ngày thành lập đến nay.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Bằng khen cho các đảng bộ cấp huyện và tương đương đạt thành tích xuất sắc trong công tác kết nạp đảng viên nhiệm kỳ 2015-2020 tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tháng 12/2020. |
Để khắc phục tham ô, lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần thực hành tiết kiệm, đức tính liêm khiết, trong sạch trong thực thi công vụ; phải thấm nhuần đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa bè phái, cục bộ; nêu cao ý thức, thái độ, lề lối làm việc khoa học, có kỷ luật trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thấm nhuần tư tưởng của Người về đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ tỉnh triển khai toàn diện các chương trình, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, trong thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với việc triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Quá trình thực hiện Nghị quyết đã gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ của tỉnh bằng những cách làm, bước đi thích hợp, tập trung vào những định hướng phát triển lớn của tỉnh và giải quyết các khâu còn hạn chế, yếu kém, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện. Nhờ đó, nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cấp ủy đảng, trong cán bộ, đảng viên đã có sự chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện thông qua mối quan hệ đoàn kết nội bộ, sự thống nhất cao trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy; ý thức học tập, thái độ làm việc của cán bộ, đảng viên được nâng lên, xác định rõ trách nhiệm, có sự cam kết và nỗ lực thực hiện; công tác đánh giá cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng ngày càng đi vào thực chất, tổ chức thực hiện chặt chẽ, khách quan và cụ thể.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là diện cán bộ Tỉnh ủy quản lý đã có ý thức rèn luyện, tu dưỡng, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được đổi mới theo hướng thực hành dân chủ, sâu sát với cơ sở.
BÀ NGUYỄN THỊ YẾN, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY
Quan tâm công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng
Thời gian qua, công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng được các cấp ủy quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trên nhiều lĩnh vực, theo phương châm “tiếp cận nhanh, kết thúc sớm, kết luận rõ ràng”. Các nội dung kiểm tra, giám sát bảo đảm chương trình toàn khóa, thực tiễn tại địa phương, tập trung vào một số lĩnh vực còn yếu kém, vướng mắc, khó khăn của tỉnh. Từ đó, đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
|
Song song đó, Đảng bộ tỉnh đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí như: kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; bước đầu công khai, minh bạch các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí; thực hiện khoán biên chế, khoán chi trong 100% cơ quan hành chính, sự nghiệp; xây dựng quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm, thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Từ năm 1996 đến năm 2020, UBKT Tỉnh ủy và UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 586 tổ chức Đảng và 2.983 đảng viên (trong đó 1.148 người là cấp ủy viên các cấp), giám sát 5.187 tổ chức Đảng và 4.125 đảng viên (trong đó 2.277 người là cấp ủy viên các cấp). Thông qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm (Quyết định kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật 46 tổ chức Đảng và 2.710 đảng viên vi phạm).
Riêng trong 9 tháng năm 2021, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 142 tổ chức Đảng và 366 đảng viên (tăng 355%) so với cùng kỳ; tiến hành giám sát 120 tổ chức Đảng (tăng 136%) và 435 đảng viên (tăng 248%); thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 62 đảng viên. UBKT các cấp tiến hành kiểm tra 22 đảng viên, 8 tổ chức Đảng vi phạm; thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 12 đảng viên. Các tổ chức Đảng, đảng viên sau khi được kiểm tra, giám sát đều đã quyết tâm khắc phục, sửa chữa vi phạm khuyết điểm, siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương, tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt nhiều kết quả tích cực.
Bài, ảnh: NGUYỄN THI