Đầu tư xây dựng và hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững

Thứ Năm, 16/09/2021, 21:39 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 16/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy.

Còn tồn tại, hạn chế

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược. Đến đầu tháng 4/2021, sau khi Chính phủ được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế một cách trọng tâm, thực chất. Chính phủ giao người đứng đầu các bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc công tác này; tạo điều kiện, tăng cường ưu tiên về tài chính, ngân sách, đội ngũ cán bộ cho xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đồng thời đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, xác định vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các cơ quan, địa phương, đơn vị, nhất là của địa phương trong quá trình thực thi các quy định gặp vướng mắc.

Tại hội nghị, Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá, trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chất lượng các văn bản từng bước được nâng cao, các lĩnh vực cơ bản đã có luật điều chỉnh. Bộ trưởng khẳng định: “Đến nay, hệ thống pháp luật đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Bên cạnh việc nhìn nhận những kết quả đạt được, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng làm rõ những bất cập, vướng mắc trong hiện trạng thể chế. Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng: “Một số chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp chưa được thể chế hóa đầy đủ, kịp thời; hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh do nhiều cơ quan ban hành với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là các văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ; việc hoàn thiện hệ thống pháp luật mới dừng lại ở mức bảo đảm thực hiện đúng và đủ các cam kết, thỏa thuận quốc tế; việc tổ chức thi hành pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, thiếu giải pháp nên hiệu quả thi hành pháp luật còn hạn chế…”.

Các đại biểu cũng kiến nghị, góp ý về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thời gian tới. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đề xuất cần quy định cụ thể và đề cao nguyên tắc về trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong hoạt động xây dựng pháp luật; quy định các hình thức chế tài phù hợp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đề cao vai trò, tính tự chịu trách nhiệm của cơ quan chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong việc chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm đối với nội dung dự án, dự thảo do mình chủ trì soạn thảo; chịu trách nhiệm tìm kiếm sự đồng thuận trong quá trình soạn thảo văn bản, hạn chế đến mức thấp nhất những vấn đề còn ý kiến khác nhau trước khi trình dự án, dự thảo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…”.

Theo báo cáo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật trên địa bàn tỉnh BR-VT, trong kỳ, tỉnh đã thẩm định 48 dự thảo nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh do các sở, ngành gửi đến. Về cơ bản, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thẩm định đều được các cơ quan thực hiện đúng quy trình, trình tự, hồ sơ theo quy định. Từ đầu năm 2021 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 5 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 13 quyết định. Các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương sau khi ban hành được Sở Tư pháp cập nhật kịp thời, đầy đủ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; công tác rà soát văn bản trên địa bàn tỉnh được tiến hành thường xuyên, kịp thời; công tác kiểm tra văn bản bảo đảm toàn diện, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch…

Biến thể chế thành đòn bẩy cho sự phát triển

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, tránh lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân”. Từ đầu tháng 4/2021, sau khi Chính phủ được kiện toàn, trên cơ sở kế thừa những thành tựu về xây dựng và hoàn thiện thể chế của các nhiệm kỳ trước, Chính phủ tiếp tục xác định công tác quan trọng này là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm tập trung chỉ đạo đúng mức, đúng tầm đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nguồn lực đầu tư cho công tác này còn hạn chế.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của  xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cần dành thời gian, công sức thỏa đáng, ưu tiên nguồn lực về tài chính, ngân sách, cơ sở vật chất, đặc biệt tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ và bảo đảm điều kiện, chế độ, chính sách cho những người tham gia. Đặc biệt, cần cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trên cơ sở 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

“Phải làm sao để thể chế trở thành động lực, đòn bẩy cho sự phát triển, trong đó phát huy tối đa nguồn lực con người, nguồn lực thiên nhiên và nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng yêu cầu rà soát những vướng mắc của thể chế từ thực tiễn, bám sát, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. “Mọi chính sách pháp luật phải hướng tới đối tượng trung tâm là người dân, doanh nghiệp. Phải làm sao để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát huy hết khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Muốn vậy, khi xây dựng thể chế phải lấy ý kiến của đầy đủ các đối tượng bị tác động, điều chỉnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ kiểm tra giám sát, quy định trách nhiệm, cắt giảm các thủ tục hành chính…”, Thủ tướng yêu cầu.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.