KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ÔNG LÊ ĐỨC THỌ (10/10/1911 - 10/10/2021)

Nhà lãnh đạo bản lĩnh và tài năng

Chủ Nhật, 10/10/2021, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Với 79 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, ông Lê Đức Thọ đã cống hiến tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với nhiều giai đoạn của cách mạng Việt Nam.

Cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Henry Kissinger bắt tay nhau sau khi ký tắt Hiệp định Hòa bình Paris ngày 23/1/1973. Ảnh: TL
Cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Henry Kissinger bắt tay nhau sau khi ký tắt Hiệp định Hòa bình Paris ngày 23/1/1973. Ảnh: TL

Sớm giác ngộ cách mạng

Ông Lê Đức Thọ sinh ngày 10/10/1911 trong một gia đình nho giáo tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Nam Vân, TP. Nam Định). 14 tuổi, ông lên TP. Nam Định học tập. Trong thời gian này, ông đã hòa mình vào các hoạt động của học sinh, hăng hái tham gia phong trào biểu tình, bãi khóa đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 17 tuổi, ông đã đứng trong đội ngũ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau đó, được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng (tháng 10/1929) khi mới 18 tuổi, thuộc lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta.

Ngày 7/11/1930, ông bị thực dân Pháp bắt giam. Ngày 27/1/1931, bị tòa án thực dân kết án tù khổ sai chung thân, ông đã kiên quyết đấu tranh, chống án, buộc Tòa Thượng thẩm thực dân phải giảm mức án xuống 10 năm khổ sai và đày ra Nhà tù Côn Đảo. Tại đây, ông được tín nhiệm cử vào Ban Thường vụ chi ủy nhà tù và Bí thư chi bộ.

Năm 1936, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và phong trào Bình dân ở Pháp, bọn thực dân ở Đông Dương phải trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có ông Lê Đức Thọ. Ông trở lại quê hương Nam Định, tiếp tục hoạt động cách mạng, gây dựng một số cơ sở bí mật của Đảng, xây dựng đại lý phát hành sách báo để tuyên truyền sách báo của Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin.

Năm 1939, biết rõ ông Lê Đức Thọ là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt phong trào cách mạng ở Nam Định, thực dân Pháp cho mật thám theo dõi, bắt và kết án 5 năm tù, lưu đày tại các nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội và Sơn La, Hòa Bình. Năm 1944, hết hạn tù, ông được Đảng phân về hoạt động ở An toàn khu của Trung ương, phụ trách công tác bảo đảm bí mật, an toàn. Ông đã có một số đóng góp tại Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đêm 9/3/1945 để ra chủ trương phát động cao trào cách mạng đi tới cuộc Tổng khởi nghĩa.

Tháng 8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tại Hội nghị, ông được cử vào Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp tham gia cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi. Khi nước nhà mới giành độc lập, ông được giao phụ trách công tác tổ chức Đảng, giúp Trung ương bố trí, phát triển lực lượng Đảng, đoàn thể, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng.

Năm 1948, ông được cử thay mặt Trung ương Đảng trong Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào miền Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Được giao trọng trách Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (năm 1949) và sau đó làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam (từ 1949 - 1954), ông đã cùng Thường vụ Xứ ủy chăm lo xây dựng kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy, củng cố và thành lập mới các ban chuyên môn như: Ban Tổ chức, Ban Dân vận, Ban Công vận, Nông vận, Thanh vận, Tôn giáo, Hoa vận, Khơ me vận… Xuống miền Tây Nam bộ, ông chủ động đặt vấn đề với Thường vụ Xứ ủy xây dựng Trường Trường Chinh, mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ Tỉnh, Khu và là một trong những giảng viên chủ yếu của các lớp huấn luyện, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Nam Bộ vừa có trình độ lý luận chính trị, vừa có thực tiễn đấu tranh cách mạng.

Khôn khéo, linh hoạt

Sau Hội nghị Geneve 1954, ông Lê Đức Thọ được điều ra miền Bắc và được bổ sung vào Bộ Chính trị (cuối năm 1955), được phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (năm 1956). Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và trực tiếp của ông Lê Đức Thọ, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức của Đảng. Hội nghị đã chuyển hướng công tác tổ chức và cán bộ theo yêu cầu cách mạng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng niền Nam thống nhất nước nhà.

Năm 1967, ông được cử vào Quân ủy Trung ương. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ông được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ tháng 5/1968, ông làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris, trực tiếp đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với bản lĩnh của một nhà chính trị dày dặn, bằng tài trí, sự khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo, ông đã thực hiện phương châm kiên trì đấu tranh, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Ông là người góp phần to lớn vào việc buộc Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trên cương vị là đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 và tham gia chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã góp phần quan trọng, cùng quân và dân cả nước thực hiện trọn vẹn mong ước của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đối với sự nghiệp cách mạng quốc tế, ông Lê Đức Thọ có nhiều đóng góp lớn trong việc ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do chế độ Khơ-me Đỏ gây ra.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (30/4/1975), ông được phân công làm Phó Ban đại diện của Đảng và Chính phủ ở miền Nam. Tháng 12/1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Giữa năm 1977 đến tháng 1/1979, ông được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác đặc biệt. Năm 1980, ông được cử làm Bí thư Thường trực và phụ trách công tác tổ chức; tháng 10/1980 kiêm Hiệu trưởng Trường Chính trị đặc biệt.

Tại Đại hội lần thứ V của Đảng (3/1982), ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm Bí thư Thường trực, phụ trách công tác tư tưởng, nội chính, ngoại giao. Năm 1983, được chỉ định làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Đảng. Năm 1986, ông làm Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội lần thứ VI của Đảng và được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng ông Lê Đức Thọ Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương cao quý khác. Ngoài ra, ông còn được Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười; Đảng và Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăngco.

Theo BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

;
.