Ban hành Nghị quyết về Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 42/2021/QH15 về Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. |
Nghị quyết nêu rõ: Sau 16 ngày làm việc gồm 2 đợt họp trực tuyến kết hợp với tập trung, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 2 luật: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Quốc hội thông qua 12 nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022; Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; 4 Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên-Huế; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội cho ý kiến 5 dự án luật: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Cảnh sát cơ động và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Thực hiện nghiêm các quy định về giải quyết khiếu nại
Tại Nghị quyết, Quốc hội đề nghị các cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và nhân dân; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; nghiên cứu xây dựng cơ chế và tổ chức thực hiện tiếp công dân trực tuyến phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Quốc hội cũng đề nghị tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, tồn đọng, kéo dài; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, nhất là các vụ việc mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; tổ chức thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt trên 90%.
Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ giao chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế cho các địa phương giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ để duy trì và mở rộng đối tượng tham gia nhằm thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, ban hành cơ chế tài chính và chính sách cán bộ phù hợp, tạo điều kiện phát triển y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, công tác giám định bảo hiểm y tế...
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương đánh giá kết quả thực hiện việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm kịp thời chế độ, chính sách cho các nhóm đối tượng...
Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm việc thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời hạn.
Khẩn trương đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 một cách tổng thể, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ các nhóm đối tượng bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn cũng như các biện pháp tổ chức thực hiện nhằm cải thiện khả năng tiếp cận, nâng cao tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ.
Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh để xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết, các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, phù hợp với thực tiễn, hiệu lực, hiệu quả.
Chính phủ nghiên cứu và đề xuất cơ chế huy động đầu tư vào hoạt động sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế trong nước; có kế hoạch để chủ động về vaccine và thuốc điều trị COVID-19; tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, bám sát mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…
MINH VŨ